Lạ lùng món "ăn là khoái", giá chỉ đắt hơn cốc trà ở Hải Phòng
(Dân trí) - Thoạt nhìn món ăn này trông khá giống xôi xéo vì thưởng thức kèm đỗ bào nhuyễn và hành phi. Tuy nhiên, đây lại là đặc sản nổi tiếng ở Hải Phòng có màu sắc bắt mắt và hương vị đậm đà.
Nhắc đến Hải Phòng, du khách không chỉ nhớ tới những địa điểm du lịch nổi tiếng mà còn ấn tượng sâu sắc với nền ẩm thực đa dạng của thành phố hoa phượng đỏ.
Bên cạnh những đặc sản "làm nên thương hiệu" như bánh đa cua, bánh mỳ cay, nem cua bể…, ở Hải Phòng còn có nhiều món ăn đường phố với giá thành bình dân lại rất thơm ngon. Một trong số đó không thể không kể tên chính là món cháo khoái.
Không ai rõ cháo khoái xuất hiện từ khi nào, chỉ biết rằng nó đã gắn bó từ lâu với bao thế hệ người dân đất Cảng. Tuy cùng là cháo nhưng món ăn này lại có màu xanh đẹp mắt, khác biệt với các món cháo trắng truyền thống.
Để tạo nên màu xanh dịu, hấp dẫn cho cháo, người địa phương sử dụng lá rau ngót tươi rửa sạch rồi đem xay nhuyễn, vắt lấy nước cốt. Khi nấu cháo gần chín mới bắt đầu đổ chút nước rau ngót vào với lượng vừa phải để món ăn có màu xanh nhạt chứ không quá đậm.
Ở một số nơi, cháo khoái còn được nấu từ lá nếp (lá dứa) để tạo màu xanh độc đáo và làm dậy mùi thơm nức mũi. Cũng nhờ thành phần nguyên liệu là rau ngót hay lá nếp mà món ăn trở nên bổ dưỡng hơn với các chất dinh dưỡng có trong rau xanh.
Không chỉ có màu sắc hấp dẫn mà quá trình chế biến cháo khoái cũng đòi hỏi kỳ công và sự tinh tế, khéo léo của người nấu. Thay vì nấu từ gạo nguyên hạt, người ta phải chọn loại gạo tẻ thơm, đem xay thành bột mịn để làm cháo khoái.
Cách nấu này khá giống cháo sườn của người Hà Nội nhưng vẫn tạo nên hương vị khác biệt cho món cháo khoái đất Cảng. Nhờ chế biến từ bột mịn mà cháo vừa có độ sánh mịn, vừa dậy mùi thơm dễ chịu của gạo tẻ được rang xay kỹ càng.
Tuy là món ăn được bán chủ yếu trên đường phố với giá thành bình dân nhưng để làm ra được bát cháo khoái sánh mịn và thơm ngon cũng đòi hỏi sự kỳ công không kém các đặc sản nổi tiếng nào khác.
Gạo tẻ phải xay nhuyễn thành bột mịn. Xương lợn được rửa sạch, hầm kỹ với lửa nhỏ liu riu. Một mẹo nhỏ để nước ninh xương có độ trong và thơm là khi ninh xương không đậy kín vung. Bên cạnh đó phải thường xuyên hớt lớp bọt nổi trên bề mặt nồi nước.
Khi xương hầm đã chín kỹ, ra hết nước ngọt thì vớt xương ra rồi đổ từ từ bột gạo vào, vừa đổ vừa khuấy nhẹ tay để bột chín đều, tránh tình trạng bị vón cục.
Người nấu để ý thấy cháo gần chín mới thêm nước rau ngót hoặc lá dứa (lá nếp) vào, khuấy đều rồi nêm nếm gia vị vừa ăn. Phần nước tạo màu này phải cho vào cháo đúng thời điểm thích hợp để món ăn thơm và ngon.
Bên cạnh đó, cháo khoái còn có cách thưởng thức đặc biệt, không lẫn với bất kỳ món cháo nào. Đó là thực khách sẽ ăn cháo kèm với đỗ xanh xay nhuyễn và hành phi thơm lừng, khá giống với cách thưởng thức xôi xéo của người Hà Nội.
Đỗ xanh xát vỏ đem hấp chín rồi tán nhuyễn, nặn thành từng viên lớn. Hành tím thái nhỏ, phi thơm vàng giòn. Khi ăn, người bán múc cháo ra bát rồi dùng dao xắt lớp đậu xanh thật mỏng phủ lên trên. Cuối cùng là thêm hành khô rồi trộn đều các nguyên liệu lên và thưởng thức.
Phần cháo sánh mịn, đậm đà vị xương ninh, hòa quyện với chút bùi, béo của đỗ xanh và mùi thơm lừng của hành phi vàng ruộm khiến thực khách dễ dàng thưởng thức và thích thú.
Cháo khoái có thể thưởng thức quanh năm nhưng ngon nhất là vào mùa đông và ăn khi còn nóng hổi. Những bát cháo nghi ngút khói, có vị ngọt của nước xương ninh hòa quyện trong vị thanh mát của rau ngót cứ thể trở thành thức quà chiều của người Hải Phòng.
Nếu có dịp ghé thăm Hải Phòng, du khách có thể thưởng thức đặc sản cháo khoái ở những quán ăn ven đường, trên những gánh hàng rong hay trong các khu chợ truyền thống. Mỗi suất cháo khoái có giá khoảng 15.000 đồng.