Ngượng đỏ mặt với những lễ hội phồn thực “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam

(Dân trí) - Lễ hội Linh tinh tình phộc, Ná Nhèm hay ông Đùng – bà Đùng không chỉ thể hiện ước mơ về sự sinh sôi, nảy nở cầu mong cuộc sống đầy đủ no ấm mà sâu xa còn tượng trưng cho khát vọng được tự do yêu đương, vượt qua những hủ tục phong kiến hà khắc của người xưa.

Lễ hội rước “của quý” ở Lạng Sơn

Lễ hội Ná Nhèm, là lễ hội rước sinh thực khí nam (hay còn gọi là tàng thinh) ở xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn diễn ra vào ngày 15 tháng giêng hàng năm.

Ngượng đỏ mặt với những lễ hội phồn thực “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam - 1

Lễ hội Ná Nhèm với điểm nhấn là màn rước tàng thinh – tượng trưng cho bộ phận sinh dục nam và mặt nguyệt – tượng trưng cho bộ phận sinh dục nữ.

Ná Nhèm trong tiếng Tày gọi là mặt nhọ, điểm nhấn của lễ hội là màn rước tàng thinh – tượng trưng cho bộ phận sinh dục nam và mặt nguyệt – tượng trưng cho bộ phận sinh dục nữ.

Khác với các lễ hội phồn thực khác, tàng thinh và mặt nguyệt trong lễ hội Ná Nhèm là vật cúng tế, cuối ngày được đem ra đốt. Vì vậy, mỗi năm tàng thinh và mặt nguyệt sẽ được làm mới. Mặt nguyệt qua các năm ít có sự thay đổi nhưng tàng thinh thì thay đổi liên tục cả về hình dạng và kích thước.

Ngượng đỏ mặt với những lễ hội phồn thực “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam - 2

Ý nghĩa của lễ hội là thể hiện ước mong về sự sinh sôi, nảy nở, cầu mong cho cuộc sống đầy đủ, ấm no.

 

Theo lời các bô lão trong làng, lễ hội được tổ chức nhằm tưởng nhớ Đức thánh Cao Sơn Quý Minh, Đức vua Miêu Tĩnh và Đức vua Cao Quyết đã có công đánh giặc giữ làng.

Trong lễ hội, người dân thể hiện các nghi thức cúng tế Thành Hoàng và tục hèm đánh trận mô tả lại quá trình chống giặc ngoại xâm. Ngoài ra, còn có màn rước sinh thực khí nam và sinh thực khí nữ để thể hiện ước mong về sự sinh sôi, nảy nở, cầu mong cho cuộc sống đầy đủ, ấm no.

Lễ hội ông Đùng – bà Đà

Lễ hội được tổ chức ngày 14- 4 âm lịch hàng năm tại Đền thờ bà chúa Muối thuộc làng Quang Lang, xã Thụy Vân, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Lễ hội là nơi gửi gắm ước vọng của những người dân làng muối về sự sản sinh, sinh sôi, dồi dào.

Ngượng đỏ mặt với những lễ hội phồn thực “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam - 3

Đền thờ bà chúa Muối

 

Bà chúa Muối - có tên thật là Nguyệt Ánh. Theo truyền thuyết kể lại rằng: Một hôm, khi chở muối trên một chuyến đò, Nguyệt Ánh gặp thuyền của vua Trần Anh Tông trên sông Hồng. Mấy người chèo thuyền khát nước, liền gọi đò cô bán muối đến và xin nước uống. Nàng e lệ sượng sùng, khép nép, nước cầm tay, tà áo che mặt. Chợt thấy đôi bàn tay xinh xắn của nàng, vua đón sang thuyền mình và sau đó lập làm vợ ba.

 Sống trong cung điện nhưng nàng không nguôi nhớ về quê nhà, nhà vua đành phải đồng ý xuất lụa là, vàng bạc rồi cho quân lính đưa Nguyệt Ánh về quê. Không lâu, bà lâm bệnh nặng, rồi qua đời. Nhà vua được tin thương tiếc đã sắc phong cho bà làm Phúc thần, người dân làng Quang Lang biết ơn bà lập đền thờ - đó là đền thờ bà chúa Muối ngày nay.

