An Giang:

Khám phá “hồ nước trời ban” lớn nhất miền Tây mùa lũ về

(Dân trí) - Búng Bình Thiên (huyện An Phú) còn được người dân gọi là hồ nước trời ban. Người ta biết đến hồ nước này không chỉ vì cái danh “hồ nước ngọt lớn nhất miền Tây” mà chính là vẽ đẹp bình yên và làn nước trong hồ xanh biếc, ngày cả mùa lũ về.

Búng Bình Thiên nằm ở phía Bắc huyện An Phú, giáp ranh của các xã Nhơn Hội, Khánh Bình, Khánh An, Quốc Thái. Búng Bình Thiên gồm 2 hồ nước, Búng Lớn và Búng Nhỏ. Nhưng ngày nay người ta chỉ biết nhiều đến Búng Lớn và hiện Búng Lớn có diện tích mặt nước khoảng 193ha, độ sâu khoảng 6m. Búng này nối với sông Bình Di thông qua một nhánh sông nhỏ.

Để đến hồ nước trời ban, từ TP. Long Xuyên, du khách tiếp tục theo Quốc lộ 91 đi thẳng về TP Châu Đốc, qua cầu Cồn Tiên theo tỉnh lộ 956 đến thị trấn An Phú. Đến đây, du khách có thể đi theo tỉnh lộ 957 hoặc từ tỉnh lộ 965 đi thẳng về cửa khẩu Khánh Bình, rẻ trái khoảng 2km là đến hồ nước trời ban.

Thăm Búng Bình Thiên mùa nước nổi... chưa về

Đến hồ nước đặc biệt này, du khách không chỉ thỏa mắt với cảnh ngư dân đánh bắt cá, hến… trên hồ nước rộng mênh mong mà còn mê mắt, khỏa tay, chân xuống làn nước trong hồ xanh biếc. Đặc biệt, ngay mùa lũ mang dòng phù sa đỏ ngầu từ thượng nguồn đổ về nhưng khi dòng nước này vừa tràn qua miệng hồ, nước dần chuyển xanh biếc.

Đến hồ vào mùa lũ, nhiều chiếc ghe thân dài của dân tộc Chăm đậu san sát nhau, lấp lóa trong những rặng điên điển bồng bềnh ven hồ đang thi nhau buông xuống những chùm hoa vàng e ấp… Hoa chờ những cô thôn nữ đến hái về nấu canh chua hay làm món rỏi chấm với lẩu mắm cá linh thì ăn hết ý…

Thăm Búng Bình Thiên mùa lũ... chưa về

Búng Bình Thiên là hồ chứa nước thiên nhiên rộng lớn nhất miền Tây. Ngoài ra, hồ nước trời ban này còn là "túi cá đồng" tự nhiên rất phong phú. Nhưng do khai thác quá mức và sự suy giảm nguồn thủy sản tự nhiên, hàng năm chính quyền địa phương phải thả cá giống vào Búng để cải thiện nhưng cũng chưa đạt hiệu quả cao.

Đến bùng Bình Thiên, du khách còn biết thêm những nét văn hóa độc đáo của người Chăm đã hình thành hơn 100 năm qua. Tại đây, những ngôi nhà sàn dân tộc Chăm nằm san sát nhau, du khách dễ dàng bắt gặp hình ảnh cụ già đi lễ ở thánh đường Mas Jid Khoi Ri Yah, hay những cô gái Chăm xinh đẹp trong trang phục truyền thống, trẻ em vui chơi bên bờ hồ.

Trong đợt hạn hán lịch sử vừa rồi, chẳng ai ngờ rằng hồ nước trời ban tưởng chừng không bao giờ vơi cạn này lại có lúc trơ đáy. Chính quyền địa phương lo lắng, nếu tình trạng hồ tiếp tục “phơi mình” phải có giải pháp giữ mực nước trong hồ, vừa giữ “túi cá đồng” vừa thu hút khách du lịch vì đây là điểm đến tham quan độc đáo ở An Giang, khó nơi nào có được.

Khám phá “hồ nước trời ban” lớn nhất miền Tây mùa lũ về - 1

Một nhánh sông nhỏ nối từ sông Bình Di dẫn vào Búng Bình Thiên - hồ nước ngọt trời ban lớn nhất miền Tây

Khám phá “hồ nước trời ban” lớn nhất miền Tây mùa lũ về - 2

Ven hồ là những rặng điên điển và những chiếc ghe đặc trưng của dân tộc Chăm neo đậu... chờ lũ lên cao sang nước bạn Campchia bắt tôm, cá

Khám phá “hồ nước trời ban” lớn nhất miền Tây mùa lũ về - 3

Đến Búng Bình Thiên, du khách còn biết thêm những nét văn hóa Chăm độc đáo

Khám phá “hồ nước trời ban” lớn nhất miền Tây mùa lũ về - 4

Một góc bình yên của hồ nước trời ban

Khám phá “hồ nước trời ban” lớn nhất miền Tây mùa lũ về - 5

Những chiếc ghe đặc trưng của dân tộc Chăm đang nằm nghỉ... chờ mùa lũ về ra khơi bắt cá

Khám phá “hồ nước trời ban” lớn nhất miền Tây mùa lũ về - 6

Mặt nước luôn trong xanh như thế này

Khám phá “hồ nước trời ban” lớn nhất miền Tây mùa lũ về - 7

Giữa hồ, người dân đang cào hến hay giăng lưới bắt cá

Khám phá “hồ nước trời ban” lớn nhất miền Tây mùa lũ về - 8

Một ngôi thánh đường của bà con dân tộc Chăm quay mặt ra hồ nước trời ban

Khám phá “hồ nước trời ban” lớn nhất miền Tây mùa lũ về - 9

Những chiếc vỏ lãi đầy hến, nối đuôi nhau rời khỏi hồ về nhà

Khám phá “hồ nước trời ban” lớn nhất miền Tây mùa lũ về - 10

Anh Sa Lê và bé Ma Ri tranh thủ những ngày chưa có lũ lớn dùng chiếc ghe chở khách tham quan hồ

Khám phá “hồ nước trời ban” lớn nhất miền Tây mùa lũ về - 11

Ven hồ là những rặng điên điển đang mùa trổ bông nên rất thu hút các bạn trẻ, đoàn phim đến chụp hình, quay phim

Khám phá “hồ nước trời ban” lớn nhất miền Tây mùa lũ về - 12

Bông điên điển là nét đặc trưng của hồ và cũng là món ăn dân dã của người miền Tây.

Nguyễn Hành

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm