Bình Định:
Khám phá vẻ đẹp hoang sơ đầy bí ẩn làng chài Hải Minh
(Dân trí) - Với thắng cảnh thiên nhiên còn hoang sơ, núi non trùng điệp, biển ôm núi, làng chài Hải Minh (TP Quy Nhơn, Bình Định), còn mang những ẩn tích xưa bí ẩn là trải nghiệm thú vị cho du khách đến với địa danh mới này.
Tọa lạc trên bán đảo Phương Mai, làng chài Hải Minh (khu vực 9, phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn, Bình Định), chỉ 15 phút đi đò máy vượt sóng biển du khách sẽ đặt chân lên làng chài Hải Minh. Ngồi trên con đò, một làng chài bình yên nằm phía trước, phía xa trên dãy núi Phương Mai tượng đài Đức Thánh Trần Hưng Đạo sừng sững, uy nghiêm chỉ tay về hướng biển.
Tượng đài Đức Thánh Trần Hưng Đạo – Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn (1228 -1300), được xây dựng năm 1972, cao trên 30m, Di tích này được UBND tỉnh Bình Định xếp hạng năm 2007. Bức tượng, trong tư thế oai phong đứng trên thuyền rồng ở trận Bạch Đằng giang chỉ huy, trang phục áo giáp, mũ sắt, chân trái đứng trụ, chân phải gác lên mạn thuyền, tay trái chạm kiếm, tay phải chỉ thẳng về phía trước. Bốn mặt của chân tượng, đều trang trí phù điêu về cuộc đời, sự nghiệp của tác giả bài “Hịch tướng sĩ” hùng tráng thuở nào.
Sau khi thăm và chụp hình lưu niệm tại tượng đài vị anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo, du khách tiếp tục hành trình đầy thử thách, vượt qua con đường mòn khúc khuỷu, chinh phục núi Đá Đen (núi Tam Tòa) tận mắt chứng kiến dấu tích Tường Lũy xưa với nhiều giá trị lịch sử, văn hóa.
Tại đây, vẫn còn sót lại hiếm hoi đoạn Tường Lũy dài khoảng vài chục mét, cao khoảng 0,6m đến 1m, mặt rộng khoảng 0,6m, được xếp bằng đá chồng lên nhau rất kiên cố. Theo các bậc cao niên trong làng, Tường Lũy này có từ thời nhà Nguyễn, điểm bắt đầu của Tường Lũy có thể từ tượng Đức Thánh Trần trải dài qua đỉnh núi Đá Đen. Qua thời gian dài, chiến tranh rồi tác động của thiên nhiên, con người nên Tường Lũy đã không còn nguyên trạng như xưa.
Dưới chân núi Tam Tòa còn có phế tích đền thờ cổ nằm trong làng chài Hải Minh được cho là nơi thờ Uy Minh vương Lý Nhật Quang. Hiện di tích này còn lại một cổng tam quan, phía sau là dấu vết tường xây bằng vôi, gạch đá ong… Đặc biệt, trước cổng có ngôi mộ một con cóc kỳ là mà xung quanh ngôi mộ có nhiều câu chuyện ly kỳ.
Cụ Nguyễn Đông (83 tuổi làng Hải Minh), người trông coi, quét dọn tại Di tích kể: “Từ nhỏ sinh sống ở đây đã có điện thờ Tam Tòa, nhưng người dân địa phương thường gọi là Dinh Bà. Dinh Bà linh thiêng lắm, người dân thờ cúng thường xuyên để cầu mong dân làng bình an, đi biển thuận buồn xuôi gió”.
Di tích núi Tam Tòa được Bộ VH-TT công nhận Di tích lịch sử vào năm 1988. Tuy nhiên, đền thờ Uy Minh vương có từ thời Chiêm Thành đã mất dấu tích kiến trúc xưa.
Du lịch làng chài Hải Minh, du khách không chỉ khám phá vẻ đẹp thiên nhiên còn hoang sơ, khám vẻ đẹp bí ẩn mà còn cảm nhận được sự mến khách của những người dân chài chân chân, thật thà.
Một số hình ảnh PV Dân trí ghi lại ở làng chài Hải Minh (TP Quy Nhơn, Bình Định), nằm trên bán đảo Phương Mai:
Doãn Công