Quảng Nam:
Du lịch miền núi tiềm năng nhưng vẫn "mạnh ai nấy làm"
(Dân trí) - So với lợi thế và tiềm năng, du lịch miền núi Quảng Nam được đánh giá chưa thực sự được đầu tư tương xứng, vẫn còn tình trạng phát triển manh mún, "mạnh ai nấy làm".
Ngày 18/8, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam tổ chức Tọa đàm "Kết nối phát triển du lịch miền núi tỉnh Quảng Nam".
Các tham luận, ý kiến tại tọa đàm tập trung thảo luận, tìm ra hướng đi cho du lịch miền núi của tỉnh, từng bước tháo gỡ, khắc phục tình trạng phát triển manh mún, "mạnh ai nấy làm", tăng cường kết nối để tạo ra chuỗi sản phẩm có giá trị cao và bền vững.
Theo đó, vùng núi Quảng Nam được nhận định có nhiều lợi thế, tiềm năng để phát triển du lịch, sở hữu nhiều tài nguyên văn hóa và tự nhiên với dãy Trường Sơn hùng vĩ, nhiều sông, suối, rừng nguyên sinh, khí hậu quanh năm mát mẻ, trong lành.
Nổi bật là rừng sâm Ngọc Linh - bảo vật của quốc gia, cung đường Hồ Chí Minh huyền thoại cùng các khu di tích lịch sử trong hai cuộc kháng chiến.
Miền núi phía tây Quảng Nam còn là nơi lưu giữ nguyên vẹn các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể quý giá của người đồng bào dân tộc thiểu số Cơ tu, Cor, Xơ đăng, Giẻ triêng với các lễ hội đặc trưng, đặc sản phong phú, nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng…
Đây là những chất liệu quan trọng để hình thành nên những sản phẩm du lịch riêng, độc đáo, hấp dẫn du khách với các loại hình du lịch như du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm, du lịch lịch sử…
Ông Văn Bá Sơn - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam - cho hay, thời gian qua, lãnh đạo tỉnh và 9 huyện miền núi quan tâm phát huy tối đa lợi thế của địa phương để phát triển.
Nhiều sản phẩm du lịch được du khách trong, ngoài nước đón nhận, góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch khu vực miền núi, mang đến trải nghiệm mới mẻ cho du khách khi đến Quảng Nam.
Tuy nhiên, lãnh đạo Sở cho rằng du lịch miền núi Quảng Nam vẫn còn rất nhiều khó khăn chưa được tháo gỡ. Cơ sở hạ tầng giao thông chưa được đầu tư đồng bộ. Điều này trở thành rào cản không nhỏ để phát triển tour, tuyến du lịch.
Bên cạnh đó, sự trùng lặp sản phẩm giữa các địa phương làm cho việc kết nối, tạo sản phẩm thực sự độc đáo để du khách hào hứng với những chuyến khám phá đại ngàn vẫn chưa được như mong đợi; lao động còn hạn chế về số lượng lẫn chất lượng; nhiều nơi làm du lịch tự phát, chưa được quy hoạch, đầu tư bài bản; chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa các bên liên quan...
"So với tiềm năng, lợi thế sẵn có, du lịch miền núi Quảng Nam chưa thực sự được đầu tư tương xứng, hiệu quả kinh tế do du lịch mang lại chưa đáng kể, người dân bản địa vẫn chưa được hưởng lợi nhiều từ sự phát triển của du lịch", ông Văn Bá Sơn - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam - phát biểu.