Nghề đóng vai người tối cổ lương 700.000 đồng/ngày, không được làm một điều
(Dân trí) - Hú hét, chạy nhảy loạn xạ, trèo cây, thậm chí "cướp" đồ ăn của khách là nhiệm vụ của những người được trả tiền để vào vai cư dân thời tiền sử tại các khu du lịch ở Trung Quốc.
Vắt chéo qua vai tấm vải nhìn như miếng da thú, đội lên đầu chiếc vòng kết từ cành liễu và khóc lóc dữ dội, Meng Yan và Meng Jiawei - hai sinh viên đến từ tỉnh Hà Bắc (Trung Quốc) - liên tục dậm chân và xoay tròn.
Một lúc sau, họ nhảy nhót điên cuồng, như thể lần đầu tiên phát hiện ra máy ảnh. Loạt hành động lố bịch này là màn thử vai cho suất diễn người tối cổ tại khu du lịch Đông Taihang ở thành phố Vũ An, tỉnh Hà Bắc.
Mùa hè vừa qua, ít nhất 3 danh lam thắng cảnh ở Trung Quốc đã sử dụng chiêu này để thu hút khách du lịch. Các bài đăng tuyển người mặc đồ nguyên thủy, tham gia vào những màn trình diễn vui nhộn, hoàn toàn không có kịch bản gây chú ý trên mạng xã hội.
Từ bỏ ngôn ngữ của con người
Một người quản lý tại danh lam thắng cảnh Shuanglonggou ở phía nam khu tự trị dân tộc Choang (tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc) cho biết, họ thực hiện hơn 20 cuộc phỏng vấn mỗi ngày sau khi đăng tin tuyển dụng vào tháng 7.
Tại khu du lịch Đông Taihang, thông báo tìm người đóng vai cư dân thời tiền sử đã nhận về lượt đăng ký lớn, khiến hệ thống phản hồi tự động bị tê liệt.
Bao Saiyin - phụ trách kỹ thuật tại Công ty Du lịch Văn hóa Đông Taihang - cho biết: "Chúng tôi dự đoán chỉ có vài chục người nộp đơn, nhưng con số vượt ngoài mong đợi, lên đến hàng chục nghìn".
Ở phần mô tả công việc, khu du lịch nêu rõ, mức lương là 200 nhân dân tệ/ngày (hơn 700.000 đồng), cung cấp chỗ ở miễn phí và yêu cầu rất đơn giản: Thể hiện sự hoang dã và… từ bỏ ngôn ngữ của con người.
Người hướng nội hay hướng ngoại đều được hoan nghênh nộp đơn. Không ai được phép nói chuyện, mà chỉ được phát ra tiếng "ồ hố" khi tương tác với khách du lịch. Thậm chí, người lười nhảy cũng có thể đứng yên.
Một ngày sau khi bài đăng này xuất hiện, hàng trăm tin nhắn được gửi đến tới tấp. Các ứng viên rất đa dạng, gồm sinh viên, giáo viên, khách du lịch và người sáng tạo nội dung.
Những clip về "người nguyên thủy hiện đại" nhanh chóng lan truyền trên Internet, cho thấy họ trèo cây, than khóc và "đánh cắp" thức ăn từ khách du lịch. Hashtag (thẻ) liên quan thu hút hơn 41 triệu lượt xem trên nền tảng Douyin.
Trước sức hưởng ứng quá lớn, đội ngũ của Bao Saiyin phải thay đổi chiến thuật. Các ứng viên được yêu cầu gửi video thử vai trên Douyin. Dựa trên số lượt thích từ cư dân mạng, những ai nhập tâm thành người nguyên thủy thuyết phục nhất được lựa chọn.
Trong số đó, clip của Meng Yan và Meng Jiawei nhanh chóng thu hút sự chú ý. Cặp đôi biểu diễn những trò hề và phóng đại hành động của người hoang dã, thu hút hơn 1.100 lượt thích và gần 7.000 lượt chia sẻ trên Douyin.
