Kỳ lạ bộ tộc đào mộ người thân đã khuất để thay trang phục mới rồi chụp ảnh
(Dân trí) - Trong nghi lễ đặc biệt này, các thành viên trong gia đình lại tới dọn rửa mộ phần, thay trang phục mới cho người đã khuất và chụp hình cùng nhau.
Cứ vài năm một lần, nghi lễ Manene của người Toraja ở phía nam Sulawesi, Indonesia, lại được tổ chức. Đây là một cộng đồng dân tộc thiểu số sống trên các ngọn núi phía nam hòn đảo này.
Từ nhiều đời nay, người Toraja tin rằng, ranh giới giữa sự sống và cái chết chỉ là một phần trong hành trình rộng lớn vào thế giới tâm linh. Theo phong tục truyền thống, họ sẽ bảo quản thi thể người đã khuất trong nhà cho tới khi tiết kiệm đủ tiền để tổ chức một đám tang cầu kỳ.
Trước kia, người chết được ướp xác bằng cách tự nhiên gồm giấm chua và lá trà. Ngày nay, nhiều gia đình đã chuyển sang dùng formaldehyde. Sau khi tang lễ được tổ chức, cứ vài năm một lần, người dân sẽ thực hiện nghi lễ Manene với mong muốn các linh hồn sẽ phù hộ cho người còn sống.
Thông thường, lễ Manene diễn ra vào tháng 7 hoặc tháng 8. "Khi thực hiện nghi lễ, chúng tôi sẽ bắt đầu bằng việc mở nắp ngôi mộ, lau dọn xung quanh. Sau đó, chúng tôi sẽ phơi khô thi thể người thân đã khuất dưới ánh nắng trước khi thay trang phục mới", ông Sulle Tosae, một người dân địa phương, chia sẻ.
Những du khách lần đầu chứng kiến cảnh tượng này có thể thấy "nổi da gà" vì sợ, nhưng đối với người Toraja, họ coi đây là một trong các sự kiện quan trọng trong đời, thể hiện sự tôn kính với tổ tiên và người thân đã mất.
Sau khi thay quần áo mới, một số thi thể còn được đeo thêm trang sức, thuốc lá và chụp hình cùng người thân trong gia đình. Nghi lễ kết thúc, thi thể sẽ được đưa lại phần mộ như trước.
"Đây còn là nghi thức giúp người quá cố phù hộ cho con cháu trong nhà sống bình an, hạnh phúc. Những lễ vật dâng lên thể hiện sự biết ơn của chúng tôi dành cho tổ tiên", ông Rahman Badus, trưởng làng bày tỏ.
Nếu may mắn, các du khách có thể tận mắt chứng kiến nghi lễ này. Tuy nhiên, ông Badus trưởng làng cho rằng, một số gia đình đã tổ chức "quá đà".
"Thi thể người đã mất cần được đối xử với sự tôn kính nhất trong nghi lễ. Nếu thiếu đi sự tôn trọng sẽ để lại hậu quả", ông nói.