Khám phá cuộc sống của đặc công Rừng Sác – Cần Giờ

(Dân trí) - Cách trung tâm thành phố gần 60 km, Rừng Sác - Cần Giờ được Unesco công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới và tháng 1/2000 bởi những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn, thảm thực vật đa dạng…

Khám phá cuộc sống của đặc công Rừng Sác – Cần Giờ

Khám phá cuộc sống của đặc công Rừng Sác – Cần Giờ

Với hơn 30 ngàn ha rừng ngập mặn, Cần Giờ là một thiên đường cho các loài sinh vật sinh sôi và phát triển. 40 năm sau chiến tranh, chiến khu rừng Sác đã được tạo dựng thành một điểm tham quan hấp dẫn có giá trị lịch sử và giáo dục về truyền thống chiến đấu anh dũng của quân dân Nam bộ.

Thấp nhang tại đài tưởng niệm đặc công rừng Sác.
Thấp nhang tại đài tưởng niệm đặc công rừng Sác.

Sau những đoạn rạch nhỏ ngoằn ngoèo, chúng tôi vào trung tâm của đặc khu Rừng Sác trên cây cầu độc đạo được làm từ thân cây đước xếp ngang. Đài tưởng niệm liệt sĩ rừng Sác nằm ở trung tâm khu căn cứ, biểu tượng cho uy danh và lòng quả cảm của các chiến sĩ đặc công rừng Sác.

Ngồi xuồng máy vào di di tích rừng Sác.
Ngồi xuồng máy vào di di tích rừng Sác.

Trong 9 năm sống và chiến đấu tại đây, 860 anh hùng, liệt sĩ đã làm nên những chiến tích anh hùng và ngã xuống mảnh đất này khi tuổi mới đôi mươi. Đứng tại nơi đây, dường như trong mỗi du khách đều mang một cảm xúc khó tả khi chứng kiến cảnh sinh hoạt, chiến đấu của các chiến sĩ đặc công.

Sau khi thắp nén hương tại tượng đài tưởng niệm liệt sĩ rừng Sác, mọi người đều chú ý một gốc đước bên cạnh. Gốc cây này có quấn một tấm vải dù, bên dưới gắn bốn cây trụ tạo thành một khoảng lõm nhìn như mái nhà tứ diện. Ai cũng nghĩ đây là nơi nghỉ ngơi của các chiến sĩ. Nhưng theo anh hướng dẫn viên, đây là cách mà bộ đội đặc công hứng nước mưa, là “công trình” đơn sơ nhưng cực kỳ quan trọng đối với đặc công Rừng Sác.

Sáng kiến hứng nước mưa của bộ đội đặc công.
Sáng kiến hứng nước mưa của bộ đội đặc công.
Cách chưng cất nước ngọt từ nước biển của bộ đội.
Cách chưng cất nước ngọt từ nước biển của bộ đội.

Không chỉ có “công trình” hứng nước mưa, vào khu vực Hậu cần, du khách còn được tận mắt nhìn thấy “công nghệ” làm muối và sản xuất nước ngọt từ nước biển. Giống như nấu rượu, nước biển bốc hơi tạo cho ra nước cất, phần còn lại sau khi chưng cất là muối ăn.

Cô Hiyashi (du khách Hàn Quốc) chia sẻ: “Lần đầu đến đây, có quá nhiều điều bất ngờ cho tôi trải nghiệm. Từ những chú khỉ cho đến di chuyển bằng xuồng máy len qua những con rạch. Không khí nơi đây thật trong lành. Ấn tượng nhất vẫn là khả năng sinh tồn của bộ đội Việt Nam”.

Có rất nhiều khu trong trung tâm này: Khu quân y điều trị, khu quân nhu may vá quần áo, khu xưởng chế tạo vũ khí, khu hậu cần… Có thể nói, ngày trước, đặc khu rừng Sác là một trung tâm khép kín, tự cung tự cấp và bất khả xâm phạm.

Du khách nước ngoài đang tham quan sa bàn trận đánh kho xăng Nhà Bè.
Du khách nước ngoài đang tham quan sa bàn trận đánh kho xăng Nhà Bè.

Gây chú ý nhiều nhất là câu chuyện đánh cá sấu của đặc công. Anh hướng dẫn chỉ vào tượng của một chiến sĩ đặc công đang chiến đấu với con cá sấu to hơn thân người và nói: “Đây là bác Hoàng Như Chương, nhập ngũ 1963. Đồng chí này đang làm nhiệm vụ thì bị cá sấu táp một bên vai. Theo phản xạ, tay đồng chí chụp vào con mắt của cá sấu. Xót quá, cá sấu buông ra và tấn công tiếp phần vai bên kia. Lúc này, theo bản năng sinh tồn, đồng chí này dùng dao đâm thẳng vào mắt của cá sấu. Thế là chiến thắng được con cá sấu. Đây cũng là kinh nghiệm cho tất cả các chiến sĩ…”.

Một cán bộ địa phương đi chung đoàn chia sẻ: “Ngày trước, bộ đội mình hy sinh vì cá sấu nhiều lắm. Chú tôi, đến giờ vẫn không thấy xác…”.

Trên đường trở ra, du khách còn được trải nghiệm thú vị cùng các hậu duệ “ Tôn Ngộ Không” ở Đảo khỉ. Những chú khỉ rất dạn dĩ,  không ngại có người lạ. Chính vì vậy mà những du khách bất cẩn có thể bị “cướp trên tay” vật dụng cá nhân như: nón, khăn, mắt kính...

 

“khẹc, khẹc…” Chào mừng đến với đảo Khỉ.
“khẹc, khẹc…” Chào mừng đến với đảo Khỉ.
Khách nước nước ngoài thích thú với những “tiểu” Ngộ Không này.
Khách nước nước ngoài thích thú với những “tiểu” Ngộ Không này.
Một du khách bị khỉ vây kín.
Một du khách bị khỉ vây kín.

Nếu ai không ngại cầm trên tay thức ăn thì những chú khỉ này sẽ trèo lên người và quấn lấy lấy du khách cho đến khi hết thức ăn mới thôi. Khi bị giật nón hay khăn, cách duy nhất lấy lại là mua một cây kem để “trao đổi”.

Khám phá Đảo Khỉ- Cần Giờ

Năm 2012, Căn cứ Rừng Sác - Cần Giờ được bình chọn là 1 trong 5 di tích lịch sử, văn hóa, nghệ thuật tiêu biểu của chương trình “TPHCM - 100 điều thú vị”. Nơi đây dần trở thành điểm vui chơi cuối tuần, tìm hiểu văn hóa - lịch sử hấp dẫn của TPHCM.

Phạm Nguyễn

phamnguyen.dtr@gmaiil.com