1. Dòng sự kiện:
  2. Du lịch nghỉ lễ 2/9
  3. Đoàn 4.500 khách của tỷ phú Ấn Độ đến Việt Nam

Khu vực đặc biệt nhất Tử Cấm Thành, chỉ giới Hoàng tộc mới được bước vào

Huy Hoàng

(Dân trí) - Một trong những khu vực đặc biệt nhất Tử Cấm Thành phải kể tới những hầm băng, nơi được sử dụng để bảo quản đồ ăn, phục vụ cuộc sống nơi cấm cung vào mùa hè.

Tử Cấm Thành vốn là khu phức hợp cung điện ở khu Đông Thành thuộc Bắc Kinh, Trung Quốc, với tổng diện tích lên tới 720.000 m2.

Đây là nơi ở của giới hoàng tộc thuộc hai triều đại phong kiến nhà Minh và nhà Thanh. Khu di tích được UNESCO xếp vào loại quần thể cổ bằng gỗ lớn nhất thế giới và được công nhận là Di sản thế giới năm 1987. Hiện tại, địa danh này là một trong những điểm đến hút khách bậc nhất tại Trung Quốc.

Ngày nay, một trong những khu vực đặc biệt nhất Tử Cấm Thành thu hút khách tham quan phải kể tới hầm băng - nơi bảo quản để quản thực phẩm tươi mát quanh năm, phục vụ Hoàng đế, phi tần và các vị đại thần.

Khu vực đặc biệt nhất Tử Cấm Thành, chỉ giới Hoàng tộc mới được bước vào - 1
Hầm băng ngày nay được cải tạo thành nhà hàng phục vụ khách (Ảnh: WK).

Những căn hầm băng được làm từ băng đá lâu năm, được xây bán ngầm. Một phần trên mặt đất và một phần nằm sâu khoảng 5m dưới lòng đất. Tại cổng Long Tông chếch về phía tây nam là công trình như thế.

Trên thực tế, việc xây dựng các hầm băng để lưu trữ đá đã có lịch sử lâu dài. Theo sử sách cổ ghi lại, từ thời Tây Chu xuất hiện phương pháp lưu trữ băng đá tương tự. Đó là vào mùa đông, khi các dòng sông bị đóng băng, người ta sẽ cắt lấy những khối băng, dùng phương pháp đặc biệt cất giữ trong hầm và để sử dụng vào dịp hè.

Khu vực đặc biệt nhất Tử Cấm Thành, chỉ giới Hoàng tộc mới được bước vào - 2
Tử Cấm Thành hiện là một trong những điểm đến hút khách bậc nhất tại Trung Quốc (Ảnh: Trip).

Hầm băng của Tử Cấm Thành được xây từ thời Vĩnh Lạc của nhà Minh. Nhưng tới cuối triều đại nhà Minh, những hầm băng từng bị bỏ hoang. Không lâu sau khi nhà Thanh lên ngôi, lập kinh đô tại Bắc Kinh, Tử Cấm Thành cũng như những cơ sở hạ tầng xung quanh được khôi phục trở lại, trong đó có các hầm băng.

Theo ghi chép lịch sử sau này, trong triều đại nhà Thanh, một số hầm băng còn chứa cả đá viên. Vào mùa đông, khi Hoàng đế cùng phi tần tận hưởng sự ấm áp trong các cung điện, thì những người làm việc ở Bộ Thủy phải làm việc xuyên giá rét.

Hàng năm sau ngày lập đông, các con hào bao quanh Tử Cấm Thành được làm sạch. Sau đó, nguồn nước sạch được dẫn vào đây để dự trữ lượng nước lớn, dần hình thành những khối băng khổng lồ.

Sau đó, thái giám sẽ chọn ra phần đá tinh khiết nhất mang vào cung để Hoàng đế dùng dần trong mùa hè. Băng đá được đưa vào cung rất nhiều, nhưng để trữ được qua đông, xuân, sang tới hè thì phải đặt chúng trong hầm băng.

Các bức tường trong hầm băng dày khoảng 2m, nên khi bước chân vào đây có cảm giác như ngày đông. Bên trong hầm rộng khoảng 6,3m, dài 11,03m. Sàn nhà lát bằng những tảng đá lớn. Gạch và đá xây xen kẽ nhau thành những bậc thang trong hầm.

Khu vực đặc biệt nhất Tử Cấm Thành, chỉ giới Hoàng tộc mới được bước vào - 3
Băng được vận chuyển vào hầm (Ảnh: Sina).

Cứ vào dịp đông, những khối đá tinh khiết nhất được vận chuyển vào hầm. Một khối băng to có thể cắt nhỏ, chia thành 5.000 khối bé, dùng hàng ngày.

Thực phẩm từ các nơi cống nạp đưa tới đều được cất giữ trong hầm băng, giúp bảo quản thời gian lâu hơn. Các hầm băng luôn đóng cửa. Chỉ tới mùa hè, nơi này mới mở ra để Hoàng đế hoặc các phi tần sử dụng như nơi tránh nóng.

Khu vực đặc biệt nhất Tử Cấm Thành, chỉ giới Hoàng tộc mới được bước vào - 4
Biển báo tham quan hầm băng trong Tử Cấm Thành (Ảnh: News).

Dưới triều đại nhà Thanh, việc sử dụng hầm băng được quy định nghiêm ngặt, không được tùy ý ra vào. Sau này, khi Tử Cấm Thành đã trở thành điểm tham quan, Ban quản lý bảo tàng Cố Cung đã chuyển đổi hầm băng thành nhà hàng để du khách có cơ hội tận mắt chiêm ngưỡng bàn tay và khối óc sáng tạo của người xưa.