Nhờ đó, hai người nhận được lời mời làm việc trong vòng hai ngày. Trong số gần 500 ứng viên, chỉ có 20 người được chọn cho chiến dịch kéo dài một tháng của danh lam thắng cảnh Đông Taihang. Từng tốp sẽ luân phiên nhau làm việc theo ca 7 ngày.
Không có bất kỳ sự huấn luyện hay hướng dẫn nào, Meng và 9 người khác mặc đồ nguyên thủy, khuôn mặt được bôi than đen xì và hoàn toàn tự do diễn nét hoang dã trong một "khu vực biểu diễn" trên núi.
Trút bỏ áp lực
Là người hướng nội, Meng Yan ban đầu phải vật lộn để nắm lấy tinh thần vô tư mà vai diễn đòi hỏi. Sau đó, khi nhìn đồng nghiệp xung quanh đều rất nhập tâm, anh dần tự tin hơn, thật sự tưởng tượng mình là người nguyên thủy.
Meng trèo cây, đu xà, bắt chước khách du lịch và giả vờ giật thức ăn của họ trong khi la hét một cách cuồng loạn.
"Những ngày đó khá thú vị khi tôi có thể thoát khỏi cuộc sống thực trong chốc lát. Bình thường, rất khó để tôi không phải bận tâm suy nghĩ về điều gì", nam sinh nói.
Giống như nhiều bạn bè đồng trang lứa, Meng loay hoay không biết mình phải làm gì sau khi tốt nghiệp đại học, trong thị trường việc làm cạnh tranh như hiện nay.
Bạn của anh, Jiawei, có biệt danh là "thủ lĩnh" vì chiều cao và vóc dáng mạnh mẽ. Anh cũng tìm thấy sự an ủi tương tự trong vai diễn người tối cổ.
"Bảy ngày đó thực sự cho phép tôi giải phóng tất cả căng thẳng và cảm xúc tiêu cực trong cuộc sống", chàng trai nói.
Jiawei cảm thấy mình như... một con vượn. Anh hú lên, đi bằng bốn chi, vỗ ngực trong khi tương tác với khách du lịch.
Thực tế, mục đích chính của chiến dịch người nguyên thủy không phải để cho vui. Các danh lam thắng cảnh trên khắp Trung Quốc thường tận dụng những sáng kiến như vậy để tạo sự khác biệt trong thị trường du lịch cạnh tranh khốc liệt.
Ví dụ, du lịch ở thành phố Zibo (tỉnh Sơn Đông) tăng vọt vào năm 2023 nhờ các chương trình ưu đãi của chính phủ Trung Quốc nhằm thúc đẩy văn hóa thịt nướng ở địa phương. Vào tháng 3, một danh lam thắng cảnh ở thành phố Khai Phong (tỉnh Hà Nam) gây tiếng vang nhờ các video tái hiện phong tục mai mối truyền thống.
Ý tưởng quảng bá bằng "người hoang dã" giúp Đông Taihang - danh lam thắng cảnh với những vách đá cao chót vót, đỉnh núi gồ ghề và thác nước xếp tầng mở cửa từ năm 2017 - được chú ý.
"Đến giờ, mọi người vẫn hỏi liệu chúng tôi có còn tuyển người tối cổ hay không", Bao Saiyin nói.
Khi mùa đông đến ở Đông Taihang, chiến dịch tạm thời dừng lại. Vào mùa hè tới, nghề đóng vai người nguyên thủy sẽ trở lại với mức lương cạnh tranh và quyền lợi nhiều hơn.
Đối với Meng Yan, 1.400 nhân dân tệ (gần 5 triệu đồng) kiếm được trong 7 ngày hóa thân thành người tiền sử đã giúp anh có chuyến đi một mình đến khu tự trị Nội Mông Cổ.
Mặc dù những ngày làm người "ăn lông ở lỗ" đã qua, Meng vẫn giữ kỷ niệm và tên tài khoản Douyin của mình: "Người tiền sử đẹp trai". Đây là lời nhắc nhở về sự tự tin và tự do mà anh khám phá ra trên núi.