Bình Định:

Kỳ thú du lịch ở làng “4 động 3 đèo”

Doãn Công

(Dân trí) - Thôn Vĩnh Hội (xã Cát Hải, huyện Phù Cát, Bình Định) này chẳng còn xa lạ với du khách gần xa, không chỉ bởi vẻ đẹp hoang sơ mà còn lôi cuốn du khách với tên gọi ví von “4 động 3 đèo”.

Kỳ thú Vĩnh Hội

Cách trung tâm TP Quy Nhơn (Bình Định) khoảng 30km về hướng bắc, theo trục đường biển Nhơn Hội - Tam Quan, làng Vĩnh Hội (xã Cát Hải, huyện Phù Cát, Bình Định) nằm nép mình dưới chân dãy núi Bà sừng sững kéo ra tận biển.

Kỳ thú du lịch ở làng “4 động 3 đèo” - 1
Làng Vĩnh Hội (xã Cát Hải, huyện Phù Cát, Bình Định) có tiềm năng phát triển du lịch, nghỉ dưỡng.

Ấn tượng đầu tiên khi đến Vĩnh Hội chúng tôi có cảm nhận một làng quê mang vẻ đẹp bình yên, giản dị. Bởi, nơi đây có núi, có biển và có cả những cánh đồng hoa màu quanh năm mơn mởn.

Theo người dân, địa thế ở Vĩnh Hội rất độc, trước mặt là biển, sau lưng núi cao, 2 dãy đèo đá như cánh tay ôm lấy ngôi làng. Trước làng có 1 hòn đảo nhỏ gọi là đảo Cân Cỏ có nhiều cá biển, san hô…

Ông Mai Hữu Khoác (72 tuổi, làng Vĩnh Hội), kể rằng: “Làng Vĩnh Hội vốn được mệnh danh là vùng đất “4 động 3 đèo”. Vùng đất vừa có núi, có biển, có đồng ruộng nên người dân làm nhiều nghề khác như làm nông, đi biển đánh bắt… Xưa kia, người làng dùng rơm rạ, cỏ tranh trộn với đất để dựng nhà cửa, dần về sau mới có những ngôi nhà mái ngói”.

Kỳ thú du lịch ở làng “4 động 3 đèo” - 2
Trên dãy núi Bà có những giai thoại ly kỳ như "hòn vọng phu", chuyện "ông Héc"

Theo ông Khoác, trong kháng chiến chống Mỹ, làng Vĩnh Hội còn là một cứ điểm cách mạng ác liệt. Đây là nơi ẩn náu an toàn nhất để bộ đội ta đợi thời cơ mở “đường máu” đánh phá các cứ điểm quân sự của Mỹ ở Quy Nhơn.

Ngoài ra, làng còn có nhiều giai thoại về đá rất kỳ thú và mang nhiều ẩn ý của người xưa. Bởi thế, người ngoài hay đồn thổi rằng đá núi ở Vĩnh Hội đều biết yêu, biết hờn dỗi, biết than khóc...

Kỳ thú du lịch ở làng “4 động 3 đèo” - 3
Vĩnh Hội có núi, có bờ biển đẹp...

Chúng tôi cũng được ông Khoác kể cho nghe về giai thoại “hòn vọng phu” trên đỉnh núi Bà hay câu chuyện “ông Héc” gánh heo, vịt, trầu cau đi qua núi hỏi vợ không thành cũng hóa thành tảng đá. Từ đó mỗi khi có gió bão, đá ông Héc lại hú lên rền vang trời đất như người đàn ông đang hờn dỗi người tình. Mỗi khi ông Héc hú là dân làng biết sắp có bão lớn ngoài biển để chủ động tránh trú…

Điểm đến hấp dẫn

Vĩnh Hội không chỉ có “đặc sản” những núi đá với những hình thù đẹp và lạ mà còn có bãi biển hoang sơ với bờ cát dài, phẳng, thoai thoải. Đặc thù bãi ngang, biển không có những con thuyền lớn phía khơi xa, song lại có những chiếc thuyền thúng xếp dài trên bờ cát. Những ghềnh đá nhấp nhô đã phủ đầy rêu xanh. Tất cả tạo nên một bức tranh sơn thủy hữu tình.

Kỳ thú du lịch ở làng “4 động 3 đèo” - 4
Dọ tuyến đường ven biển từ Cát Hải đi thị xã Hoài Nhơn

Theo UBND huyện Phù Cát, từ những năm 2010 đến nay, tỉnh Bình Định đã quan tâm đầu tư hạ tầng, không ngừng kêu gọi các dự án du lịch, nghỉ dưỡng đầu tư vào xã Cát Hải. Mới đây, địa phương khởi công đầu tư con đường quốc lộ ven biển để khơi thông tuyến du lịch từ Cát Tiến đi qua Cát Hải và kết nối với khu đô thị Nam đầm Đề Gi cùng các khu đô thị biển ở thị xã Hoài Nhơn.

Kỳ thú du lịch ở làng “4 động 3 đèo” - 5
Người dân Vĩnh Hội vừa đi biển vừa làm hoa màu

Ông Đỗ Văn Ngộ, Bí thư huyện ủy Phù Cát cho rằng: “Với những lợi thế mà thiên nhiên đã ban tặng, trong tương lai gần vùng phía Đông Phù Cát sẽ trở thành một địa điểm du lịch, đô thị biển và trung tâm kinh tế biển bậc nhất ở Bình Định. Từ đây, người dân ở Vĩnh Hội cũng như các ngôi làng lân cận sẽ được hưởng lợi lớn, đời sống ngày càng sung túc…”.

Tuy nhiên, nhiều người dân ở Vĩnh Hội cũng lo lắng, khi du lịch phát triển, nhiều người dân ở Vĩnh Hội phải di dời để nhường đất cho các dự án.

Kỳ thú du lịch ở làng “4 động 3 đèo” - 6
Ở Vĩnh Hội, xã Cát Hải nổi tiếng với trồng hành, đậu phụng (lạc).

Ông Võ Tấn Đức, Bí thư chi bộ thôn Vĩnh Hội cho biết: “Phát triển là điều tất yếu, ai cũng mừng vì điều đó. Nhưng đối với người dân Vĩnh Hội, họ đã gắn bó với mảnh đất này và vượt qua biết bao khó khăn, chế ngự đất đai để sống bền vững tại đây. Giờ chưa kịp hưởng thì sắp tới phải dời đi để nhường chỗ cho các dự án du lịch, nghỉ dưỡng. Nhiều hộ dân vẫn mong mỏi được tái định cư tại chỗ để có thể hưởng lợi được từ những dự án du lịch vừa gắn bó với quê cha đất tổ…”.