Lễ giỗ làng gốm 500 năm tuổi ở phố cổ Hội An

Ngô Linh

(Dân trí) - Lễ giỗ tổ làng nghề gốm truyền thống Thanh Hà, làng nghề 500 năm tuổi ở ngoại ô đô thị cổ Hội An, thu hút hàng nghìn người dân và du khách.

Phần đặc sắc nhất của sự kiện, lễ rước kiệu tổ nghề gốm từ khu miếu Lùm Bà Dàng (khối Thanh Chiêm) về khu miếu tổ nghề Nam Diêu, diễn ra vào ngày 25/8 (nhằm mùng 10 tháng 7 âm lịch). 

Lễ giỗ làng gốm 500 năm tuổi ở phố cổ Hội An - 1

Người dân nô nức dự lễ giỗ tổ nghề gốm Thanh Hà năm 2023 (Ảnh: Ngô Linh).

Theo các bậc cao niên trong làng, giỗ tổ nghề gốm là thông lệ làng đã gìn giữ gần 500 năm nay. Một năm làng có 2 lễ lớn, vào mùng 10 tháng Giêng và mùng 10 tháng 7 âm lịch.

Trong đó, lễ mùng 10 tháng Giêng cầu cho quốc thái dân an, dân làng yên lành, làm ăn phát đạt. Còn mùng 10 tháng 7 cũng là mùa báo hiếu, vừa tạ ơn Tổ đã truyền nghề, phù hộ dân làng bình an vô sự.

Tưng bừng lễ giỗ tổ nghề gốm Thanh Hà 2023 (Video: Ngô Linh).

Lễ tạ ơn Tổ nghề vào mùng 10 tháng 7 âm lịch rất quan trọng, vừa tạ ơn tổ nghề, vừa làm lễ đóng lò. Vì thông thường từ tháng 7 trở lên, nơi đây hay bị lũ lụt, dân làng phải tạm nghỉ. 

Lễ giỗ tổ nghề gốm Thanh Hà nhằm tri ân công đức các bậc tiền hiền đã tạo dựng làng nghề từ cuối thế kỷ 16, đầu thế kỷ 17; đồng thời giáo dục con cháu về truyền thống lịch sử - văn hóa cũng như ý thức bảo tồn và phát triển làng nghề.

Lễ giỗ làng gốm 500 năm tuổi ở phố cổ Hội An - 2

Ghi nhớ công đức các bậc tiền hiền, tổ nghề (Ảnh: Ngô Linh).

Lễ hội làng gốm, một hoạt động văn hóa cộng đồng của cư dân Thanh Hà - Hội An luôn diễn ra sôi nổi, đậm tính dân gian với nhiều nghi thức cổ truyền được chính các nghệ nhân và bà con nhân dân trong làng thực hiện.

Bên cạnh đó, phần hội sẽ có các hoạt động đặc sắc như đua thuyền trên sông Thu Bồn, thi kéo co, chế tác sản phẩm gốm, chuốt gốm, nặn con thổi, nấu cơm niêu, đua thuyền…

Lễ giỗ làng gốm 500 năm tuổi ở phố cổ Hội An - 3

Con cháu trong làng dâng lễ vật (Ảnh: Ngô Linh).

Làng gốm Thanh Hà là nơi còn bảo lưu nguyên vẹn quy trình chế tác gốm thủ công truyền thống cách đây gần 500 năm cùng nhiều giá trị tri thức dân gian gắn liền quá trình hình thành làng xã, phát triển đô thị thương cảng Hội An.

Lễ giỗ làng gốm 500 năm tuổi ở phố cổ Hội An - 4

Các nghệ nhân trong làng tranh tài chuốt gốm, tạo ra sản phẩm đẹp mắt để du khách thưởng thức (Ảnh: Ngô Linh).

Với các giá trị đặc sắc và tiêu biểu, "Nghề gốm Thanh Hà" đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2019.

Ngày nay, làng nghề gốm Thanh Hà đang trở thành tuyến tham quan du lịch, thu hút hàng nghìn lượt khách trong và ngoài nước tham quan.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm