Ngày thứ 6 đen tối và những câu chuyện phía sau
(Dân trí) - Ngày thứ 6 đen “Black Friday” là ngày vàng của nhiều tín đồ mê mua sắm với những mặt hàng được giảm giá sâu. Nguồn gốc của ngày lễ này liệu có “đen tối” và kém lành như tên gọi của nó?
Ngày thứ 6 đen thường rơi vào khoảng ngày 23-29/11 hàng năm, ngay sau lễ Tạ Ơn, được coi là ngày mở hàng cho đợt mua sắm mạnh nhất trong năm ở Mỹ. Một số người có thể nhầm lẫn với “Thứ 6 ngày 13”, nhưng trên thực tế, đây là 2 ngày khác nhau hoàn toàn.
Trong tiếng Anh, thuật ngữ “in the black” chỉ tình trạng doanh nghiệp làm ăn có lợi nhuận. Trái ngược lại “in the red” mang ý nghĩa trạng thái kinh doanh thua lỗ, thất bại Từ đó, người ta đặt tên cho ngày mua sắm lớn nhất trong năm là “Black Friday” với ý nghĩa các doanh nghiệp ăn nên làm ra trong dịp này.
Vào ngày thứ 6 đen, nhiều doanh nghiệp mở cửa bán hàng từ sáng sớm. Tuy không phải dịp lễ nhưng nhiều chủ cửa hàng ở Mỹ cho nhân viên nghỉ làm để tranh thủ dịp mua sắm lớn nhất trong năm. Nhiều người tranh thủ đợt giảm giá để sửa soạn cho dịp Noel sắp tới.
Trong dịp này, tại nhiều quốc gia, người dân đổ về các trung tâm thương mại, cửa hàng để săn đồ giảm giá. Tại Mỹ, trên các trang web mua sắm trực tuyến lớn như Bestbuy, Amazon, Walmart, Zaza, Lego đều đưa ra nhiều chương trình giảm giá khổng lồ với mức từ 10%-70% trên các mặt hàng đa dạng. Tuy nhiên, trong ngày này thường xuyên xảy ra tình trạng khách hàng cướp giật, giành nhau để sở hữu được món hàng tốt với giá hời nhất.
Xuất phát từ các nước phương Tây đặc biệt là Mỹ, nhưng một số năm trở lại đây, Black Friday cũng trở thành dịp mua sắm lớn của người tiêu dùng Việt khi nhiều doanh nghiệp bán lẻ trong nước mở hàng loại các chương trình giảm giá hút khách.
Huy Hoàng
Tổng hợp