Loại gạch nào được dùng để xây Tử Cấm Thành?
(Dân trí) - Đã bao giờ bạn đặt ra câu hỏi một công trình trụ vững với thời gian suốt hàng trăm năm như Tử Cấm Thành được xây bằng loại gạch nào?
Tử Cấm Thành là nơi ở của 24 vị Hoàng đế thuộc các triều đại từ giữa nhà Minh đến cuối nhà Thanh. Có thể nói, tòa thành này là biểu tượng về quyền lực của Hoàng đế và các triều đại phong kiến Trung Quốc.
Công trình xây dựng vào khoảng năm 1406 đến 1420, đến nay, trải qua bao biến cố lịch sử nhưng vẫn trụ vững cùng mưa gió thời gian. Suốt hàng trăm năm qua, công trình kỳ vĩ này ẩn chứa nhiều bí mật lôi cuốn nhiều nhà khảo cổ học, kiến trúc sư tới khám phá.
Sự thật về loại “gạch vàng” xây Tử Cấm Thành
Theo sử sách ghi chép và dân gian Trung Hoa truyền miệng, Tử Cấm Thành được xây từ loại “gạch vàng” vô cùng quý hiếm. Nhưng tới nay, bí mật về loại “gạch vàng” đã được làm sáng tỏ.
Trên thực tế, hầu hết loại gạch này đều bắt nguồn từ Lâm Thanh, thành phố cấp quận của tỉnh Sơn Đông, nên còn gọi là “gạch cống Lâm Thanh”. Đây là thành phố nằm cách thủ đô Bắc Kinh chừng 400 km, nằm ở ngã ba sông Weihe và Đại Vận Hà nên giao thông đường thủy rất thuận lợi.
Loại gạch này vốn là đồ thủ công truyền thống của Trung Quốc, được xếp hạng di sản văn hóa quốc gia vào tháng 6/2008.
Gạch cống Lâm Thanh được chuyển tới Bắc Kinh qua Đại Vận Hà, là nguyên liệu để xây dựng nhiều công trình lịch sử như Thiên Đài, Tháp Chuông, Tháp Trống, và trong đó có cả Tử Cấm Thành…
Trong triều đại nhà Minh và nhà Thanh (1368-1911), Lâm Thanh là một đô thị với dân số hơn 1 triệu người, đồng thời là thành phố lớn thứ 2 ở miền bắc. Hàng trăm lò gạch được đặt dọc theo sông Weihe. Bên cạnh gạch xây dựng, đây cũng là trung tâm phân phối hàng dệt may và ngũ cốc.
Từ thời nhà Minh, gạch cống Lâm Thanh đã nổi tiếng và được dùng rộng rãi cho công trình hoàng gia. Ngoài việc kết nối giao thông thuận lợi, chất lượng của gạch cũng là yếu tố làm nên sự nổi tiếng của nó.
Loại gạch cống này làm từ thứ đất đặc biệt có tên gọi “Lianhua”. Đây là loại đất cát mịn với lớp đất sét phủ lên tạo thành cấu trúc chồng lên nhau. Khi làm từ đất “Lianhua”, gạch Lâm Thanh không dễ bị biến dạng và có chất lượng tốt hơn những nơi khác.
Tại thị trấn Weijiawan thuộc thành phố Lâm Thanh ngày nay vẫn còn khoảng 200 người làm nghề đóng gạch, trong đó, nhiều gia đình vẫn giữ truyền thống làm như thời nhà Minh.
Sau khi gạch được tạo hình sẽ mang vào lò nung. Quá trình nung rất quan trọng. Lửa phải cháy liên tục trong 7 ngày và đêm với nhiệt độ thay đổi tùy lúc.
Một người thợ có kinh nghiệm cho biết, sau khi giảm xuống một mức nhiệt nhất định, lò nung phải được tưới nước từ trên mái. Khi đó, màu gạch sau khi nung sẽ chuyển từ đỏ sang xanh cyan.
Theo chính quyền địa phương, mỗi năm, hơn 400.000 viên gạch Lâm Thanh được vận chuyển tới Bắc Kinh, mang lại thu nhập khoảng 5 triệu Nhân dân tệ cho công nhân địa phương.
Ngày nay, “gạch cống” không phải là di sản văn hóa duy nhất ở Lâm Thanh. Nơi đây còn có nghề làm đèn lồng được công nhận di sản văn hóa quốc gia năm 2017 và màn múa lân nổi tiếng, thu hút du khách gần xa…
Công trình kỳ vĩ ngày nay
Nhờ loại “gạch vàng” này, Tử Cấm Thành trong sử sách được mô tả là nơi “đông ấm, hạ mát”, khiến người sống trong cung được thư thái, dễ chịu. Và cũng không thể phủ nhận sự bền chắc của loại nguyên liệu quý trên giúp công trình kiên cố cùng thời gian.
Tử Cấm Thành của ngày nay không còn là nơi vua chúa ở, mà đã biến thành điểm du lịch hấp dẫn bậc nhất ở Bắc Kinh. Vào thời điểm trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, địa danh này thu hút hàng triệu khách tham quan mỗi năm bởi sự lộng lẫy, quy mô ấn tượng, còn lưu giữ nhiều huyền thoại, bí mật và cả những sự thật thú vị ít người biết tới.
Tử Cấm Thành nằm trên tổng diện tích 720,000 m2, gồm 800 cung và 9999 phòng. Công trình xây dựng trong suốt 14 năm liền, từ 1406 đến 1420. Năm 1987, UNESCO đã xếp nơi này vào loại quần thể cổ bằng gỗ lớn nhất thế giới và công nhận là Di sản Thế giới.