Ngây ngất đường lên Bạch Mộc Lương Tử (Ky Quan San)

(Dân trí) - Bạch Mộc Lương Tử hay Ky Quan San, theo cách gọi của dân địa phương và cũng là tên một bản ở dưới chân núi, nằm giữa hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu. Đỉnh núi cao thứ 4 Việt Nam với địa hình hiểm trở đã thu hút sự chú ý của dân ưa mạo hiểm và khám phá vài năm trở lại đây do cảnh quan đẹp và hoang sơ.

Ngây ngất đường lên Bạch Mộc Lương Tử (Ky Quan San) - Ảnh 1.

Bạch Mộc Lương Tử-một địa danh rất đáng đặt chân đến dù chỉ một lần

Có thể leo Ky Quan San từ hai hướng, hướng thứ nhất dễ hơn là từ xã Sàng Ma Sáo, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai và hướng thứ hai hiểm trở hơn từ bản Dền Sung, xã Sin Súi Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu.

Vào một ngày đẹp trời giữa tháng 12, đoàn 14 người chúng tôi lên Sapa từ chiều để có thể xuất phát từ hướng thứ nhất. Từ Sapa xe chúng tôi chạy lúc 5h15 sáng và sau gần 2 tiếng chạy xe mới vượt qua 40 km đường quanh co và sương mù để đến điểm tập kết ở xã Sàng Ma Sáo.

Ngày thứ nhất

Trước tiên, chúng tôi chuyển bớt đồ đạc cho các porter người Mông - mỗi người chỉ còn 1 balo nhẹ bên mình. Người hướng dẫn viên phổ biến cho đoàn các điểm nghỉ, kinh nghiệm leo, cách thức liên lạc và hỗ trợ các thành viên trong đoàn. Hành trình chinh phục Ky Quan San sẽ kéo dài 3 ngày 2 đêm.

Bạch Mộc Lương Tử, một địa danh nổi tiếng ở Tây Bắc

Hướng dẫn viên cho biết, quãng đường từ chân núi lên tới đỉnh dài khoảng 30km, trải qua nhiều địa hình khác nhau như đồi trọc, rừng tre, rừng cây gỗ lớn, rừng trúc, rừng đỗ quyên cho đến những vách đá cheo leo và nhiều đoạn đường dốc đứng nguy hiểm. Bởi vậy, chúng tôi quyết định tăng số lượng porters hỗ trợ đoàn từ 14 lên 17 người. Quả là quyết định đúng đắn, lời khuyên đầu tiên của tôi cho các bạn muốn thử sức Ky Quan San – vì sức khỏe và sự an toàn của mình hãy thuê nhiều porters.

Ngây ngất đường lên Bạch Mộc Lương Tử (Ky Quan San) - Ảnh 3.

Trên đỉnh Bạch Mộc Lương Tử

Đoàn xuất phát từ chân núi lúc 7h30 sáng. Chúng tôi đi nối tiếp nhau, vừa leo vừa nghỉ, qua rừng tre, rừng lá phong. Đặc biệt ấn tượng là rừng cây cổ thụ: những tán lá xum xuê tầng tầng lớp lớp, những thân cây to lớn xù xì, phủ đầy rêu phong và dương xỉ. Chưa thấy được toàn bộ dãy Ky Quan San nhưng cảnh rừng hoang sơ khá thú vị.

Nghỉ ăn trưa một lúc, chúng tôi tiếp tục leo. Đến gần hết buổi chiều, sau 9 tiếng vừa leo vừa nghỉ kể cả ăn trưa, chúng tôi mới tới được lán nghỉ đêm ở độ cao 2100m. Các porter khi gần tới lán nghỉ đã đi vượt lên trước chúng tôi để đến trước chuẩn bị bữa ăn tối cho đoàn.

Khu lán nghỉ ở gần nguồn nước suối dồi dào và cách không xa đỉnh núi Muối. Lán được các porters người Mông dựng vài năm trước để phục vụ khách du lịch. Trước đây khi chưa có lán, người leo phải cắm trại và ngủ bên ngoài trời.

Ngây ngất đường lên Bạch Mộc Lương Tử (Ky Quan San) - Ảnh 4.

Đường lên đỉnh núi rất kỳ thú

Khu lán làm bằng gỗ lợp mái tôn khá sạch sẽ và kín gió có thể chứa được cùng lúc 50-60 người. Xung quanh được rào kín để ngăn thú rừng và các con vật nuôi như dê, lợn và bò nuôi thả trên rừng. Thật sung sướng cho chúng tôi là ở đây có nhà tắm bằng gỗ kín đáo, có phục vụ nước nóng, nên ai cũng tranh thủ tắm rửa sạch sẽ cho thoải mái sau một ngày leo mệt nhọc. Khu vệ sinh ở đây nằm xa lán ở và khá sạch sẽ, không như ở điểm dừng chân trên đường leo Fansipan.

Hôm đó là ngày thường nên vắng khách, chỉ có đoàn chúng tôi nghỉ đêm ở lán. Bữa tối vào lúc 19h được các porter chuẩn bị có rất nhiều món và khá ngon. Ngay sau đó chúng tôi đi ngủ để lấy sức cho cho ngày hôm sau, chặng leo được coi là thử thách nhất hành trình.

Ngày thứ hai

Sau khi ăn sáng cũng do các porters chuẩn bị, chúng tôi để lại toàn bộ đồ đạc, chỉ mang theo áo khoác nhẹ và nước uống và xuất phát lúc 7h30. Đoạn đường từ khu lán nghỉ lên đỉnh Ky Quan San đẹp, hoang sơ và cũng hiểm trở nhất. Cảnh trên đường đi đẹp hơn nhiều so với cảnh trên đường lên đỉnh Fansipan và độ khó cũng khó hơn do có nhiều đoạn dốc dài dựng đứng. Dù đã từng leo Fansipan và chinh phục Sơn Đoòng, tôi vẫn choáng ngợp trước sự vĩ đại và vẻ đẹp của thiên nhiên, núi đồi và cảnh quan ở đây. Chúng tôi mất gần 5 giờ để leo lên và xuống 3 ngọn núi, vượt qua rừng đỗ quyên cổ thụ và rừng trúc lùn trước khi lên tới đỉnh Ky Quan San.

Ngây ngất đường lên Bạch Mộc Lương Tử (Ky Quan San) - Ảnh 5.

Trên đường đi, bạn sẽ luôn gặp những cây có hình thù cổ quái, lạ mắt thế này

Anh A Sé, người porter đồng hành cùng tôi kể tháng 3 là thời gian rừng hoa đỗ quyên cổ thụ trên đường lên Ky Quan San khoe sắc rực rỡ nhất do thời tiết ấm lại sau những ngày giá lạnh. A Sé (năm nay 36 tuổi) từ bé đã theo bố mẹ lên Ky Quan San để đào củ và cây thuốc. Lần đầu anh dẫn khách leo Ky Quan San là năm 2007 với một nhóm 3 người và từ năm 2014 trở lại đây, hàng tháng anh dẫn khách 3-4 lần, mỗi lần 3 ngày.
Ngây ngất đường lên Bạch Mộc Lương Tử (Ky Quan San) - Ảnh 6.

Một góc Bạch Mộc Lương Tử

Theo A Sé, kinh nghiệm leo núi cho người dưới xuôi là khi mệt thì nghỉ nhưng không nên nghỉ quá lâu, chừng 5 phút là đủ. Thời tiết lạnh nhưng khi leo cơ thể rất nóng, tôi cởi áo khoác và mặc áo thể thao thoát mồ hôi. Tuy nhiên, khi dừng lại nghỉ phải lau mồ hôi, quàng khăn và mặc áo khoác để tránh bị cảm lạnh. Khi leo, đoàn sẽ tách làm nhiều nhóm do thể lực và sức bền khác nhau và các nhóm không nên chờ nhau trừ khi đến điểm ăn trưa hoặc điểm tập kết do các cơ có thể bị cứng và cơ thể bị cảm lạnh trong lúc chờ. Các nhóm leo không có hoặc ít porters hỗ trợ thường phải đợi nhau nhằm tránh bị lạc.

