Làng dệt lanh Lùng Tám - Sắc màu rực rỡ nơi cao nguyên đá Hà Giang

Mai Vân

(Dân trí) - Làng dệt lanh Lùng Tám ở cao nguyên đá là một điểm đến ở Hà Giang được du khách trong nước lẫn nước ngoài yêu thích.

Làng dệt lanh thổ cẩm Lùng Tám thuộc xã Lùng Tám, Quản Bạ (tỉnh Hà Giang). Đây làng dệt thủ công nổi tiếng nhất tại Tây Bắc.

Đối với người Mông sinh sống nơi cổng trời Quản Bạ - Hà Giang, sợi lanh là sợi kết nối với thế giới tâm linh và nguồn cội.

Người dân nơi đây quan niệm, khi một người sang thế giới bên kia mà không có một bộ quần áo lanh thì cả làng và dòng họ sẽ không làm ma cho, người chết sẽ không tìm được đường về với tổ tiên và tổ tiên cũng không tìm được người chết.

Người phụ nữ Mông đi lấy chồng phải có bộ quần áo lanh trong người, để khi bước vào cửa nhà chồng tổ tiên mới nhận và đi làm dâu mới không bị ốm đau.

Làng dệt lanh Lùng Tám - Sắc màu rực rỡ nơi cao nguyên đá Hà Giang - 1

Dệt lanh là nghề truyền thống, mang ý nghĩa tâm linh quan trọng đối với người H'Mong ở Quản Bạ (Ảnh: Mai Vân).

Việc se sợi được làm mọi lúc mọi nơi trong thời gian nhàn rỗi nên phụ nữ hoặc các bé gái người Mông luôn mang theo sợi lanh bên mình.

Để se sợi chắc hơn, người Mông chế một dụng cụ phối hợp nhịp chân và tay, cùng lúc se được nhiều sợi lanh.

Sợi lanh se xong được bó thành từng bó đem ngâm và luộc trong nước tro bếp vài lần để sợi mềm và trắng dần trước khi cho thêm sáp ong vào luộc lần cuối cho sợi mềm và trơn. Các bó sợi sau đó tiếp tục được đặt trên một khúc gỗ tròn, trên đè một tấm đá phẳng.

Người phụ nữ đứng trên tấm đá này, nhún nhảy hai chân để tấm đá lăn trên khúc gỗ có bó sợi cho đến khi sợi lanh mềm hẳn và sáng trắng rồi mới đưa vào khung dệt.

Công đoạn dệt kéo dài hàng tháng trời, vì việc dệt vải thường chỉ được làm khi đã xong việc đồng áng, bếp núc. Vải dệt xong tiếp tục luộc với nước tro vài lần, giặt sạch, phơi khô rồi lại đặt giữa khúc gỗ tròn và tấm đá lăn cho đến khi mềm và phẳng.

Làng dệt lanh Lùng Tám - Sắc màu rực rỡ nơi cao nguyên đá Hà Giang - 2

Dệt lanh gồm nhiểu công đoạn, từ se sợi… (Ảnh: Mai Vân).

Làng dệt lanh Lùng Tám - Sắc màu rực rỡ nơi cao nguyên đá Hà Giang - 3

… tới dệt vải, đều đòi hỏi nhiều thời gian và công sức (Ảnh: Mai Vân).

Vải lanh được nhuộm chàm bằng kỹ thuật độc đáo của người Mông. Thường tấm vải sẽ được nhuộm nhiều lần để cho ra màu ưng ý nhất. Màu vải lanh không rực rỡ nhưng nền nã và khác biệt.

Người Mông cũng sử dụng một số loại lá, gỗ, rễ cây, củ… để cho ra các màu sắc khác, hoàn toàn tự nhiên và bền bỉ theo thời gian.

Cuối cùng là công đoạn vẽ họa tiết. Để làm nên những hoa văn rất riêng trên vải, người Mông dùng bộ bút vẽ (được chế tạo một cách thủ công) chấm vào sáp ong nấu chảy và kẻ lên vải, ban đầu là đường thẳng, rồi đến hình tam giác, trôn ốc, hình đồng tiền, chữ thập, chân chim… Đây là những họa tiết biểu hiện cho thế giới vũ trụ của người Mông

Làng dệt lanh Lùng Tám - Sắc màu rực rỡ nơi cao nguyên đá Hà Giang - 4

Những họa tiết tỉ mỉ được vẽ bằng sáp ong, biểu hiện cho thế giới vũ trụ của người Mông (Ảnh: Mai Vân).

Nghe kể thì không phức tạp, nhưng trên thực tế, phải trải qua 41 công đoạn hoàn toàn thủ công, hết sức tỉ mỉ và kiên nhẫn, tấm vải lanh thổ cẩm Lùng Tám mới thành hình nên dáng...

Kỳ công là thế, một bộ váy áo truyền thống của người Mông có khi phải mất cả năm trời mới hoàn tất nên cũng không lạ khi ngày nay, kỹ thuật se sợi, dệt vải, nhuộm chàm, vẽ họa tiết kiểu truyền thống ngày càng ít thu hút những người Mông trẻ chuộng nhịp sống hiện đại.

Làng dệt lanh Lùng Tám - Sắc màu rực rỡ nơi cao nguyên đá Hà Giang - 5

Phụ nữ H'mong cần tới 41 công đoạn hoàn toàn thủ công mới hoàn thành được 1 tấm vải lanh thổ cẩm (Ảnh: Mai Vân).

Dệt vải lanh không chỉ là nghề truyền thống, mà còn là phương thức giúp bà con H'Mong nơi Quản Bạ có thu nhập ổn định, cuộc sống tốt đẹp hơn.

Năm 2001 khi mô hình hợp tác xã dệt lanh tại đây ra đời, ban đầu chỉ có 10 người sau phát triển đến hơn 100 nhân khẩu, sản xuất đa dạng sản phẩm như vải may mặc, quần áo, túi xách tay, khăn, gối, ví các loại… được dệt, thêu từ chất liệu cây lanh địa phương với những nét hoa văn truyền thống.

Làng dệt lanh Lùng Tám - Sắc màu rực rỡ nơi cao nguyên đá Hà Giang - 6

Các sản phẩm độc đáo, đa dạng tại đây rất được du khách trong và ngoài nước yêu thích (Ảnh: Mai Vân).

Sản phẩm trên của HTX đã đi khắp trong nước và 20 bạn hàng châu Âu (Khối EU), rất được khách hàng ưa chuộng vì nét độc đáo của sản phẩm. Nhờ có hướng đi đúng, những năm gần đây, đời sống của người làm nghề lanh từng bước được cải thiện, đa phần các hộ đã thoát nghèo; điều quan trọng hơn là nghề truyền thống được bà con có ý thức gìn giữ.

Tuy nhiên, hai năm qua (2020, 2021), đại dịch Covid-19 đã khiến làng nghề dệt vải lanh ở Lùng Tám gặp nhiều khó khăn do không có khách du lịch. Điều này cũng khiến nhân sự trong Hợp tác xã dệt vải lanh Hợp Tiến bị thu gọn.

Trong số 23 thợ lành nghề, làm việc thường xuyên tại Hợp tác xã, chỉ có thể giữ lại 6 nghệ nhân cùng một số thợ khác nhận sản phẩm về nhà làm.

Giờ đây, khi dịch bệnh đã được kiểm soát, du lịch dần khôi phục, du khách lại tìm đến cao nguyên đá Hà Giang, hoạt động của HTX lanh đã dần ổn định lại. Khi nghề dệt lanh được phục hồi, ngoài việc phát triển sản xuất, chăn nuôi ở gia đình, chị em ở hợp tác xã vải lanh Lùng Tám có thêm thu nhập từ 1,8-2 triệu đồng/tháng.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm