Nới lỏng visa để phát triển ngành du lịch
(Dân trí) - Tháng 6/2015, Chính phủ ban hành nghị quyết 46 miễn thị thực cho công dân 5 nước Châu Âu đến du lịch tại Việt Nam từ 15 ngày trở xuống. Ngay lập tức, lượng du khách 5 nước này đến Việt Nam tăng 60% - 70%. Các doanh nghiệp đánh giá đây là chính sách rất hiệu quả để phát triển ngành du lịch.
Hiệu quả từ nghị quyết 46
Ngày 18/6/2015, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị quyết số 46/NQ-CP về việc miễn thị thực có thời hạn đối với công dân các nước: Anh, Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha. Theo đó, công dân các nước này được miễn thị thực khi đến Việt Nam du lịch từ 15 ngày trở xuống. Chủ trương này của Chính phủ đã tạo một lợi thế lớn cho ngành du lịch.
Thời điểm chính sách trên có hiệu lực, thông qua hội chợ ITE, chương trình “3 quốc gia - một điểm đến” đã thu hút lượng khách lớn từ thị trường Tây Âu đến với khối 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia.
Theo số liệu của Hiệp hội Du lịch Việt Nam, chính sách miễn thị thực trên đã thúc đẩy lượng khách lẻ của 5 quốc gia Tây Âu đến Việt Nam rất cao, tăng 60-70% so với trước khi chưa có chính sách này.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, đại diện đơn vị lữ hành Vietravel cho biết: “ Ta nghĩ Visa là chuyện nhỏ, nhưng đối với khách đó là một vấn đề lớn, các hãng du lịch rất quan tâm vấn đề này”.
Tuy nhiên, theo nghị quyết 46, chính sách này sẽ hết hạn vào ngày 30/6/2016 mà chưa có thông tin gì về việc gia hạn khiến các doanh nghiệp kinh doanh du lịch hết sức lo lắng. Theo các doanh nghiệp, thời hạn miễn thị thực gần kết thúc đã tạo ra áp lực không nhỏ đối với các đơn vị kinh doanh du lịch, không những trong nước mà các đối tác nước ngoài cũng lo ngại.
Theo ông Kỳ, các cơ quan chức năng cần có thông báo sớm để doanh nghiệp có thể lên kế hoạch, chiến lược cho hoạt động kinh doanh của mình. Ông nói: “Visa là yếu tố quan trọng để xây dựng những kế hoạch dài hơi của doanh nghiệp để thích ứng với thị trường”.
Đề nghị nới lỏng chính sách visa
Theo khảo sát của Dân trí, hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành đều mong muốn Chính phủ kéo dài thời hạn thực hiện việc miễn thị thực theo nghị quyết 46. Thậm chí, có doanh nghiệp còn đề nghị nới lỏng hơn chính sách visa, kéo dài thời gian du khách được phép miễn thị thực từ 15 ngày đến 30 ngày. Vì theo các doanh nghiệp, các du khách từ Châu Âu đến Việt Nam phần lớn đều có nhu cầu trải nghiệm dài ngày qua cả 3 nước Đông Dương.
Bà Uyển Phương, phụ trách Khối khách quốc tế của Saigon Tourist, nói: “Với khách Tây Âu, khi đi một chuyến du lịch đường dài, Việt Nam không phải là điểm đến duy nhất mà họ còn sang Lào, sang Campuchia. Mặt khác, Việt Nam là cửa ngõ chính của khối 3 nước, để quay về nước, khách du lịch bắt buộc phải lưu lại Việt Nam một đêm. Việc phải quay trở lại Việt Nam là điều kiện thuận lợi để tăng nguồn thu, chính vì thế, cần một chính sách nới lỏng visa khi khách tái nhập cảnh....”.
Ông Tàu Văn Nghệ, Phó chủ tịch Hiệp hội khách sạn Việt Nam, cho rằng: “Du lịch chúng ta đang trải qua thời khắc hết sức bi đát. Một resort ở Quảng Bình 354 phòng nhưng hiện tại bán được 15 phòng, một ông taxi 2 ngày đi được một cuốc, tháng 6-7 tới đây các giải bóng đá Châu Âu khởi động, khách khu vực này ít đi du lịch hơn… là những lý do mà chính phủ ta nên quan tâm, mở rộng chính sách visa, kích cầu du lịch…”.
Theo các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, để ngành du lịch Việt Nam thật sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, lãnh đạo đầu ngành cần xem xét gia hạn và nới lỏng chính sách visa. Việc nới lỏng chính sách thị thực không dừng lại ở 5 nước Tây Âu mà cần thêm nữa các thị trường lớn như: Úc, New Zealand, mỹ, Canada, Áo, Hà lan, Bỉ, Ấn Độ…
Ông Nguyễn Quốc Kỳ nói: “Cách đây 1 năm (khi ban hành nghị quyết 46), những người làm du lịch đùa với nhau rằng đây là chính sách cửa mở hé, ai không nhanh thì sẽ kẹt chân. Phải nói lại rằng, cánh cửa đó cần phải mở một cách dứt khoát. Phải có một cam kết mạnh mẽ, thì mới giúp du lịch phát triển được!”.
Phạm Nguyễn