Nữ kiểm lâm bị hổ vồ, tử vong thương tâm trước mặt đồng nghiệp
(Dân trí) - Một nữ kiểm lâm viên đã bị hổ vồ chết ngay trước mặt những người đồng nghiệp khi cô đang đi bộ trong rừng.
Vụ việc kinh hoàng xảy ra hôm 20/11 tại khu bảo tồn hổ nổi tiếng Tadoba-Andhari ở Chandrapur, Ấn Độ. Một nữ nhân viên kiểm lâm có tên là Swati Dhumane, 46 tuổi đã bị một con hổ vồ tử vong ngay trước mặt các đồng nghiệp trong một khu rừng.
Swati Dhumane đang thực hiện cuộc khảo sát thì một con hổ cái 10 tuổi có tên Maya lẻn đến và tấn công cô.
Giám đốc khu bảo tồn Jitendra Ramgaokar cho biết Dhumane và ba đồng nghiệp đi bộ khoảng 4 km thì họ phát hiện con hổ cái trên một con đường cách họ khoảng 200 m.
"Họ đợi con hổ rời đi trong khoảng 30 phút nhưng vì con hổ không di chuyển nên Dhumane quyết định đi đường vòng qua khu rừng liền kề.
Chính lúc đó, con hổ cái đã cảm nhận được chuyển động bên trong khu rừng. Nó bám theo bốn người và tấn công Dhumane, người đang đi phía sau ba người khác".
Các nhà chức trách trong công viên đã tìm được thi thể của Dhumane vài giờ sau đó và mang đi khám nghiệm tử thi. Cuộc khảo sát ghi lại các hoạt động của hổ đã tạm thời bị đình chỉ.
Nandkishore Kale, phó giám đốc khu bảo tồn cho biết, thời điểm xảy ra vụ việc, có nhiều khách du lịch đang chờ đợi để tham quan trên con đường gần con hổ.
Swati Dhumane là người thứ ba bị hổ cái Maya tấn công sau sự cố vào năm 2017 và năm 2020.
Bandu Dhotre, một chuyên gia hàng đầu về động vật hoang dã cho biết hổ ở các khu du lịch, thường không tấn công con người. Ông nói: "Khách du lịch thường di chuyển rất gần hổ nhưng hổ không bao giờ hổ tấn công họ. Vì thế việc hổ Maya tấn công của người bảo vệ rừng là rất đáng kinh ngạc".
Ấn Độ là một trong những quốc gia có nhiều hổ sống trong tự nhiên nhất thế giới hiện nay. Đất nước này hiện chi khoảng 2,5 tỷ rupee mỗi năm cho các nỗ lực bảo tồn hổ.
Theo một quan chức hàng đầu giám sát chương trình hổ của quốc gia, nước này dự định tăng số lượng hổ hoang dã thêm 35% lên thành 4.000 con trong thập kỷ tới, điều này sẽ bảo vệ rừng đồng thời thúc đẩy lợi nhuận kinh tế từ việc bảo tồn hổ.
"Các khu bảo tồn hổ đang mang lại lợi ích cho xã hội, môi trường và nền kinh tế", S.P. Yadav, tổng giám đốc của dự án bảo tồn hổ, một chương trình do chính phủ điều hành nói trong một cuộc phỏng vấn.
Theo ước tính chính thức, năm ngoái, Ấn Độ đã thống kê được 2.967 con hổ trong các khu rừng so với 2.226 con được ghi nhận vào năm 2014.