Khốn khổ vì dịch: HDV du lịch phải chạy bàn, mở quán nước mưu sinh

Phương Linh

(Dân trí) - Vắng khách, không có tour do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến nhiều hướng dẫn viên du lịch rơi vào tình cảnh không có việc làm.

Để có thu nhập trang trải cuộc sống, nhiều hướng dẫn viên phải chuyển sang làm đủ nghề từ phục vụ bàn, bán hàng đến chạy xe ôm công nghệ, tư vấn bảo hiểm…

Hướng dẫn viên du lịch "toát mồ hôi", xoay đủ nghề kiếm sống

Anh Nguyễn Hoàng Ninh, một hướng dẫn viên du lịch tiếng Trung, đã phải chấp nhận tạm dừng công việc yêu thích từ cuối tháng 2, khi dịch mới bùng phát tại Việt Nam. Những ngày tháng qua, cuộc sống của anh bị ảnh hưởng nhiều.

Thời gian đầu khi nghỉ việc, anh Ninh phải chuyển sang làm phục vụ bàn tạm thời với mức lương ít ỏi tại một quán cơm để có thu nhập duy trì cuộc sống.

Hiện tại, anh đã chuyển sang làm việc về mảng sản xuất tại một công ty của Trung Quốc ở Việt Nam.

“Thu nhập của tôi bây giờ có phần tạm ổn hơn so với lúc làm phục vụ bàn. Tuy nhiên, nó vẫn chưa thể ổn định được. Tôi cũng đang có ý định chuyển dần sang dẫn tour khách nội địa nhưng phải đến sang năm, khi tình hình đã ổn hơn”, anh Ninh cho biết.

Khốn khổ vì dịch: HDV du lịch phải chạy bàn, mở quán nước mưu sinh - 1
Anh Ninh trong lần dẫn đoàn khách tham quan Ninh Bình trước thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát. Ảnh: NVCC.

Cũng chuyển sang làm thêm nhiều nghề khác nhau trong thời điểm dịch bệnh bùng phát, thế nhưng, anh Hứa Triển Xuân, hướng dẫn viên du lịch tại công ty Triều Hảo, may mắn hơn khi anh vừa mới được đi dẫn tour nội địa trở lại.

“Thời điểm dịch bùng phát, vắng khách, không dẫn tour, nhiều hướng dẫn viên du lịch trong công ty đã phải chuyển sang làm nhiều nghề khác nhau như bán khẩu trang, bán trái cây nhập khẩu… Một số thì về quê, số còn lại chuyển sang tư vấn bảo hiểm. Ngoài ra, cũng có người chuyển qua chạy xe ôm công nghệ”, anh Xuân chia sẻ.

Do lúc làm hướng dẫn viên du lịch anh Xuân cũng dành dụm được ít vốn nên trong thời điểm hiện tại cuộc sống của anh không quá bị ảnh hưởng.

Trong thời gian này, anh Xuân cũng làm thêm nghề tư vấn bảo hiểm và mở một quán nhỏ bán các loại đồ uống vào buổi tối. “Mình muốn làm thêm một số công việc mới, vừa để có thêm thu nhập, vừa đỡ lãng phí thời gian rảnh rỗi”, anh Xuân nói.

Khốn khổ vì dịch: HDV du lịch phải chạy bàn, mở quán nước mưu sinh - 2
Quán bán nước nhỏ của anh Xuân. Ảnh: NVCC.

Anh Xuân cũng cho biết, lúc đầu khi mới mở quán bán nước cũng có chút khó khăn bởi anh chưa làm công việc này bao giờ, không quen với việc bưng bê.

“Dù có làm nhiều công việc khác nhau nhưng tất cả mình đều làm được, đều bán được, đều làm tốt. Nó tạo động lực cho chính bản thân mình rằng, chỉ cần nghiêm túc thì không gì là không làm được. Mình cũng sẽ không từ bỏ nghề đã gắn bó suốt hơn 10 năm qua. Thời gian tới, có thể mình sẽ vừa dẫn đoàn vừa kết hợp tư vấn bảo hiểm cho khách”, anh Xuân nói thêm.

Khốn khổ vì dịch: HDV du lịch phải chạy bàn, mở quán nước mưu sinh - 3
Anh Xuân trong một lần dẫn tour. Ảnh: NVCC.

Là một hướng dẫn viên du lịch chuyên dẫn tour cho khách nước ngoài vào Việt Nam và dẫn khách Việt Nam đi ra nước ngoài, anh H.T cũng trong tình trạng mất việc làm giống nhiều đồng nghiệp khác.

Thời gian vừa qua, anh H.T cũng đi xin việc thử ở một vài chỗ nhưng do công việc trước đây là hướng dẫn viên du lịch nên nhiều nơi ngại nhận vì không có tính lâu dài.

“Mình đã nghỉ dẫn tour từ cuối tháng 3. Giờ nhiều lúc cũng thấy cuồng chân, mọi khi ở nhà chưa được 3-4 ngày đã lại đi, nay nghỉ ở nhà tận 6 tháng liền. Trong thời gian này, mình cũng tìm thêm các lớp học về pha chế, một phần để không lãng phí thời gian, phần cũng vì đam mê”, anh H.T chia sẻ.