Lễ hội đặc sắc với điệu múa ông Đùng, bà Đà nhằm cầu mong sự sinh sôi, thịnh vượng với các hình nộm. Khi múa, hình nộm lúc nghiêng ngả, quay sang phải, sang trái, cho ông bà có cơ hội "bày tỏ" tình cảm vui mừng với nhau. Các vai ông Đùng, bà Đà phải phối hợp sao cho những lần giáp mặt, thân chập vào nhau. Người Quang Lang giải thích đó là lúc ông bà đang "ăn nằm" với nhau.

Sau đó, đoàn múa ra khỏi Đền và đi quanh làng, dân làng đi theo nhộn nhịp, vừa đi vừa hát múa. Lúc đám rước quay về tới Đền thì dân làng vội vã xô nhau vào để lấy cho được một nan nứa trên hình nộm hai ông bà về cắm vào ruộng, vào vườn, trên thuyền để lấy may.

Lễ hội Linh tinh tình phộc

Lễ Linh tinh tình phộc được tổ chức tại miếu Trò làng Trám (còn có tên là miếu Đụ Đị), xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Nghi lễ tái hiện cảnh giao hợp của đàn ông và đàn bà này vừa được tổ chức vào đêm 11 rạng sáng 12 tháng Giêng (tức đêm 10 rạng 11/2).

Ngượng đỏ mặt với những lễ hội phồn thực “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam - 4

Lễ Linh tinh tình phộc được tổ chức tại miếu Trò làng Trám Phú Thọ. Ảnh: Quân Đỗ

 

Các cụ cao niên trong làng cho hay, ngôi miếu này thờ bà Ngô Thị Thanh - người có công dạy dân làng múa hát, chơi trò chơi và làm lễ hội. Chính bởi những trò chơi rất “khác biệt” nên người dân gọi bà là “bà Đụ Đị” cái tên mang ý nghĩa phồn thực.

Ngượng đỏ mặt với những lễ hội phồn thực “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam - 5

Sau khẩu lệnh, đôi nam nữ “phộc” sinh thực khí bằng gỗ vào nhau 3 lần. Ảnh: Quân Đỗ

 

Đúng 0 giờ, cụ chủ lễ sẽ lấy ra cặp sinh thực khí bằng gỗ được cất rất cẩn thận trong chiếc hòm đỏ phía trên bàn thờ trong miếu. Tiếp đó, cụ chủ lễ đưa “linh vật” cho một cặp nam nữ, người nam cầm “cái của nam” còn người nữ cầm “cái của nữ”. Đèn tắt phụt, đồng thời vang lên khẩu lệnh của cụ chủ lễ “linh tinh tình phộc”. Sau khẩu lệnh, đôi nam nữ “phộc” sinh thực khí bằng gỗ vào nhau 3 lần.

Trong bóng tối, dân làng nín thở chờ đợi. Họ tin rằng nếu đôi trai gái đâm trúng cả 3 lần thì năm đó, âm dương hòa hợp, mùa màng tươi tốt, cây cối xanh tươi...

Lễ mật xong, cụ chủ lễ hô to “tháo khoán”, lúc này, các đôi trai gái trong làng được “tự do yêu đương”, thỏa sức làm “chuyện trai gái” nếu muốn. Nếu 9 tháng 10 ngày sau sinh con, đứa con ấy được coi là “trời ban”, cả làng sẽ cùng nhau nuôi dưỡng.

Theo các cụ cao niên trong làng, ngày xưa nếu ai yêu nhau nhưng bị lễ giáo phong kiến không cho thành vợ thành chồng, thì đây là lúc để vượt qua ngăn cản, có nhau một đêm xuân tình yêu mặn nồng. Còn lại, đây là lúc để các đôi trai gái tìm nhau, nếu có tình yêu và tiến tới hôn nhân chính là “duyên trời ban”, không ai có quyền ngăn cấm.

Hiệp Nguyễn

Tổng hợp

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm