1. Dòng sự kiện:
  2. Du lịch nghỉ lễ 2/9
  3. Đoàn 4.500 khách của tỷ phú Ấn Độ đến Việt Nam

Những ngôi chùa nổi tiếng linh thiêng ở Bình Định

(Dân trí) - Ngoài thỏa sức nô đùa với sóng biển dạt dào, những bãi cát dài thơ mộng, đến Bình Định, du khách còn được chiêm ngưỡng nhiều di tích kiến trúc tôn giáo, văn hóa nổi tiếng.

Chùa Thập tháp

Những ngôi chùa nổi tiếng linh thiêng ở Bình Định

Nằm trên địa bàn xã Nhơn Thành, huyện An Nhơn, cách Quy Nhơn khoảng 27km về hướng tây Bắc, chùa được xây dựng và năm 1668 với vật liệu là các viên gạch đỏ lấy từ phế tích của 10 tháp Chàm xung quanh nên gọi là chùa Thập tháp và được chúa Nguyễn Phúc Chu ban cho biển ngạch "Thập tháp Di Đà Tự". Đến nay trải qua lịch sử trên 340 năm, thập tháp Di Đà Tự đã trở thành công trình kiến trúc Phật giáo có quy mô hoành tráng, là bộ sử bằng di tích thể hiện quá trình phát triển của Phật giáp đàng trong. Và đây cũng là ngôi tổ đình của phái Lâm tế.

Bên cạnh ý nghĩa đó, quần thể kiến trúc điêu khắc và toàn bộ cảnh quan chùa Thập tháp ngày nay còn là một di tích văn hóa có giá trị lớn trên nhiều phương diện đã được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật văn hóa 1990.

Chùa Long Khánh

Nằm ở thành phố Quy Nhơn, được xây dựng vào khoảng năm 1715, chùa Long Khánh là một trong những trung tâm phật giáo lớn của Bình Định, là nơi sinh hoạt tôn giáo của tăng ni phật tử và là điểm tham quan du lịch của du khách gần xa. Hiện nay chùa còn lưu giữ một số đồ vật quý: Thái Bình Hồng Chung (Khánh đồng) được đúc vào năm 1805 (triều Gia Long); Tấm biểu trưng (Long Khánh Tự) được làm vào năm 1813.

Chùa Linh Phong

Những ngôi chùa nổi tiếng linh thiêng ở Bình Định

Được xây dựng năm 1702 trên lưng chừng một ngọn đồi nằm ở nam núi Bà thuộc huyện Phù Cát, cách thành phố Quy Nhơn khoảng 30 km. Chùa có lưng dựa vào núi cao, mặt trông ra hướng biển, xung quanh có sông nước uốn lượn, phong cảnh thanh tao, kỳ vĩ, không gian tĩnh mịch với tên gọi ban đầu là Dũng Tuyền, đến năm 1733 chúa Nguyễn Phúc Chu xuống chiếu cho xây lại chùa và đổi tên thành Linh Phong, ban cho nhà sư trụ trì pháp hiệu Tỉnh Giác Thiện Trì Đại Lão Thiền Sư. Có truyền thuyết kể rằng vua Minh Mạng nằm mơ được Đại Lão Thiền Sư dâng thuốc chữa khỏi bệnh nên đã xuống chiếu cấp bạc để trùng tu lại chùa năm 1892. Hiện nay chùa còn lưu lại nhiều di sản văn hóa có giá trị cho thế hệ sau.

Chùa Sơn Long (Hàm Long)

Chùa Sơn Long nguyên là Giang Long Thiền Thất, tọa lạc trên sườn núi Trường Úc. Sau đó, chùa được tái thiết trên một khu đất hình thang sát chân núi, cách cầu Trường Úc khoảng 700 mét về hướng đông, nay thuộc phường Nhơn Bình, Quy Nhơn. Tương truyền dưới chân núi phía sau chùa xưa kia có một tảng đá rất lớn trông như miệng rồng có hàm trên, hàm dưới với một cái lưỡi nhỏ đưa ra ở chính giữa nên gọi là đá Hàm Long. Do sự tàn phá của thời gian nên dấu ấn này không còn nữa.

Trong chùa có 15 ngôi mộ tháp lớn nhỏ, có những ngôi mộ vẫn giữ nguyên nét rêu phong, cũ kỹ của mấy trăm năm về trước, có mộ tháp đã được trùng tu khang trang hơn. Đến Long Sơn, bạn còn được chiêm ngưỡng bức tượng Phật Lồi 7 đầu rồng bằng đá nặng 1,5 tấn, cao 3,1 mét với hoa văn chạm khắc sau lưng. Bức tượng được xác định của người Chăm tạc từ thế kỷ 13. Dù dáng vẻ còn khiêm tốn nhưng Sơn Long vẫn dập dìu du khách phương xa đến thăm viếng, vãn cảnh, đặc biệt là trong những dịp đầu năm mới.

Chùa Nhạn Sơn

Những ngôi chùa nổi tiếng linh thiêng ở Bình Định

Nằm cách Quy Nhơn khoảng 25km, lúc đầu chỉ là một ngôi chùa nhỏ do dân làng địa phương đóng góp công sức xây lên để thờ ông Đỏ và ông Đen. Đến thế kỷ 16, chùa đã được trùng tu lại và đặt tên là chùa Nhạn Sơn, do phía trước chùa có cánh đồng giống như hình con chim Nhạn, phía sau chùa là ngọn núi.

Chùa Nhạn Sơn có rất nhiều giai thoại hấp dẫn xung quanh hai ông Đỏ và Đen. Ông Đỏ là Huỳnh Tấn Công, ông Đen là Lý Xuân Điền. Ông Đỏ là quan văn, ông Đen là quan võ của vua Chiêm Thành ở thế lỷ 13. Cả hai ông đều có công lớn trong việc chữa trị hết bệnh hiểm nghèo cho vua Chiêm Thành, giúp vua tránh được cuộc chiến với quân Xiêm và giữa hai ông có mọt tình bạn rất keo sơn. Sau khi hai ông mất, vua Chiêm Thành tập hợp nghệ nhân giỏi nhất về tạc tượng để tưởng nhớ công đức. Hai pho tượng được tác bằng đá khối liền nhau, mỗi tượng cao gần 3 mét, nặng cả tấn được đặt trong chánh điện chùa Nhạn Sơn.

Minh Huy (Tổng hợp)