Ngôi làng nghèo cả năm đi làm thuê cùng nhau "đổi đời" nhờ video triệu view
(Dân trí) - Vốn là một người thợ máy vất vả sống tại ngôi làng nghèo nhất Indonesia nhưng cuộc đời anh Siswanto bước sang trang mới nhờ chia sẻ các đoạn video thu hút hàng triệu lượt xem, giúp cả làng đổi đời.
Siswanto luôn tự nhận mình là một người thợ máy kém may mắn. Anh sinh ra và lớn lên tại Kasegeran, một ngôi làng hẻo lánh trên đảo Java, nơi hầu hết người dân Indonesia phải tìm kiếm vất vả mới thấy trên bản đồ. Đây cũng là một trong những ngôi làng nghèo nhất tại "xứ sở vạn đảo".
Bắt đầu quay trở lại câu chuyện của anh Siswanto cách đây 4 năm trước. Người đàn ông này vật lộn duy trì hoạt động kinh doanh tại tiệm sửa xe máy của mình. Lúc nào cũng trong tình trạng thiếu tiền, ngoài kiếm sống bằng nghề sửa chữa, hàng ngày, anh Siswanto không ngại việc gì, từ bới rác nhặt phế liệu cho tới trồng thêm đậu nành. Vất vả là vậy nhưng cuộc sống vẫn khốn khó hoàn khốn khó.
Tình cờ một lần, anh xem chương trình truyền hình về người có tầm ảnh hưởng ở Indonesia kiếm rất nhiều tiền nhờ sáng tạo các video trực tuyến. Thấy vậy, anh cũng mày mò làm thử các đoạn clip ngắn.
"Những video đầu tiên gần như chẳng có ai xem. Thấy vậy, tôi đã dừng lại", người đàn ông 38 tuổi chia sẻ.
Cho rằng đó không thể là cách kiếm sống, nhưng tới một ngày nọ, khi đang vật lộn sửa một chiếc xe máy đắt tiền của khách, anh vừa quay video, vừa thử chia sẻ trực tuyến để nhờ cộng đồng mạng hỗ trợ. Khi đó, anh chỉ quay bằng chiếc điện thoại đã cũ mà không chuẩn bị gì nhiều. "Tôi vừa run vừa đôi khi nói những câu vô nghĩa", người thợ máy nhớ lại.
Chẳng ai ngờ được, từ sự khởi đầu không mấy thuận lợi, chỉ vài năm sau, Siswanto đã xây dựng cho mình trang Youtube riêng với hơn 2 triệu người theo dõi.
Công việc như "hái ra tiền" khiến anh bất ngờ. Người đàn ông này không ngần ngại tiết lộ mỗi tháng mang về khoảng 150 triệu rupiah (hơn 230 triệu đồng).
Con số quá lớn so với mức thu nhập tại đây khiến nhiều người trong làng bắt đầu xì xào bàn tán. Người thì nói anh thợ máy đang buôn bán chất cấm, kẻ lại bảo anh dính líu tới "ma thuật" nào đó. Thậm chí, một số phụ huynh cấm con cái họ bén mảng tới tiệm sửa xe nhà Siswanto vì sợ những điều mờ ám.
"Chính vì điều này, tôi quyết định tổ chức một buổi họp gặp mặt người dân trong hội trường lớn của làng và giải thích về công việc của mình trên Youtube. Hầu hết mọi người chưa từng biết về chuyện này", anh kể.
Để chứng minh chuyện của mình, anh thợ máy tiếp tục tổ chức các buổi học miễn phí cho dân làng. Đến nay, ít nhất 30 người dân ở làng Kasegeran mày mò tạo dựng trang riêng của mình. Vài người trong số họ sản xuất được video thu hút hàng trăm nghìn lượt xem. Trong đó, chị Tirwan, một phụ nữ 45 tuổi chuyên bán đồ ăn nhanh, rao bán những chiếc bánh bao bột tự làm có tên là "cilok".
Gần đây, anh Siswanto lại chuyển sang quay những video nấu ăn hoặc đi săn lùng "hồn ma" ở nghĩa địa - nơi tín ngưỡng siêu nhiên vẫn còn phổ biến ở quần đảo này.
Nhờ số tiền khấm khá kiếm được giúp nhiều người dân trong làng "đổi đời" và chuyển hướng kiếm tiền mới mà không cần đi làm thuê nữa. Từ ngôi làng nghèo khó nhất, nay Kasegeran có đường truyền Internet tốt hơn, giúp trẻ em thuận tiện tham gia các buổi học trực tuyến khi các trường học tại đây phải đóng cửa vì Covid-19.
"Từ một ngôi làng nghèo khó, đến nay, chúng tôi có thể cạnh tranh với các địa phương khác. Đây cũng là cảm hứng cho các thanh niên. Họ không dùng điện thoại vào việc vô ích nữa mà kiếm tiền từ chúng", trưởng làng Saifuddin tự hào chia sẻ.