Chúng tôi lên đỉnh lúc giữa trưa. Sau khi quay phim, chụp hình và ăn trưa, chúng tôi quay lại khu lán trại để nghỉ đêm thứ hai tại đây vào lúc 4h chiều. Đường đi xuống dễ hơn và nhanh hơn nhưng với một số người thì đầu gối và chân bị đau và căng hơn do trọng lượng cơ thể dồn xuống. Nếu đi giầy chật, các đầu ngón chân có thể bị tụ máu hoặc bật móng do các ngón chân chụm để bám xuống mặt đường khi leo xuống.

Chúng tôi gặp may khi hai ngày leo đầu thời tiết rất đẹp. Dù trời khá lạnh, nhiệt độ khoảng 10-12 độ C nhưng có nắng nhẹ. Một trong những lý do người ta không leo Ky Quan San từ tháng 4 đến tháng 9 cũng là do thời tiết nắng nóng, rất mệt cho leo núi. Lý do thứ hai đó là vào mùa này thường có mưa lũ, nguy hiểm dù toàn bộ chặng leo đi men theo các dòng suối chứ không phải vượt suối.

Ngày thứ ba

Sáng hôm sau chúng tôi leo lên đỉnh núi Muối cách khu lán khoảng 15p nơi có nhiều cây cỏ muối để săn biển mây. Nếu gặp may, bạn sẽ được chứng kiến biển mây dưới chân mình. Do đêm hôm trước mưa và trời âm u nên chúng tôi không có được may mắn ngắm được biển mây nhưng cảnh trên núi Muối rất kỳ vỹ, hoang sơ.

Đoàn chúng tôi bắt đầu leo xuống lúc 8h30 và nhóm đầu tiên xuống đến điểm xuất phát lúc đầu lúc 12h30, bằng một nửa thời gian đi lên dù đường đi trơn trượt do có mưa nhỏ. Nhóm cuối cùng trong đoàn đến điểm xuất phát an toàn lúc 3h30. Chúng tôi quay trở về Sapa ăn trước khi về lại Hà Nội, kết thúc hành trình khám phá Ky Quan San, một trải nghiệm đáng nhớ với tất các thành viên.

Ngây ngất đường lên Bạch Mộc Lương Tử (Ky Quan San) - Ảnh 7.

Rừng trúc trên đường đi

Theo kinh nghiệm của tôi, để chinh phục cung này, các bạn nên:

Luyện tập để có thể lực tốt trước khi đi. Có thể leo cầu thang (lên & xuống) hoặc nhẩy dây hàng ngày trong 1 tháng.

Chuẩn bị 2 đôi giầy có đế bám tốt, quần chống nước, balo chuyên dụng cho leo núi, gậy leo núi, đồ ăn nhẹ như socola, ruốc và thuốc thang và vật dụng cần thiết.

Không nên đi khi trời mưa vì sẽ bị sương mù, không thấy cảnh đẹp của núi rừng và đặc biệt rất nguy hiểm do trơn trượt. Chuyến đi thành công là chuyến đi an toàn và có trải nghiệm chứ không phải giá trị là check in.

Đi chậm, chụp ảnh, trải nghiệm và tận hưởng cảnh đẹp của thiên nhiên, trời đất

Hãy thuê porters, 1 người nên có 1 porter để họ mang đỡ đồ giúp mình.

Đừng cậy mình có sức khỏe mà không thuê họ. 15-20kg vác trên lưng, bạn sẽ không thấy thú vị khi leo núi và vượt rừng.

Thuê porter cũng giúp bạn không lạc đường, có thể nguy hiểm đến tính mạng. Nhiều bạn trẻ đã bị lạc trong rừng và được cứu trong tình trạng hoảng loạn.

Thuê porter để tạo công ăn việc làm cho đồng bào nghèo.

Nói chuyện với porters, những người nhiệt tình, ân cần và khỏe mạnh, để có thêm thông tin và hiểu biết về con người, phong tục và cuộc sống của họ.

Nếu được, hãy mang theo bộ đàm để liên lạc giữa các nhóm với nhau do trong rừng không có sóng điện thoại.

Cung leo này hiện không được mở cho người nước ngoài do gần biên giới. Có một số người nước ngoài đã leo nhưng phải xin phép chính quyền địa phương và khá phức tạp.

Nguyễn Đức Hùng