Những sa mạc ấn tượng và kỳ thú nhất thế giới
(Dân trí) - Đó là những sa mạc rộng lớn, có khí hậu khắc nghiệt hay được biết đến với những cồn cát khổng lồ... Tất cả đều để lại ấn tượng sâu sắc cho những ai đã từng đặt chân tới những sa mạc kỳ thú ấy.
Sa mạc Sahara, Bắc Phi
Có diện tích tương đương với nước Mỹ, Sahara là một trong những sa mạc nóng nhất thế giới với những đụn cát khổng lồ có chiều cao lên tới 180m. Phần lớn diện tích của sa mạc 2,5 triệu năm tuổi này trải dài khắp Bắc Phi. Người Berber và Beja đã sống tại sa mạc Sahara hàng thế kỷ.
Sa mạc Trắng, Ai Cập
Sa mạc trắng Beyda el Sahara (rộng 3010km2), tọa lạc ở miền Bắc Farafra Oasis, Ai Cập. Đây là một trong những điểm du lịch chủ đạo mang lại nguồn thu nhập lớn cho quốc gia. Nổi bật trên Sa mạc này là những cồn cát và những cột đá vôi màu trắng có hình dáng rất kỳ lạ do tác động của bão cát và gió.
Sẽ rất thú vị khi du khách cắm trại qua đêm tại đây, giữa không gian của những “tác phẩm” đá trông xa như những cây nấm kỳ thú.
Sa mạc với đầm nước – Lencois Maranhenses, Brazil
Nằm trong Vườn Quốc gia Lençóis Maranhense tại phía Đông Bắc, Brazil, bên ngoài lưu vực sông Amazon, sa mạc này mang những nét rất đặc biệt và khác lạ so với một sa mạc theo đúng nghĩa. Đó là một vùng sa mạc rộng mênh mông, với vô số những hồ nước xanh ngắt nằm xen kẽ giữa các cồn cát uốn lượn do sa mạc này có mưa thường xuyên.
Tuy có rất nhiều con đường dẫn tới Lençóis Maranhenses nhưng khu Vườn quốc gia này được bảo vệ nghiêm ngặt nên chỉ những du khách có đăng ký với nhà chức trách mới được đến đây.
Thung lũng chết, Mỹ
Nằm trong sa mạc Mojave khô cằn nhất nước Mỹ, Thung lũng chết là khu vực thấp và khô hạn nhất tại Bắc Mỹ, khoảng 85m dưới mực nước biển. Thung lũng nắng nóng này là nơi sinh sống của bộ lạc Timbisha, những người đã định cư ở đây ít nhất 1.000 năm qua. Nhiệt độ cao kỷ lục được ghi nhận tại đây là 57°C (134°F).
Sa mạc Great Victoria, Úc
Năm 1875, nhà thám hiểm người Anh Ernest Giles là người châu Âu đầu tiên băng qua vùng sa mạc này tại miền Tây Nam nước Úc và chính ông là người đặt tên cho sa mạc theo tên của nữ hoàng Victoria.
Hầu hết sa mạc Great Victoria với diện tích 348.750km2 là nơi cư trú của người Úc bản địa.Sa mạc Dasht e-Kavir, Iran
Tại đây, nhiệt độ có thể dao động trong khoảng 70 độ C giữa ngày và đêm. Sa mạc được bao phủ bởi một lớp muối dày, hình thành do sự khô cằn, không có mưa. Không có người sinh sống trên sa mạc nóng và khô hạn này.
Sa mạc Salar de Uyuni, Bolivia
Đây là cánh đồng muối lớn nhất thế giới với diện tích 10.582 km2 nằm tại khu vực Đông Nam Bolivia, cách mặt nước biển 3.656m. Hồ được hình thành do sự khô cạn của một hồ muối thời tiền sử, để lại một lớp muối có độ dày khoảng 10m. Salar khá bằng phẳng, có thể phản chiếu ánh mặt trời y như một chiếc gương. Salar de Uyuni đã trở thành một trong những địa chỉ du lịch hấp dẫn của Bolivia, thu hút hàng trăm nghìn lượt du khách đến tham quan mỗi năm.
Sa mạc Namib, Namibia
Sa mạc 55 triệu năm tuổi này là sa mạc “cao tuổi” nhất thế giới. Những đụn cát của nó thậm chí cao tới hơn 300m và hầu như là không có mưa nơi đây. Do điều kiện khắc nghiệt, nên chỉ có một số lượng nhỏ người sinh sống tại đây.
Sa mạc Atacama, Chile
Sa mạc Atacama là nơi khô cằn nhất thế giới, chỉ đón nhận một lượng mưa rất nhỏ 15mm/năm, thậm chí một vài nơi tại khu vực này lượng mưa chỉ đạt 1mm/năm hay thậm chí còn không có mưa. Nó khô hạn gấp 50 lần Thung lũng chết của Mỹ. Sự khắc nghiệt này đã khiến nhiều người thiệt mạng tại đây khoảng hàng nghìn năm trước. Cánh đồng muối lớn nhất của Chile cũng nằm trong sa mạc này.
