Nơi mái nhà của hàng xóm trở thành lối đi công cộng như trên đường phố
(Dân trí) - Ngôi làng độc đáo ở Iran có những mái nhà được chạm khắc vào sườn núi tạo thành lối đi khiến người dân có thể thoải mái đi lại trên mái.
Tọa lạc tại phía đông bắc Iran, làng Masuleh nổi tiếng với khu cảnh mộc mạc dù đã trải qua hàng nghìn năm lịch sử. Bù lại, cảnh quan nơi đây đẹp như tranh vẽ với cây cối xanh mướt và những ngôi nhà ẩn thấp thoáng trong lớp sương mù, xếp chồng lên nhau.
Để phù hợp với khí hậu địa phương, những ngôi nhà trên sườn núi dốc được sơn màu vàng tươi sáng để dễ phát hiện hơn qua lớp sương mù.
Làng Masuleh được đánh giá là một trong những nơi có lối kiến trúc độc đáo nhất nhờ những nếp nhà có phần mái chạm khắc vào sườn núi, qua đó tạo ra lối đi chung cho những cư dân ở tầng trên. Phần sân thượng lại được liên kết với nhau bằng những cầu thang dốc quanh co và ngõ hẹp. Nhìn tổng thể, ngôi làng là một không gian công cộng đa tầng và kết nối chặt chẽ được cả cộng đồng cùng nhau chia sẻ.
Lối kiến trúc độc lạ của Masuleh còn được mô tả là "sân nhà bên trên là mái của nhà bên dưới". Những tòa nhà chủ yếu xây 2 tầng gồm tầng 1 và tầng trệt, làm bằng gỗ và đất sét.
Ở tầng 1, du khách sẽ thấy thiết kế đa phần gồm phòng khách nhỏ, phòng khách lớn, đại sảnh, nhà vệ sinh và ban công. Trong khi đó, tầng dưới sẽ là không gian nhà bếp, kết nối với tầng trên bằng một số bậc thang hẹp bên trong tòa nhà.
Dù các cầu thang ở đây được thiết kế đường dốc, nhưng chức năng duy nhất của chúng là lối đi của xe cút kít mà người dân dùng để vận chuyển hàng hóa. Do ở đây chỉ gồm những con phố nhỏ, ngõ hẹp nên không thể dùng xe vận tải nặng di chuyển. Ngoài ra, Masuleh cũng là khu định cư duy nhất của Iran cấm ô tô di chuyển.
Kiến trúc phân tầng đặc biệt này đã làm nên nét riêng biệt của Masuleh. Những mái nhà bằng không chỉ là sân, vườn, còn tận dụng thành đường đi công cộng, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Cũng nhờ cách thiết kế này giúp tiết kiệm không gian, vừa có thể chống được tình trạng sạt lở đất, tạo sự bền vững. Hiện chính quyền địa phương cấm xây dựng thêm xung quanh khu vực cũ nhằm tránh phá vỡ cấu trúc cảnh quan.
Đến nay, ngôi làng nhỏ đón lượng khách du lịch tăng hàng năm. Ở thời điểm hiện tại khu dân cư nghìn năm tuổi này đang trong quá trình xét duyệt hồ sơ để được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới.