Kỷ niệm 25 năm Mỹ Sơn và Hội An được công nhận Di sản văn hóa thế giới

Công Bính Ngô Linh

(Dân trí) - Trong 2 ngày 3-4/12, Ban Quản lý khu đền tháp Mỹ Sơn và UBND thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam tổ chức kỷ niệm 25 năm được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới (4/12/1999-4/12/2024).

Cách đây 25 năm, ngày 4/12/1999, khu đền tháp Mỹ Sơn (huyện Duy Xuyên) và đô thị cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam được UNESCO vinh danh Di sản văn hóa của nhân loại.

Ông Đặng Hữu Phúc - Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên - cho rằng, đây là sự khẳng định những giá trị đỉnh cao về lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật của nền văn minh Chămpa, từng phát triển rực rỡ trong lịch sử nhân loại. 

Kỷ niệm 25 năm Mỹ Sơn và Hội An được công nhận Di sản văn hóa thế giới - 1

Múa Chăm ở khu đền tháp Mỹ Sơn (Ảnh: Thanh Dũng).

"Những giá trị văn hóa độc đáo, danh hiệu cao quý này cần được phát huy, khai thác hiệu quả, đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương; bảo tồn và lưu giữ cho mai sau", ông Phúc phát biểu.

Trong 25 năm qua, khu đền tháp Mỹ Sơn được nhận được sự quan tâm của Đảng, nhà nước, sự hỗ trợ cả về tài chính, nhân lực và công nghệ của các tổ chức quốc tế và các nước…. Tỉnh Quảng Nam, chính quyền huyện Duy Xuyên, cộng đồng đã có nhiều đóng góp hết sức tích cực, chung tay gìn giữ, bảo tồn di sản vô giá này cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Kỷ niệm 25 năm Mỹ Sơn và Hội An được công nhận Di sản văn hóa thế giới - 2

Sáng 4/12, thành phố Hội An tổ chức diễu hành chào mừng kỷ niệm 25 năm ngày được UNESCO vinh danh (Ảnh: TP Hội An).

Đối với đô thị cổ Hội An, trong 25 năm qua từ khi được UNESCO vinh danh, thành phố Hội An đã huy động được cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của cộng đồng trong việc chăm lo, giữ gìn di sản.

Năm 1999-2019, thông qua ngân sách nhà nước và các nguồn tài trợ lên đến 167 tỷ đồng, đã có 300 di tích xuống cấp nghiêm trọng được tu bổ; từ năm 2015 đến nay, đã có gần 100 di tích khác do nguồn ngân sách của tỉnh, thành phố bỏ ra 60% và nguồn đóng góp rất lớn không thể thống kê được từ người dân.

Thành phố Hội An đã có nhiều nỗ lực bảo tồn và phát huy hơn 50 nghề thủ công truyền thống, trong đó có 6 nghề được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Kỷ niệm 25 năm Mỹ Sơn và Hội An được công nhận Di sản văn hóa thế giới - 3

Hội An luôn là điểm đến yêu thích của du khách trong và ngoài nước (Ảnh: Ngô Linh).

Bên cạnh nghệ thuật bài chòi được UNESCO công nhận Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, năm 2023, lễ hội Tết Nguyên Tiêu và lễ hội Tết Trung Thu ở Hội An được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Đặc biệt tháng 10/2023, thành phố Hội An đã chính thức được ghi danh vào Mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO.

Trong xu thế phát triển hiện nay, di sản đô thị cổ Hội An đang đối mặt với nhiều nguy cơ, thách thức về quá trình đô thị hóa, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, công tác quản lý không theo kịp tốc độ phát triển du lịch.

Điều đó đã đặt ra cho cả hệ thống chính trị thành phố và đội ngũ những người làm công tác bảo tồn, phát huy di sản Hội An nhiều trăn trở.

Ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch TP Hội An - cho hay, thực hiện định hướng chung của tỉnh Quảng Nam, quy hoạch chung đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 của thành phố Hội An xác định 3 trụ cột là sinh thái, văn hóa và du lịch mang tầm vóc quốc gia, mang đặc thù về văn hóa, sinh thái, cảnh quan và môi trường, du lịch; thành phố đáng sống, chất lượng cao.