Sa mạc Thar, thuộc Ấn Độ và Pakistan
Sa mạc Thar tạo thành một đường ranh giới tự nhiên giữa Ấn Độ và Pakistan. Nguồn gốc của sa mạc này hiện vẫn là một chủ đề gây tranh cãi giữa các nhà khoa học.
Sa mạc Taklamakan, Trung Quốc
Đây là một trong những sa mạc rộng lớn nhất thế giới. Cồn cát chiếm tới 85% diện tích của sa mạc này. Ở rìa phía bắc và phía nam của sa mạc này là hai nhánh của Con đường tơ lụa do các lữ khách tìm ra để tránh vùng đất hoang khô cằn. Các đoàn lữ hành của các thương nhân trên Con đường tơ lụa có thể dừng lại nghỉ ngơi tại các thành thị thịnh vượng trong các ốc đảo, được cấp nước do mưa từ các dãy núi chảy xuống.
Sa mạc Karakum, Turkmenistan
Sa mạc này có nghĩa là Cát Đen trong tiếng Thổ Nhĩ Kỳ và nó chiếm 70% diện tích Turkmenistan. Năm 1971, các nhà địa chất đã phát hiện ra ở sa mạc này một hang sâu 70 m chứa đầy khí tự nhiên và họ đã cố gắng đốt cạn nó bằng một mồi lửa. Tuy nhiên, từ đó đến nay lửa ở đây chưa bao giờ tắt và được biết đến với tên gọi Cổng địa ngục - một điểm du lịch nổi tiếng.
Sa mạc Chihuahuan, thuộc Mỹ và Mexico
Nằm trên biên giới giữa Mỹ và Mexico, Chihuahuan là sa mạc rộng lớn thứ hai Bắc Mỹ sau Great Basin. Với khí hậu ấm áp vào mùa hè và lạnh vào mùa đông, nơi đây là một trong những sa mạc có sự đa dạng sinh học bậc nhất thế giới với những dãy núi rộng lớn, trong đó bao gồm dãy Sierra Madre và Sacramento.
Sa mạc Patagonian, thuộc Chile và Argentina
Sa mạc Patagonian Desert nằm tại cực nam của Argentina và Chile có phía tây giáp với dãy núi Andes và phía đông giáp với Đại Tây Dương, chủ yếu bao gồm khu vực cao nguyên và núi được chia cắt bởi các hẻm núi và thung lũng. Nhiệt độ trung bình ở đây chỉ vào khoảng 3°C. Tuy điều kiện sống khá khắc nghiệt, nhưng nơi đây cũng có một số loài động vật như cú, báo và chồn sinh sống.
Sa mạc Kalahari, phía nam châu Phi
Sa mạc này nằm chủ yếu tại Botswana và một phần tại Namibia và Nam Phi. Tuy tên của sa mạc có nghĩa là nơi khô hạn, không có mưa, nhưng tại sa mạc này, người ta vẫn thấy những khu vực đồng đồng cỏ, nơi một số loài động vật có thể sinh sống.
Khu vực này là quê hương của người Bushman (Kung San). Họ được coi là những cư dân đầu tiên của miền nam châu Phi; có những chứng cứ cho thấy họ đã từng sống cuộc đời du canh du cư chủ yếu là săn bắn-hái lượm trong ít nhất 20.000 năm qua.
Sa mạc Gobi, thuộc Trung Quốc và Mông Cổ
Đây là sa mạc khô cằn rộng lớn nhất châu Á. Sa mạc này có khí hậu rất lạnh, và có nhiều cồn cát lớn và các khối đá. Gobi nằm tại phía nam của Mông Cổ và phía tây bắc của Trung Quốc. Sự sa mạc hóa đã khiến diện tích của sa mạc Gobi tăng lên nhanh chóng, vào khoảng 3.600km2/năm, ảnh hưởng tới tình hình canh tác của khu vực lân cận.
Sa mạc Ả Rập, Tây Á
Sa mạc này bao phủ phần lớn bán đảo Ả Rập. Khu vực phía trong khá nóng và khô còn vùng ven biển và cao nguyên thì ẩm và có khí hậu nhiệt đới. Khí hậu ở khu vực sa mạc này khá khắc nghiệt, mùa hè có thể lên tới 54°C, mùa đông có thể xuống tới –12°C.
Thung lũng khô McMurdo, châu Nam Cực
Thung lũng khô nằm trong số những khu vực khô hạn nhất Nam Cực và hầu như không có tuyết rơi và không bị bao phủ bởi những lớp băng dày như các khu vực còn lại của châu Nam Cực. Thung lũng này có khí hậu khô lạnh và gió lớn với tốc độ có thể lên tới 320km/giờ thổi từ những đỉnh núi xuống phía dưới thung lũng gây ra sự bốc hơi nước dữ dội.
Tổng hợp