Những bí ẩn về vách đá “đẻ trứng”
(Dân trí) - Khi “một quả trứng” trên vách đá rụng xuống, người làng lại đem về, thờ cúng ở nơi tôn nghiêm và cầu nguyện sinh được quý tử nối dõi tông đường.
Đến thăm ngôi làng nhỏ Gulu Zhai nằm ở tỉnh Quý Châu, Trung Quốc, du khách sẽ được đưa tới điểm tham quan kỳ lạ - vách đá “đẻ trứng”, nằm ở khu vực phía đông nam. Đây cũng là nơi sinh sống của người dân tộc Shui. Họ cư trú tại đây khoảng 1000 năm nay.
Vách đá “đẻ trứng” là khu vực kỳ lạ. Nó dài chừng 20m, rộng khoảng 6m, nằm trên một ngọn núi không tên trong làng. Điều kỳ lạ ở chỗ, khoảng 30 năm một lần, vách đá này lại “rụng” các quả trứng hình bầu dục xuống phía dưới. Những quả trứng đá có bề mặt nhẵn thín, đường kính từ 30-60cm, nặng tới hơn 300kg.
Đã từ lâu, người dân tộc Shui cho rằng đây là những quả trứng may mắn. Khoảng 100 gia đình sống trong làng thu thập được hơn 100 quả trứng đá. Họ mang về nhà, đặt tại nơi thờ cúng tôn kính và cầu nguyện. Người làng tin rằng, trứng đá sẽ mang tới may mắn trong cuộc sống, giúp các cặp vợ chồng sớm sinh quý tử.
Hiện tượng vách đá “đẻ trứng” thu hút rất đông sự chú ý của các nhà khoa học. Qua nhiều năm, các nhà địa chất học ở Trung Quốc đã đưa ra một số giải thích cho hiện tượng tự nhiên đặc biệt này. Tuy nhiên, chưa có thông tin chính thức được công bố.
Theo ông Wang Shangyan thuộc Cục địa chất và thăm dò phát triển khoáng sản ở Quý Châu, những quả trứng đá được hình thành từ các phân tử canxi cacbonat ở vùng biển sâu khoảng 500 triệu năm trước trong kỷ Cambri. Ý kiến này nhận được sự đồng thuận của Giáo sư Xu Ronghua đến từ Viện Địa chất và Địa vật lý thuộc Học viện Khoa học Trung Quốc. Tuy nhiên, theo Giáo sư Xu, quả trứng đá có chất liệu chính là silicon dioxide.
Hiện tượng “trứng đá” tương tự cũng được phát hiện ở Beidaihe thuộc phía bắc Trung Quốc và khu Tân Cương nằm ở vùng tây bắc nước này.
Huy Hoàng
Theo QQ, DM