1. Dòng sự kiện:
  2. Du lịch nghỉ lễ 2/9
  3. Đoàn 4.500 khách của tỷ phú Ấn Độ đến Việt Nam

Nơi hậu duệ Gia Cát Lượng sống: Xây kiểu bát quái, người lạ vào là lạc lối

Huy Hoàng

(Dân trí) - Thôn Gia Cát ở tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, hiện là nơi nhiều hậu duệ của Gia Cát Lượng sinh sống. Nơi này xây theo trận đồ bát quái khiến người lạ đi vào là lạc lối không tìm được đường ra.

Vào cuối đời Tống đầu nhà Nguyên (khoảng năm 1300), hậu duệ của Gia Cát Lượng là Gia Cát Đại Sư đã lập cư ở phía nam, xây dựng thôn Gia Cát ở thị trấn Lan Khê, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc.

Nơi hậu duệ Gia Cát Lượng sống: Xây kiểu bát quái, người lạ vào là lạc lối - 1
Hồ nước và sân chơi chung nằm ở trung tâm thôn, tạo thành vòng tròn Thái Cực (Ảnh cắt từ clip).

Đặc điểm nổi bật nhất của thôn Gia Cát đó là, người lạ lần đầu đi vào sẽ lạc lối, không tìm được đường ra. Thêm nữa, nơi này thường xuyên hứng chịu những trận mưa bão lớn, nhưng thôn chưa từng bị ngập úng.

Tháng 4/2010, một kẻ gian đã mò vào thôn Gia Cát lúc nửa đêm, định tìm cách ăn trộm. Tuy nhiên, người này lạc vào trong đã mất phương hướng. Chạy suốt nhiều vòng, tên trộm mệt nhoài vì liên tục quay lại chỗ ban đầu. Như "chuột sa bẫy", anh ta cuối cùng bị dân làng tóm gọn.

Nơi hậu duệ Gia Cát Lượng sống: Xây kiểu bát quái, người lạ vào là lạc lối - 2
Một góc không gian ở khu vực trung tâm (Ảnh: Sina).

Vậy bí mật của thôn là gì?

Theo tương truyền, Gia Cát Đại Sư đã vận dụng học thuyết phong thủy vào trận đồ bát quái để xây dựng. Thôn có hồ nước lớn và sân chơi chung làm trung tâm, tạo thành vòng tròn Thái Cực.

Đây cũng là khu vực trũng nhất của thôn. Tiếp đó là 8 con đường từ hồ tỏa ra thành "nội bát quái". Bên ngoài thôn được đắp 8 khối núi nhỏ, hình thành thế "ngoại bát quái" bao bọc.

Nơi hậu duệ Gia Cát Lượng sống: Xây kiểu bát quái, người lạ vào là lạc lối - 3
Nhiều ngôi nhà vẫn giữ nét kiến trúc cổ (Ảnh: Ez Travel).

Nhà cửa trong thôn có vị trí như hào Âm và hào Dương vây quanh Thái Cực Đồ. Được biết, người xưa khi thiết kế xây dựng thôn theo Thái Cực Bát Quái Đồ với mục đích phòng chống trộm cắp.

Nếu người lạ từ bên ngoài vào thôn sẽ thấy lối đi, ngõ hẻm bên trong nằm dọc ngang, to nhỏ, rối như "mạng nhện".

Nơi hậu duệ Gia Cát Lượng sống: Xây kiểu bát quái, người lạ vào là lạc lối - 4
Hình ảnh mô phỏng lối kiến trúc của thôn Gia Cát khi nhìn từ trên cao (Ảnh cắt từ clip).

Ngoài ra, những bức tường cao được xây chặn tầm mắt nên người lạ không thể phán đoán phương hướng. Càng đi, họ sẽ thấy không biết đâu là ngõ cụt hay đường khác, rồi lòng vòng trở về điểm xuất phát ban đầu.

Bên cạnh mục đích chống trộm, kiểu thiết kế của thôn Gia Cát còn giúp nơi này không bị ngập úng dù thường xuyên đón những trận mưa bão lớn.

Nơi hậu duệ Gia Cát Lượng sống: Xây kiểu bát quái, người lạ vào là lạc lối (Video: Pear).

Các chuyên gia cho biết, trong thôn có một đường cống ngầm thoát nước nằm ở vị trí ít người để ý ngay ở chân núi ngoài thôn. Cống ngầm lát bằng đá vôi, sau nhiều năm hình thành một con sông ngầm. Và đây cũng là lối thoát nước của thôn. Vì vậy, suốt nhiều năm qua, dù mưa lớn tới đâu, nước vẫn sớm rút đi tới đó.

Trước khi qua đời, Gia Cát Đại Sư có để lại di huấn không được thay đổi hiện trạng của thôn. Bởi vậy, nhiều ngôi nhà ngày nay còn giữ theo phong cách thời nhà Minh, Thanh.

Nơi hậu duệ Gia Cát Lượng sống: Xây kiểu bát quái, người lạ vào là lạc lối - 5
Thửa ruộng bát quái nằm ở ngoại ô thành phố Hàng Châu (Ảnh: Baidu).

Thôn hiện vẫn còn đền thờ Gia Cát Lượng, thu hút khách tới tham quan. Tuy nhiên, những ai lần đầu tiên tới đây đều cần người quen dẫn đường nếu không sẽ khó tìm được lối ra.  

Cùng với thôn Gia Cát, trên địa bàn tỉnh Chiết Giang còn có ruộng bát quái nằm ở phía nam ngoại ô thành phố Hàng Châu. Có thể thấy, tư tưởng âm dương, bát quái đã trở thành một trong những nét văn hóa ăn sâu trong tiềm thức người Trung Quốc.