Nơi máy bay và tàu phải "nhường đường" cho nhau nếu lịch trình bị trùng
(Dân trí) - Để sắp xếp lịch cất cánh và hạ cánh cho các máy bay là một thách thức không đơn giản tại sân bay Gisborne ở New Zealand bởi đây là nơi có đường băng giao cắt với đường sắt.
Sân bay Gisborne được đánh giá là một trong những đường băng đặc biệt trên thế giới khi có đoạn giao cắt với đường sắt chạy qua. Đây vốn là một sân bay nhỏ nằm ở vùng ngoại ô phía tây của Gisborne, thuộc bờ đông của Đảo Bắc tại New Zealand.
Với diện tích 160ha, sân bay có một đường băng chính giao cắt với đường sắt Palmerston North. Ngoài ra, nó còn có 3 đường băng trồng cỏ dành cho phi cơ hạng nhẹ. Tuyến đường sắt và sân bay có giờ hoạt động linh hoạt từ 6h30 sáng tới 20h30. Sau đó, đường băng đóng cửa tới sáng hôm sau.
Tại đây, nếu tàu hay máy bay trùng lịch của nhau, một trong hai phương tiện phải dừng, đợi phương tiện còn lại đi qua. Nếu may mắn, du khách có thể bắt gặp khoảnh khắc đoàn tàu chạy qua, cách máy bay đang hạ cánh ở khoảng cách gần.
Tới nay, chưa từng có sự cố đáng tiếc nào xảy ra tại sân bay này. Nhưng đối với ban quản lý sân bay, đây là thử thách không đơn giản khi phải điều tiết lịch cất - hạ cánh máy bay theo giờ hoạt động của tàu.
Được biết, sân bay Gisborne vốn là điểm kết nối quan trọng của thành phố này với các điểm đến khác trên khắp New Zealand. Nơi này có hơn 60 chuyến bay quốc nội, đón tiếp khoảng 150.000 hành khách mỗi năm.
Năm 2018, chính phủ New Zealand đã đầu tư 3,6 triệu USD để tái phát triển sân bay này. Đây được coi là bước tiến quan trọng, được kỳ vọng mang tới cơ hội và phát triển cho doanh nghiệp địa phương cũng như thu hút thêm du khách đến với thành phố này.
Trên thế giới cũng có một số đường băng nằm giao cắt với đường sắt nhưng con số này rất hãn hữu. Có thể kể tới sân bay ở Wynyard thuộc bờ biển phía tây bắc của đảo Tasmania (Australia). Tuy nhiên, chính quyền địa phương đã cấm tàu hỏa di chuyển trên đường sắt kể từ năm 2005 do số lượng các chuyến tàu giảm dần.