Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi
Món nộm làm từ tổ kiến lúc nhúc, khiến khách "nổi da gà" ở Mai Châu
(Dân trí) - Tổ kiến chua sau khi làm sạch sẽ được trộn đều với hoa chuối, thêm các gia vị mì chính, bột canh, tỏi, ớt và một chút nước chanh tươi, tạo thành món nộm độc đáo.
Mai Châu (Hòa Bình) có nền văn hóa đa dạng với 7 dân tộc cùng chung sống, trong đó dân tộc Thái chiếm đa số khoảng gần 60%.
Người dân tộc Thái ở Mai Châu nổi tiếng với nhiều món đặc sản truyền thống thu hút thực khách gần xa như cá đồ (hấp) lá đu đủ, cơm lam, gà/vịt nướng ống lam, bánh ốc, bánh gai, xôi nếp nương, gà nướng mắc khén…, góp phần tạo nên sức hút cho loại hình du lịch cộng đồng tại đây.
Loại hình du lịch này không chỉ được xem như "thỏi nam châm" thu hút du khách đến khám phá, trải nghiệm tại Mai Châu mà còn là "át chủ bài" tạo sinh kế bền vững, giúp đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nơi đây thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Người dân tộc Thái ở Mai Châu (Hòa Bình) nổi tiếng với nhiều món đặc sản truyền thống thu hút thực khách gần xa như cá đồ (hấp) lá đu đủ, cơm lam, gà/vịt nướng ống lam, bánh ốc, bánh gai, xôi nếp nương, gà nướng mắc khén…
Tuy nhiên, có một món ăn dân dã, quen thuộc với bà con người Thái từ lâu đời nhưng lại là nỗi ám ảnh với nhiều du khách lần đầu biết tới. Đó là nộm kiến.
Theo chị Lò Hương Giang, một người dân tộc Thái tại xã Xăm Khòe (Mai Châu, Hòa Bình), hiện đang là đầu bếp trong một khu nghỉ tại địa phương: "Loại kiến sử dụng làm nộm có vị chua nhẹ nên bà con gọi là kiến chua.
Kiến thường sống và làm tổ trên những cây cao, lớn ở rừng, xuất hiện nhiều vào mùa hè, từ tháng 3 tới tháng 8".
Cũng theo chị Giang, việc tìm kiếm và bắt những tổ kiến chua này rất khó, đòi hỏi bà con phải có kinh nghiệm, tinh mắt, thành thạo leo trèo.
Để có được những tổ kiến với đầy ắp kiến và trứng kiến, bà con phải đi sâu vào rừng tìm kiếm. Khi mang về, ổ kiến được đầu bếp tỉ mỉ nhặt sạch vỏ cây, lá khô dính bên trong.
Để làm nộm kiến chua, bà con người Thái kết hợp với hoa chuối, thường là chuối tây, chuối hột bẹ còn non. Hoa chuối được rửa sạch, ngâm trong nước có pha chanh hoặc giấm 15-20 phút rồi vớt ra để ráo nước, thái mỏng.
Món ăn này có vị hơi chát, chua nhẹ và cay cay hòa quyện, khá hấp dẫn. Những người sành ăn thường bảo nhau rằng, thưởng thức các món ăn làm từ kiến và trứng kiến phải thật thư thả thì mới cảm nhận được cái ngon, vị khác lạ mà không món ăn nào có được.
"Đây là lần đầu tiên tôi biết tới và thưởng thức món nộm kiến chua. Khi nhìn tổ kiến trên đĩa, tôi hơi sợ, nổi da gà nhưng khi ăn thì cảm thấy vị chua thanh dễ chịu, có phần béo ngậy khác các món nộm từng thưởng thức", chị Thanh một du khách từ Hà Nội chia sẻ.
Ở nước ta có một số món ngon từ kiến, nổi tiếng ở các địa phương như bánh trứng kiến của người Tày ở vùng núi Đông Bắc, muối kiến vàng ở Tây Nguyên, xôi trứng kiến ở Bắc Giang hay canh trứng kiến ở Quảng Bình.
Với người Rơ Mâm ở làng Le (xã Mô Rai, huyện Sa Thầy, Kon Tum), gỏi cá - kiến chua là món đặc sản truyền thống. Món gỏi cá - kiến chua được người địa phương khen ngon, mát cho cơ thể.
Nguyên liệu chính của món này, ngoài kiến chua còn có cá sông to, nhiều thịt, gia vị gồm: muối, bột ngọt, ngò gai, hành lá xắt nhỏ. Món gỏi cá - kiến chua rất đậm đà, vừa giữ được vị ngọt và thơm của cá sông, vị chua của kiến, quyện với mùi thơm nồng của các loại rau rừng.
Theo ý kiến chuyên gia, trứng kiến hay trứng ong, nhộng tằm về bản chất có giá trị dinh dưỡng rất tốt. Tuy nhiên kiến là một loại động vật hoang dã, khi làm tổ thường tiết ra các độc tố để bảo vệ con non, do đó không loại trừ khả năng người tiêu dùng ăn phải độc tố, có thể gây dị ứng, ngộ độc.