Ngôi làng giàu phất lên chỉ sau một đêm nhờ loại cây ví như "máy in tiền"
(Dân trí) - Từ loại cây tưởng như chỉ có giá trị thấp một thời, đến nay, khi đã trở thành đặc sản được người sành ăn uống săn đón, cuộc sống người dân trong làng giàu lên nhanh chóng.
Ở vùng núi phía nam tỉnh Vân Nam, dọc theo biên giới giữa Trung Quốc và Myanmar, người dân Bố Lãng vẫn thường kể lại câu chuyện về già làng Pa Ai Leng - người mang tới sự thịnh vượng cho họ. Già làng Pa không để lại cho con cháu tài sản quý như người đời vẫn làm. Ông để lại cây chè làm nguồn của cải vô tận.
Truyền thuyết kể lại, ban đầu, già làng Pa cân nhắc việc để lại bò, ngựa - những con vật có giá trị cho đời sau, nhưng lại lo dịch bệnh sẽ chết. Ông cũng không muốn cho con cháu tiền bạc, bởi sợ chúng sẽ lãng phí. Sau nhiều lần cân nhắc, già làng dành tặng cho đời sau những cây chè quý.
Dù rất khó để tìm lại nguồn gốc của câu chuyện truyền thuyết này, nhưng đó vẫn là một phần của sự thật. Từ năm 2000 đến nay, những cây chè cổ thụ, lá to và loại chè độc đáo nhất trong vùng - chè Phổ Nhĩ, đã trở thành mặt hàng có giá trị, được nhiều người sành ăn uống ở Trung Quốc cũng như nhiều nơi trên thế giới săn lùng. Từ gốc chè cổ hàng trăm năm tuổi, một kg chè Phổ Nhĩ thu hoạch có thể bán được khoản tiền khổng lồ, từ 1.000 tệ tới 2 triệu tệ (3,5 triệu đồng tới 7 tỷ đồng).
Giá chè Phổ Nhĩ tăng chóng mặt, không chỉ mang lại sự giàu có cho vùng biên giới từng nghèo khó này, nó còn thay đổi sâu sắc cấu trúc xã hội cộng đồng người dân tộc thiểu số Bố Lãng.
"Khi giá chè từ dưới 15 tệ một kg vào năm 2003 lên thành 100 tệ một kg năm 2005, tôi thấy đã rất cao rồi. Đến nay, giá còn tăng thêm rất nhiều nữa. Lần đầu trong đời, tôi thấy mình giàu có. Năm đó, tôi mua cùng lúc 3 chiếc xe máy cho các con", ông Xiang, một người dân tộc thiểu số Bố Lãng, chia sẻ.
Một số ngôi làng khác ở Vân Nam cũng "phất lên" nhờ trà Phổ Nhĩ cổ thụ. Năm 2012, có người từng kẹt ở làng suốt nhiều tháng vì lở đất, địa hình đồi núi khó khăn. Nhưng nay, chính nhờ địa hình này đã thành vận may của họ.
Những năm 1950-1980 của thế kỷ trước, chính quyền tỉnh Vân Nam tìm cách hiện đại hóa sản xuất chè trong khu vực bằng cách chuyển đổi vườn chè kiểu cũ thành đồn điền chè bậc thang mới. Nhưng làng Manban quyết không chặt phá cây chè cổ thụ. Họ khai phá đất mới làm chè, bỏ hoang đất cũ và giữ lại cây.
"Thời đó, loại lá chè thu hoạch từ những cây cổ thụ bán chưa tới một tệ mỗi kg. Trong khi các công ty lại chuộng loại chè mới với lá và búp nhỏ. Lá chè cổ thụ của chúng tôi bị coi là hàng kém nhất", cụ Bu, 80 tuổi, người làng Manban, nhớ lại.
Những mọi việc bất ngờ "đổi chiều". Kể từ năm 2007, một số công ty nhỏ lẻ bắt đầu tiếp thị lá chè cổ thụ. Lá trà Phổ Nhĩ tới tay người sành ăn, được các thương gia, tầng lớp trung và thượng lưu đón nhận nhiệt tình. Họ ca ngợi hương vị của nó như thứ "thượng phẩm" xưa nay chỉ vua chúa được thưởng thức.
Những cây chè cổ thụ Phổ Nhĩ thu hoạch ở làng Manban cũng tăng giá không ngừng. Từ năm 2005 đến 2007, giá tăng gấp 3 lần. Tới năm 2014, giá tăng vọt 10 lần. Thu nhập trung bình một hộ gia đình trong làng cũng tăng lên 100.000 tệ vào năm 2019. Con số này cao gấp 10 lần so với mức trung bình một vùng nông thôn ở tỉnh Vân Nam.
Anh Bing, một người trong làng sở hữu nhiều gốc chè Phổ Nhĩ cổ, cho biết, trước kia, rừng chè cổ bị cả nhà coi là "thứ vô giá trị" thì nay mang lại nguồn lợi "không ngờ". "Chỉ trong một mùa xuân, nhà tôi kiếm dễ dàng khoảng 100.000 tệ, còn trước kia, cả năm khó kiếm được một nửa số tiền đó", anh Bing bộc bạch.
Nếu như trước kia, ít cô gái nào chịu về làm dâu ở làng Manban vì địa hình đi lại vất vả, khó nhọc. "Đến giờ, chúng tôi đang cạnh tranh nhau để về đây", chị Ban, một thanh niên trong làng nói đùa.
Trong cuộc đấu giá năm 2021, 10kg lá chè tươi sẽ sao được thành 2,5kg lá chè khô và đấu giá thành công với mức cao kỷ lục 10,68 triệu tệ (gần 40 tỷ đồng).
Nhiều người nhận định, có vẻ như lời tiên tri của tổ tiên Pa Ai Leng cuối cùng đã thành sự thật. Già làng đã để lại cho con cháu đời sau món tài sản quý giá thực sự.