Vừa qua, anh H.T mới nhận được 1 triệu đồng tiền hỗ trợ ảnh hưởng dịch Covid-19 từ gói 62.000 tỷ của Chính phủ. Để có thêm thu nhập, anh H.T cũng bán thêm một số loại trái cây, mật ong và cà phê.

“Thay vì bỏ phí thời gian chờ dịch qua đi, thời gian này những hướng dẫn viên như mình có thể làm thêm hoặc học thêm một thứ gì đó yêu thích mà trước đây chưa có cơ hội được thử sức. Dù sao đây cũng là một trải nghiệm đáng nhớ sau này”, anh H.T chia sẻ.

Mặc dù thời gian này rất khó khăn đối với những người làm trong ngành nghề liên quan tới du lịch nói chung và hướng dẫn viên du lịch nói riêng nhưng cả anh Ninh, anh Xuân và anh H.T đều hy vọng rằng, mọi thứ sẽ mau chóng qua đi, mọi chuyện sẽ tốt đẹp trở lại. 

30.000 hướng dẫn viên trên cả nước đang gặp khó khăn 

Trao đổi với PV Dân Trí, ông Bùi Văn Dũng – Phó Chủ tịch thường trực Hội Hướng dẫn viên Du lịch Việt Nam cho biết, khoảng 30.000 hướng dẫn viên du lịch trên cả nước đang rơi vào tình trạng khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

“Hiện nay, riêng đối với hướng dẫn viên du lịch inbound và outbound gần như mất việc 100%. Đối với hướng dẫn viên du lịch nội địa vào tháng 5 và tháng 6 vừa rồi cũng có một số hướng dẫn viên có làm.

Tuy nhiên, khi đến cuối tháng 7 dịch bùng phát lần hai, nhiều khách đã hủy tour, kể cả tour đến những địa điểm không có dịch. Do đó, hướng dẫn viên nội địa cũng bị ảnh hưởng theo. Số lượng người còn có việc làm là rất ít”, ông Dũng cho hay.

Cũng theo ông Dũng, số lượng hướng dẫn viên du lịch được nhận tiền hỗ trợ ảnh hưởng dịch Covid-19 từ gói 62.000 tỷ của Chính phủ không nhiều.

“Ngay cả TP HCM, nơi có số lượng hướng dẫn viên du lịch đông nhất cả nước, cũng chưa đến 10 người được nhận tiền trợ cấp”, ông Dũng nói.

Giải thích về vấn đề này, ông Dũng cho biết, tên nghề hướng dẫn viên du lịch chưa được đưa ghi cụ thể vào Nghị quyết 42 của Chính phủ nên trong quá trình các cấp xã, phường tiếp nhận đơn xảy ra tình trạng mỗi nơi hiểu theo một kiểu khác nhau. Có nơi tiếp nhận đơn, có nơi thì từ chối.

Ngoài ra, trong Nghị quyết 42 cũng đưa ra nội dung hỗ trợ người lao động có thu nhập thấp. Tuy nhiên, khi khai báo nhiều hướng dẫn viên du lịch lại có thu nhập cao hơn.

Để hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch, ông Dũng cũng cho biết, trong thời gian này Hội đã miễn lệ phí gia nhập của hội viên trong năm 2020. Ngoài ra, các chi hội lớn cũng đã vận động các nhà tài trợ hỗ trợ lương thực, quần áo, tiền… đến các hướng dẫn viên gặp khó khăn.

Khốn khổ vì dịch: HDV du lịch phải chạy bàn, mở quán nước mưu sinh - 4

Khoảng 30.000 hướng dẫn viên du lịch trên cả nước đang rơi vào tình trạng khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ảnh minh họa 

Đồng thời, Hội cũng có đề xuất với các cơ quan nhà nước hỗ trợ khóa đào tạo nâng cao nghiệp vụ cho các hội viên để khi hết dịch họ có năng lựa chuyên môn tốt hơn.

Hội cũng đề xuất nhà nước hỗ trợ cho các hướng dẫn viên du lịch vay tiền để tổ chức kinh doanh các ngành nghề khác trong lúc đợi hết dịch và hỗ trợ cho các hướng dẫn viên trong thời gian cách ly y tế…

Theo ông Dũng, trong thời gian vừa qua không ít hướng dẫn viên du lịch đã phải bỏ nghề và chuyển sang làm nghề khác để có thể duy trì cuộc sống. Số còn lại đang cố gắng cầm cự với số tiền tiết kiệm dành dụm được trong nhiều năm làm nghề.

“Tình trạng thiếu hụt hướng dẫn viên du lịch có thể xảy ra vì trong thời gian nghỉ dịch nhiều người đã chuyển sang làm các ngành nghề khác. Khi họ đã làm ổn định với công việc mới rồi sẽ không muốn quay trở lại làm nghề nữa”, ông Dũng nhận định.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm