Những điều cần “nằm lòng” cho một chuyến du lịch cắm trại
(Dân trí) - Du lịch cắm trại là một trong những hoạt động ưa thích của giới trẻ, vừa được có không gian riêng tư, vừa được tự tay chuẩn bị mọi thứ cho một chuyến dã ngoại đích thực.
Để có một chuyến đi như vậy, bạn hãy bắt đầu với danh sách các đồ cần mang cùng công việc phân công cho từng thành viên. Mỗi người một tay một chân để chuyến đi được như ý.
Địa điểm cắm trại
Các điểm cắm trại là kiểu du lịch bụi, tự cung tự cấp với những món đồ mang theo. Các địa điểm để cắm trại thường là những khu vực hoang vắng với cảnh quan hấp dẫn, có thể là các bãi biển hay trong rừng sâu.
Du lịch cắm trại thích hợp với các bạn trẻ ham mê khám phá. Tùy theo từng địa điểm bạn chọn mà các vật dụng mang theo phù hợp với yêu cầu của các địa điểm. Dù ở nơi nào, quan trọng hàng đầu là sự an toàn, các điểm được phép cắm trại, không quá xa nơi nhà dân, có nước ngọt và khi ra về không để lại gì ngoài những dấu chân.
Du lịch cắm trại là một trong những hoạt động được nhiều bạn trẻ chọn lựa khi đi du lịch.
Những món đồ không thể thiếu khi đi cắm trại:
Đi cắm trại nghĩa là bạn phải có đủ đồ cá nhân cho một buổi picnic riêng tư với đủ thứ cần thiết cho ăn và ngủ trong một ngày hay vài ngày.
Lều cắm trại: Số lượng thành viên quyết định số lều mang theo. Có rất nhiều loại lều trại để lựa chon như lều đôi, lều bốn, lều dành cho đi rừng hay đi biển. Các loại lều dành cho cắm trại hiện có bán tại các cửa hàng đồ chuyên đi du lịch hoặc bạn có thể thuê theo ngày.
Đồ cá nhân: Đồ cá nhân tùy theo từng mùa mang phù hợp. Luôn có, túi ngủ, chăn ấm, áo khoác mỏng, mũ và tất chân. Mũ, kính cho đi biển.
Đồ nấu nướng: gồm bếp cồn, xoong nồi gọn nhẹ, bát đĩa dùng một lần, đồ ăn, diêm hay bật lửa, (gồm đồ ăn nhanh cùng các thức ăn để được trong thời tiết nóng lạnh), nước ngọt để uống và dùng để nấu nướng, vệ sinh. Trà, café, bánh kẹo, đồ ăn vặt...
Thuốc mang theo: Thuốc trị muỗi và côn trùng cắn, các loại thuốc hạ sốt, đau đầu, tiêu chảy, các loại bông băng sơ cứu cùng thuốc cho bệnh cá nhân.
Vài vật dụng khác: ghế gấp, bạt chải, nến, đèn pin, áo mưa, ô…
Với thời gian khoảng 2 ngày, nhiều bạn chọn đến Đồng Cao để đến vào dịp cuối tuần.
Vài địa điểm cho chuyến đi của bạn
Cao nguyên Đồng Cao – Bắc Giang: Cao nguyên Đồng Cao được mệnh danh là “Mẫu Sơn” của tỉnh Bắc Giang, thuộc xã Thạc Sơn, huyện Sơn Động, cách Hà Nội 140 km.
Từ Hà Nội đến Chũ, con đường tỉnh lộ đi qua những vườn vải đang mùa kết trái. Đường rẽ trái vào Đồng Băm, từ đây 15km dài đi xuyên sâu vào vùng đất vắng lặng và thưa thớt bóng người. Chạy thêm 5km đường đất nữa là vào đến Đồng Cao. Bạn có thể đi xe máy hoặc ô tô. Thời gian: 1,5 đến 2 ngày.
Sóng nước Cô Tô – Quảng Ninh: Đảo Cô Tô thuộc tỉnh Quảng Ninh, nằm cách bến cảnh Vân Đồn khoảng 3 tiếng đi tàu. Đảo Cô Tô được giới trẻ ưa thích vì những bãi tắm tuyệt đẹp, những buổi cắm trại đêm trên biển huyền ảo và những đêm trăng trên bãi biển vắng người.
Đến đảo Cô Tô, bạn bắt ô tô Hà Nội đến cảng Vân Đồn, Quảng Ninh, cách Hà Nội 220 km, thời gian đi lại khoảng 4 – 5 tiếng. Từ cảng Vân Đồn, lên tàu cao tốc vào 7h sáng để ra đảo. Sau gần 2 tiếng lênh đênh trên biển mới ra đảo. Thời gian: 3 đến 5 ngày.
Có rất nhiều điểm dọc khắp các bãi biển từ Đà Nẵng trở vào là nơi lý tưởng để cắm trại.
Sóng nước Lý Sơn – Quảng Ngãi: Đảo Lý Sơn thuộc tỉnh Quảng Ngãi nằm cách thành phố hơn 20km, cách bờ biển 1h đi tàu cao tốc. Với những hõm đá lấn sâu vào bãi biển tạo thành những góc khuất tự nhiên, những bãi tắm cong vòng tuyệt đẹp, nước trong vắt soi đến tận đáy và xanh biếc màu trời.
Từ Hà Nội đáp chuyến bay đến Đà Nẵng, từ Đà Nẵng đi ô tô khách đến Quảng Ngãi, từ Quảng Ngãi đi xe buýt vào cảng Sa Kỳ. Ngủ 1 tối tại bãi biển Mỹ Khê, 7h sáng đi thuyền ra đảo Lý Sơn. Thời gian đi 1 tiếng rưỡi và chỉ có duy nhất 1 chuyến 1 ngày. Nếu vào ngày có mưa, bến thuyền đóng cửa bất cứ lúc nào. Thời gian: 5 đến 7 ngày
Bài và ảnh: Lam Linh