Nỗi niềm người Hội An trước nguy cơ biển Cửa Đại... biến mất

(Dân trí) - Hằng ngày, người dân Cửa Đại (Hội An) chỉ còn biết thắp hương, khấn vái mong sao “thần biển” đừng tiếp tục cướp thêm tấc đất nào nữa trên quê hương mình.

Từng nằm trong danh sách những bãi biển đẹp được đông đảo du khách yêu thích, nhưng giờ đây, Cửa Đại sẽ được xếp vào một danh sách “những bãi biển sắp bị tuyệt chủng” nếu không có sự can thiệp kịp thời và đúng đắn.

Sóng biển đã “gặm” đến phòng ngủ của một resort
Sóng biển đã “gặm” đến phòng ngủ của một resort

Bờ biển Cửa Đại những ngày này buồn hiu hắt. Khách du lịch ghé ngang, chụp vội vài tấm hình, ngó nghiêng bờ kè, nghe tiếng sóng vỗ rồi lắc đầu ngao ngán bỏ đi, chẳng ai buồn ngó đến.

Gắn bó với Cửa Đại từ ngày mới lập bãi, bà Bé – một người dân buôn bán ở đây - nghẹn ngào: “Trước đây, khách du lịch ghé đến đông lắm, nhưng vài năm trở lại đây khách thưa dần, thu nhập người dân vì thế cũng bấp bênh. Chúng tôi cố gắng bám trụ phần vì chẳng biết phải đi đâu, phần thương bãi biển đang mất dần”.

Bao nhiêu cuộc họp bàn của lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương, bao nhiêu chuyên gia, nhà khoa học đến xem xét, nghiên cứu nhưng biển Cửa Đại vẫn tiếp tục sạt lở. Cuối cùng người dân buôn bán ở đây vẫn là người chịu ảnh hưởng nhiều nhất.

Trong khi chưa có giải pháp hữu hiệu thì sóng vẫn tiếp tục ăn mòn bờ biển. Việc giữ đất, bây giờ phải cầu cứu đến thần linh. Mỗi ngày, trước khi dọn hàng ra biển họ lại thắp hương khấn vái thần linh xin đừng “nuốt” thêm bờ biển của mình.

Bãi biển vắng tanh du khách
Bãi biển vắng tanh du khách

Từ gần 400 mét bờ biển, giờ sóng đánh bật, ăn sâu vào đất liền chỉ còn tính vài chục, gần ra tới mặt đường. Bao hộ dân phấp phỏng lo sợ, không biết bao giờ biển “ăn” đến nhà mình.

Đoạn biển này là nơi sinh kế cho biết bao nhiêu gia đình xóm biển, cũng đủ để nuôi con cái ăn học đàng hoàng; những người vợ, người mẹ không phải chịu cảnh ngày đêm ngóng trông tin chồng con nơi khơi xa. Thế mà, giờ đây nơi này đang dần mất đi, ray rứt lắm,..

Cửa Đại trước kia có tên gọi là Đại Chiêm Hải Khẩu, đóng vai trò quan trọng trong tiến trình lịch sử của dải đất miền Trung. Từ thế kỷ XVI-XVII, thời Đại Việt, tàu bè khắp nơi đổ về giao thương hàng hóa, tạo nên cảng thị Hội An - Faifo sầm uất vang danh một thời “thứ nhất Kinh Kỳ, thứ nhì Phố Hiến”.

Thời hiện đại, nó là một bãi biển du lịch nổi tiếng, thu hút đông đảo du khách, giờ đây nó lại “nổi tiếng” trên các trang mạng xã hội với mức độ sạt lở khủng khiếp, báo động.

Du khách giờ đây ngồi trên những bao tải cát, chụp hình lưu niệm rồi về
Du khách giờ đây ngồi trên những bao tải cát, chụp hình lưu niệm rồi về

“Nghe đâu người ta mời các nhà khoa học, kỹ sư đến xem xét, kiểm kê mức độ thiệt hại rồi tìm phương án xử lý, rồi bảo do biến đổi khí hậu... Tôi thì chẳng biết biến đổi gì nhưng chỉ thấy từng thước đất ven biển đang mất đi, nhiều nhà hàng thiệt hại không kể xiết, như mới đây sóng đánh mạnh làm mười nhà hàng sạt lở nặng, thấy mà xót lắm”, ông Lê Cho, chủ nhà hàng Tấn Lộc chia sẻ.

Mỗi ngày, biển lại đến gần hơn một chút. Những hàng dừa chắn sóng cũng dần vơi. Ban đầu một hai hàng, rồi cứ thế mất dần cho sóng biển, không còn tính bao nhiêu hàng dừa đã mất đi mà phải tính bao nhiêu hàng còn lại.

Những người nghèo khó ven biển luôn coi Cửa Đại như là người bạn tâm giao, là “cuộc đời” của mình. Biển đến với con người như một ân huệ nhưng cũng là một thách thức, sống với biển, ở bên biển không ai hiểu biển hơn họ.

Người dân Cửa Đại “than thở” buôn bán ngày càng khó khăn do bãi biển không còn

Bãi tắm công cộng mất đi, không gian sinh hoạt cũng mất dần, ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành du lịch địa phương mà rõ nét nhất là cuộc mưu sinh của những người nghèo xóm biển. Nhiều khu resort ven biển xây dựng hàng trăm tỷ đồng phải bỏ hoang, số còn lại dựng kè chắn sóng để “giữ đất” cho riêng mình.

“Trước kia khi biển còn, việc làm ăn còn khấm khá, ngày cũng kiếm được vài trăm. Giờ đây, vài chục cũng vui lắm rồi, chứ có ngày không kiếm được đồng nào đành bó gối ngồi nhìn biển mà rưng nước mắt”, bà Nga – một người buôn bán ở đây tâm sự.

Trước tình hình sạt lở bờ biển vẫn diễn ra nghiêm trọng, năm 2014 Hội An đã đầu tư cấp bách tuyến kè mềm bằng biện pháp gia cố tuyến bờ biển sạt lở với bao tải cát cỡ lớn xếp chồng lên nhiều lớp dọc nơi sạt lở nhằm chống xói lở cục bộ và bảo vệ cây cối với chiều dài 315 mét.

Trong năm 2015, Hội An tiếp tục đầu tư xây dựng đoạn xung yếu khoảng 100 mét, với tổng kinh phí 25 tỷ đồng. Tuy nhiên, đây chỉ là biện pháp tạm thời, không phát huy hiệu quả là bao.

Bà Bé trầm ngâm nhìn ngắm bờ biển quê mình đang dần bị gặm nhấm từng ngày mà xót xa: “May năm nay chưa có cơn bão lớn nào vô đấy, cơ mà có chắc bờ biển này không còn nữa đâu, chằn bao cát thế kia đã là gì, sóng mạnh thì cũng như muối bỏ bể, đau lắm, xót lắm”.

N.Linh-C.Bính