Lỗ hàng chục tỷ đồng, ông chủ khách sạn phố cổ đóng cửa, cắt giảm nhân viên
(Dân trí) - Nhiều chuỗi khách sạn trên phố cổ Hà Nội đóng cửa, số khác thì phải thanh lý sang nhượng do ảnh hưởng chung của dịch bệnh.
Vắng khách du lịch quốc tế do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đã khiến cho hàng loạt khách sạn trên phố cổ Hà Nội lao đao, nhiều nơi phải đóng cửa, treo biển sang nhượng trong khi số khác thì hoạt động cầm chừng, cắt giảm nhân viên.
Gần 1 năm dịch bệnh, ông chủ khách sạn phố cổ lỗ 20 tỷ đồng
Chia sẻ với Pv Dân trí, ông T. chủ của một chuỗi khách sạn trên phố cổ Hà Nội cho biết, đây là lần thiệt hại nặng nề nhất trong nhiều năm kinh doanh lưu trú. Từ đầu năm 2020 đến nay, ước tính đơn vị này phải bù lỗ cả chục tỷ đồng.
“Trước thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, tỷ lệ lấp đầy phòng khách sạn luôn đạt mức từ 70-80%, vào mùa cao điểm có thể lên tới trên 90%. Tuy nhiên, dịch Covid-19 bùng phát, con số này giảm liên tục và hiện tại ở mức 0%”, ông T. cho hay.
Để cố gắng cầm cự, hiện tại ông T. đã đóng cửa 2 khách sạn 3 sao, cho nhân viên nghỉ việc, 1 khách sạn thì hoạt động cầm chừng. Bản thân ông T. và người nhà thay nhau làm lễ tân, bảo vệ... để tiết kiệm chi phí. Giá phòng khách sạn cũng giảm 70%, từ mức 850 nghìn/ phòng xuống còn 349 nghìn đồng/phòng.
“Dù giá giảm sâu chưa từng có song số lượng khách vẫn rất vắng vẻ và chỉ lác đác có vào cuối tuần”, ông T. buồn rầu nói.
Tương tự, ông Lê Xuân Vinh, chủ chuỗi 8 khách sạn cũng chua xót cho biết, trong 10 năm kinh doanh đây là lần đầu tiên chứng kiến cảnh phố cổ vắng khách đến vậy.
Chuỗi khách sạn này đã phải đóng cửa cả 8 cơ sở, khoảng 200 nhân viên đã phải nghỉ việc. Hiện mỗi cơ sở khách sạn của ông Vinh có giá thuê vào khoảng 150 triệu đồng/ tháng.
“Trước đây, khách nước ngoài chiếm đến 90% lượng khách đặt phòng, giờ dịch bệnh nên không có ai thuê. Thiệt hại từ đầu năm đến giờ vào khoảng 20 tỷ đồng, số tiền bằng cả đời tôi tích cóp.
Nếu dịch bệnh không sớm được kiểm soát thì chắc chắn tôi sẽ phải chuyển nghề, vì không thể cầm cự nổi”, ông Vinh nói.
Theo ông Vinh khó khăn lớn nhất của những doanh nghiệp kinh doanh du lịch hiện nay là không tiếp cận được nguồn vốn vay ngân hàng. "Chúng tôi mang nhà đất của gia đình đi thế chấp vay nhưng khi xem hồ sơ thấy là công ty du lịch, các ngân hàng đều từ chối. Họ sợ xảy ra nợ xấu", ông Vinh chua xót nói.
Ồ ạt rao bán khách sạn cả trăm tỷ đồng
Tình hình kinh doanh ảm đạm, doanh thu thua lỗ liên tục đã khiến cho nhiều “ông lớn” trong ngành khách sạn phải liên tục rao bán.
Đơn cử, một khách sạn có diện tích 320m2 trên phố Hàng Bông, gồm 12 tầng, 90 phòng rao bán 510 tỷ đồng; Khách sạn 200m2 với 8 tầng 33 phòng tại phố Hàng Dầu rao bán 210 tỷ đồng; Khách sạn trên phố Lương Ngọc Quyến rao bán 255 tỷ đồng với diện tích 280m2...
Dù thanh lý, rao bán khách sạn với giá rẻ song việc thu hồi vốn thời điểm này không dễ dàng bởi không tìm được khách mua do khó khăn chung của dịch bệnh.
Chia sẻ với PV Dân trí, ông Vũ Văn Thanh, Vụ trưởng Vụ Khách sạn (Tổng cục Du lịch) thừa nhận, vắng khách quốc tế khiến cho ngành kinh doanh khách sạn đặc biệt là tại các khu phố tập trung đông khách du lịch như phố cổ Hà Nội chịu thiệt hại nặng nề.
Công suất phòng hiện nay của các đơn vị này chỉ duy trì ở mức dưới 10% - con số thấp kỷ lục, chưa đủ chi phí hoạt động chứ chưa nói đến việc thu lời.
Hiện tại, ông Thanh cho biết phía Tổng cục Du lịch cũng đã có đề xuất để hỗ trợ các đơn vị kinh doanh gặp khó khăn trong khủng hoảng dịch bệnh.
Tuy nhiên, để phục hồi hoạt động kinh doanh như trước kia thì phải đợi đến khi dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn.
“Hiện nay, một số đường bay quốc tế đã được mở cửa trở lại song số lượng khách này chủ yếu là chuyên gia nước ngoài và họ chủ yếu đã đăng ký cách ly tại các cơ sở theo quy định”, ông Thanh nói.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, do ảnh hưởng của đại dịch trong tháng 8, lượng khách quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt 16,3 nghìn lượt, giảm 98,9% so với cùng kỳ năm 2019. Tính chung 8 tháng đầu năm khách quốc tế đến nước ta chỉ đạt gần 3,8 triệu lượt người, giảm 66,6% so với cùng kỳ năm trước. Đây là con số thấp kỷ lục trong suốt nhiều năm qua.
Trong khi đó theo Sở Du lịch Hà Nội, tính đến ngày 31/8, Hà Nội có khoảng 950 cơ sở lưu trú tạm dừng hoạt động, gần 16.000 lao động tạm thời thất nghiệp. Phân khúc khách sạn cao cấp 3 - 5 sao khủng hoảng trầm trọng do lượng khách quốc tế giảm mạnh.