Mở cửa du lịch từ "hộ chiếu vắc xin": Chậm trễ sẽ mất cơ hội?

Hà Trang

(Dân trí) - Theo các chuyên gia việc mở cửa thị trường quốc tế cần thận trọng, đảm bảo an toàn, song đây là thời điểm chúng ta phải bắt tay nghiên cứu, có kế hoạch cho việc mở cửa từng bước.

Việc triển khai tiêm chủng ngừa Covid-19 đang gia tăng rộng khắp, nhiều quốc gia đã bắt đầu nghĩ đến cách triển khai "hộ chiếu vắc xin" để từng bước mở cửa hàng không quốc tế, đón khách du lịch.

Cụ thể, Hy Lạp dự kiến sẽ mở cửa đón khách quốc tế từ giữa tháng 5, du khách chỉ cần chứng nhận đã tiêm phòng vắc-xin covid-19 hoặc chứng nhận có kết quả xét nghiệm âm tính.

Mở cửa du lịch từ hộ chiếu vắc xin: Chậm trễ sẽ mất cơ hội? - 1

Nhiều quốc gia đã bắt đầu nghiên cứu, triển khai đón khách có hộ chiếu vắc xin. 

Nhiều nước trên thế giới như Israel, Iceland, Trung Quốc... cũng đang áp dụng "hộ chiếu vắc xin" dưới nhiều tên gọi khác nhau nhưng hướng tới mục đích chung là mở lại biên giới một cách an toàn, giải phóng nền kinh tế khỏi tình trạng phong tỏa và khôi phục cuộc sống bình thường cho người dân.

Chia sẻ với PV, ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban Thư ký, Hội đồng tư vấn du lịch (TAB) cho biết, hiện nay nhiều nước "đối thủ" với chúng ta như Singapore, Thái Lan... đã lên kế hoạch, chuẩn bị mở cửa, đón khách có "hộ chiếu vắc xin". Cơ hội của chúng ta sẽ giảm nếu như không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng ngay từ bây giờ.

Mở cửa du lịch từ hộ chiếu vắc xin: Chậm trễ sẽ mất cơ hội? - 2

Khách du lịch đến Thái Lan cách ly trên du thuyền sang trọng.  (Ảnh: the phuketnews).

Trước đại dịch Covid-19, ngành du lịch đóng góp hơn hơn 10% GDP và sử dụng một lực lượng lao động rất lớn, tạo ra doanh thu hơn 30 tỷ USD một năm.

Ngoài việc tạo ra thị trường cho du lịch, khách sạn, việc đi lại quốc tế cũng là sự cần thiết cho các doanh nghiệp có vốn nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, các dự án đầu tư FDI mới, hạ tầng và các dự án khác cần nguồn chuyên gia nước ngoài.

"Doanh thu của ngành du lịch phụ thuộc rất lớn vào việc đón khách quốc tế. Việc mở cửa không hề đơn giản. Điều này phụ thuộc vào chương trình tiêm chủng vắc xin của các quốc gia, diễn biến dịch bệnh.

Chúng ta không hy sinh và không gây nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng người dân Việt Nam để đổi lấy lợi ích kinh tế. Tuy nhiên, đây là thời điểm chúng ta phải bắt đầu tính toán, nghiên cứu lộ trình để mở cửa an toàn, bền vững", ông Chính nói.

Theo ông Chính, mới đây TAB cũng đã có văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ về việc mở cửa trở lại.

"Hội đồng Tư vấn Du lịch ủng hộ một chính sách đảm bảo được an toàn cho đi lại và hạn chế được rủi ro gây lây nhiễm ra cộng đồng, đồng thời cho phép từng bước mở cửa cho việc đi lại mà không phải cách ly", ông Chính thông tin. 

Trong bản kiến nghị của mình, TAB đề xuất, để việc mở cửa an toàn, Việt Nam cần có các chính sách yêu cầu hộ chiếu Tiêm chủng; kiểm tra Covid trước chuyến bay và kiểm tra khi đến.

Chính phủ cũng nên có chính sách bảo hiểm y tế du lịch bắt buộc, bao gồm bảo hiểm Covid-19 cho tất cả khách du lịch quốc tế đến Việt Nam (inbound) và khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài (outbound).

Theo đó, bảo hiểm Covid-19 nhằm đảm bảo quyền lợi và sự an toàn của du khách, công ty du lịch và chính quyền địa phương trong trường hợp hủy hoặc hoãn chuyến du lịch, cũng như kiểm tra, điều trị, sơ tán y tế và hồi hương ...

Để làm được điều này, TAB kiến nghị, bộ Tài chính nên cho phép doanh nghiệp bảo hiểm tại Việt Nam nghiên cứu, bán các sản phẩm bảo hiểm du lịch về dịch bệnh Covid-19 như các trường hợp dịch bệnh khác theo quy định của pháp luật.

Ông Chính nhấn mạnh, việc mở cửa phải kỹ càng, có lộ trình, được thực hiện từng bước một và phải đảm bảo an toàn, nếu chưa đủ năng lực thì không mở cửa.

"Từ tháng 10 trở đi là mùa của du lịch quốc tế, chúng ta có thể mở cửa thí điểm từ tháng 7 và mở rộng ra từ tháng 10. Ban đầu có thể đón khách ở các thị trường gần -  các nơi mà họ đã cơ bản khống chế được dịch bệnh. Ngành du lịch phải phối hợp cùng các ngành khác như: an ninh, y tế... xây dựng được quy trình đón khách an toàn", ông Chính nói.

Chuyên gia này cũng cho rằng, để du lịch phục hồi như thời điểm trước đại dịch Covid-19 thì phải phụ thuộc vào diễn biến dịch bệnh. Tuy nhiên, ít nhất cũng phải đến giữa năm 2022 và đầu năm 2023, mới hy vọng du lịch khởi sắc.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm