Làm gì để du lịch Việt Nam trở thành “gà đẻ trứng vàng”?

Việt Nam vốn có thế mạnh để thu hút khách du lịch khi sở hữu nhiều cảnh quan thiên nhiên, di sản văn hóa.

Tuy nhiên, nếu như ở các quốc gia lân cận trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Singapore du lịch được ví như “gà đẻ trứng vàng” thì ở Việt Nam du lịch chưa thể coi là ngành kinh tế mũi nhọn. Phóng viên Báo Hải quan đã có cuộc phỏng vấn TS. Phạm Trung Lương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du Lịch, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch về vấn đề này.

 

Theo ông, du lịch Việt Nam đã phát triển tương xứng với tiềm năng vốn có chưa?

 

Thực tế xét trên nhiều tiêu chí, có thể nói Việt Nam có nhiều điểm vượt trội về tiềm năng. Việt Nam đứng top đầu trong các nước Đông Nam Á về số lượng di sản được thế giới công nhận. Bên cạnh đó, chúng ta còn có một nền văn hóa độc đáo, phong phú, đa dạng. Chúng ta có rất nhiều cảnh quan, bãi biển đẹp, sánh ngang, thậm chí hơn cả những bãi biển nổi tiếng tại Thái Lan hay Malaysia; có những địa điểm du lịch văn hóa thú vị như thủ đô Hà Nội hay phố cổ Hội An; còn có những kì quan du lịch khám phá như hang động Sơn Đoòng, núi Fansipan…

 

TS. Phạm Trung Lương
TS. Phạm Trung Lương



Tuy nhiên việc khai thác của chúng ta chưa thật sự bài bản, chưa đứng dưới góc nhìn của người quy hoạch chuyên nghiệp để khai thác. Cho nên dù có tiềm năng nhưng hiệu quả trong việc kinh doanh du lịch lại chưa cao. Như chỉ số về lượng khách tham quan quốc tế mà chúng tôi đã theo dõi được, khoảng cách về chỉ số này giữa Việt Nam và các nước trong khu vực không thay đổi nhiều từ trước năm 2000 đến nay. Cụ thể, 10 tháng năm 2014, lượng khách du lịch đến Việt nam ước tính đạt 6.608.391 lượt, tăng 8,0% so với cùng kỳ năm 2013. Trong khi đó, con số này tại Thái Lan là 14,4%; Singapore là 9,4%; Malaysia là 28,6%... Nghĩa là mình tiến người ta cũng tiến, nhưng người ta còn tiến nhanh hơn.

 

Vậy nguyên nhân khiến du lịch nước ta “chậm tiến” hơn so với các nước bạn là vì đâu, thưa ông?

 

Nếu ngành du lịch đang dần dần trở thành “gà đẻ trứng vàng” ở nhiều nước thì tại Việt Nam, chúng ta hầu như chưa thể làm được điều này. Theo tôi, “gà” chỉ “đẻ trứng vàng” khi nó được chăm sóc, quan tâm đặc biệt mà thôi. So với các nước khác, ngành du lịch nước ta còn thiếu sót rất nhiều.

 

Đầu tiên là nhận thức của xã hội đối với du lịch. Lấy một ví dụ, khi đặt chân tới Việt Nam, lực lượng làm việc ở sân bay như: Nhân viên Hàng không, Hải quan, Công an cửa khẩu là những người đầu tiên tiếp xúc với du khách. Nếu họ không nhận thức được mình là người đại diện cho Việt Nam, không nhận thức được thái độ của mình có tầm quan trọng như thế nào đối với ấn tượng của khách nước ngoài với Việt Nam thì dù nước ta đẹp đến mấy, giàu tiềm năng đến mấy cũng không hấp dẫn được du khách. Ở nước ngoài họ đã và đang thực hiện rất tốt điều này.

 

Dù đâu đó vẫn còn cảnh đi lẽo đẽo theo khách, lừa đảo, “chặt chém” nhưng mặt bằng chung ấn tượng mà họ tạo ra về hình ảnh đất nước và con người vẫn rất đẹp. Đó là sự khác biệt rõ ràng. Chính việc thiếu chuyên nghiệp, cách làm ngắn hạn đã làm cho du lịch Việt Nam không phát triển được như mong muốn cũng như chưa thể vào top đầu các nước trong khu vực.

 

Đặc biệt, du lịch nước ta còn thiếu chuyên nghiệp trong sự phối hợp giữa các ban ngành. Du lịch chưa có sự kết hợp với ngoại giao, thương mại… nên chưa tạo được sức mạnh tổng hợp. Đó là sự thiếu chuyên nghiệp và thiếu năng lực cả về tài chính, nhân lực cũng như quản lý.

 

Còn một nguyên nhân khác, hiện Nhà nước ta cũng chưa chú trọng đầu tư để ngành du lịch phát triển. Chỉ nói ví dụ trong hoạt động xúc tiến quảng bá, Malaysia trong năm 2013 đã đầu tư trên 150 triệu USD, Thái Lan khoảng 120 triệu USD, Singapore cũng có con số xấp xỉ cho việc quảng bá, thì đất nước mình chỉ hơn 2 triệu USD mà thôi. Một con số quá chênh lệch. Đến nay, Nhà nước mới chỉ chú trọng đầu tư vào hạ tầng du lịch, còn vấn đề về xúc tiến du lịch, đào tạo nhân lực thì hầu như chúng ta bỏ qua.

 

Làm một phép so sánh đơn giản, ở nhiều khu du lịch nổi tiếng, những khách sạn, khu vui chơi nghỉ dưỡng lớn, có tiếng hầu hết đều của các chủ đầu tư nước ngoài. Trong khi những công trình của Việt Nam hoặc của chủ Việt Nam thì không thể phát triển được bằng. Bởi lẽ, người nước ngoài kinh doanh ngành dịch vụ rất chuyên nghiệp.

 

Điều đầu tiên khi đầu tư kinh doanh vào Việt Nam, họ sẽ nhìn vào nguồn khách. Họ luôn luôn đặt ra câu hỏi: “Ai sẽ là người sử dụng dịch vụ này”, từ đó xây dựng cơ sở, các chiến lược phù hợp với nguồn khách đó. Chính vì vậy, dù ở bất cứ thời điểm nào họ vẫn luôn có một nguồn khách ổn định. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa chúng ta không có những nơi đầu tư tốt ví dụ như Vinpearl của Nha Trang chẳng hạn. Những nhà đầu tư đó cũng đi theo những mô hình có hiệu quả trên thế giới và áp dụng thành công. Quan trọng nhất là tư duy của nhà đầu tư là phải tư duy thị trường và khi đã đầu tư thì đầu tư đến nơi đến chốn, không chỉ “phần cứng” mà cả “phần mềm” mà cụ thể ở đây là con người. Đó là tầm nhìn, là yếu tố quan trọng để phát triển du lịch.

 

Theo ông, làm sao để du lịch Việt Nam có thể trở thành “gà đẻ trứng vàng”, trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước trong thời gian tới?

 

Để du lịch phát triển, theo tôi có mấy điểm cần chú trọng:

 

Thứ nhất, đó là phải chú trọng phát triển hạ tầng liên quan đến du lịch. Nhà nước ta phải làm việc này quyết liệt hơn nữa. Nếu Nhà nước xác định du lịch là kinh tế mũi nhọn thì phải đầu tư bởi bản thân du lịch là ngành kinh tế không có đầu tư thì không thể phát triển được.

 

Thứ hai, theo tôi nên tạo điều kiện cho khách quốc tế làm visa dễ dàng, nhanh chóng hơn. Tôi cho rằng trong xu thế hội nhậpphải “mở tung” như các nước khác thì mới hấp dẫn khách du lịch đến được.

 

Thứ ba, chính là hoạt động xúc tiến quảng bá. Thông tin đến với thị trường của của du lịch Việt Nam vẫn còn rất ít. Cách chúng ta làm quảng bá du lịch thiếu chuyên nghiệp, chưa biết dựa vào đặc điểm của thị trường để tiếp thị du lịch. Ví dụ có những thị trường họ thích sản phẩm về mặt văn hóa thì mình phải quảng bá về mặt đó; còn những thị trường khác họ thích về du lịch khám phá, thám hiểm thì mình phải quảng bá theo kiểu tuyên truyền về đất nước cảnh quan. Đấy là cách quảng bá chuyên nghiệp mà mình vẫn chưa làm được.

 

Thứ tư, cách phục vụ trong du lịch cần được nâng cao, đấy là yếu tố quan trọng để chúng ta phát triển ngang với các nước trong khu vực và trên thế giới.

 

Xin cảm ơn ông!

 

Theo Báo Hải Quan