Khách quốc tế đến Việt Nam, cán bộ sân bay "cần biết mỉm cười"
(Dân trí) - Theo ông Martin Koerner (VBF), nhân viên ở sân bay là những người tiếp xúc với khách du lịch đầu tiên, tại sân bay Việt Nam, nhân viên xuất nhập cảnh rất nghiêm nghị.
Chính sách visa của Việt Nam còn hạn chế
Tại tọa đàm "Hiến kế hút khách quốc tế" sáng 22/3 do báo Đầu tư tổ chức, ông Lê Trọng Minh, Tổng biên tập báo Đầu tư cho biết, năm 2023, Việt Nam đặt mục tiêu đón và phục vụ 8 triệu lượt khách quốc tế. Đây là con số khiêm tốn so với mức đã đạt được năm 2019 là 19 triệu lượt khách, nhưng lại là mục tiêu đầy thách thức do thị trường du lịch quốc tế có nhiều biến động sau đại dịch.
Theo ông Minh, một số thị trường truyền thống như Nga, Trung Quốc chưa thể mang lại lượng khách du lịch như từng có trước đại dịch. Ngoài ra, sự cạnh tranh của các điểm đến trong khu vực với nhiều cách làm sáng tạo cũng là một khó khăn để Việt Nam trở thành một lựa chọn tốt hơn cho du khách quốc tế.
Theo Tiến sĩ Nuno F. Ribeiro, Phó chủ nhiệm cấp cao bộ môn Quản trị du lịch và khách sạn, Đại học RMIT Việt Nam, du lịch Việt Nam năm 2023 trên đà triển vọng "lạc quan một cách thận trọng".
Việt Nam thu hút những khách du lịch tìm kiếm các điểm đến bền vững, cung cấp các sản phẩm du lịch tích hợp, bao gồm các điểm đến truyền thống có nắng, biển và cát như Phú Quốc; các điểm đến di sản văn hóa như Hội An và các trung tâm đô thị thú vị như Hà Nội và TPHCM.
"Tuy nhiên, Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh từ các thị trường du lịch lân cận như Thái Lan, Singapore, Indonesia và Malaysia, những thị trường đã nhanh chóng dỡ bỏ các hạn chế về Covid-19 và đã được hưởng lợi từ các thủ tục nhập cảnh, thị thực ít nghiêm ngặt hơn", ông Ribeiro nói.
Về vấn đề này, ông Martin Koerner, Trưởng tiểu Ban Du lịch, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) nhận định chính sách visa hiện tại của Việt Nam rất hạn chế và phức tạp so với các nước như Singapore, Thái Lan. Trong khi Thái Lan hiện đang cấp thị thực lên đến 60 ngày, Peru miễn visa đến 90 ngày… thì Việt Nam mới cho khách 15 ngày.
Ngoài ra, visa điện tử (e-visa) chưa được áp dụng một cách đầy đủ. Ông Martin khuyến nghị Việt Nam nhanh chóng mở rộng e-visa cho một số nước.
Theo chuyên gia này, Việt Nam cũng cần nâng cao chất lượng dịch vụ, đặc biệt tại cửa khẩu xuất nhập cảnh.
"Khi tôi tới Thái Lan hay các nước châu Á khác, nhân viên ở sân bay là những người tiếp xúc với khách du lịch đầu tiên, đều rất thân thiện với nụ cười luôn nở trên môi. Trong khi đó, tại sân bay ở Việt Nam, nhân viên xuất nhập cảnh rất nghiêm nghị", ông Martin nói.
Bên cạnh đó, ông cho hay, có nhiều phản hồi tiêu cực từ khách du lịch, không chỉ về doanh nghiệp lữ hành mà còn hãng hàng không, đặc biệt là thủ tục và thời gian xuất nhập cảnh quá lâu tại các sân bay như TPHCM và Hà Nội, có khi kéo dài 2 - 3 tiếng.
"Nếu khách du lịch tới Việt Nam một lần và ngay tại điểm nhập cảnh đã mất nhiều thời gian như vậy thì trải nghiệm của họ ngay ở đó đã không được vui, không được đón chào. Về sau, khi chọn điểm đến du lịch, họ sẽ chọn nơi khác, có thể là Bali, Thái Lan, Philippines nhưng sẽ không quay lại Việt Nam nữa", ông Martin nhấn mạnh.
Thái Lan đã thu hút khách quốc tế như thế nào?
Ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch Việt Nam (TAB) cho biết, dưới góc độ doanh nghiệp làm du lịch, đây là thời điểm ngành cơ cấu lại thị trường, đặt tham vọng vượt 8 triệu khách quốc tế, thậm chí đạt 10 - 12 triệu.
"Chúng ta phải nghĩ đến việc thu hút lượng khách du lịch chi trả cao", ông Hoàng Nhân Chính nói, dẫn chứng trong năm 2019, Việt Nam đón 19 triệu khách quốc tế, chi trả trung bình 1.200 USD/người/ngày, với thời gian lưu trú khoảng 9,1 - 9,2 ngày.
Cùng năm đó, Thái Lan đón gần 40 triệu khách, chi trả cao 2.400 - 2.500 USD/người/ngày, với thời gian lưu trú 9 ngày.
"Từ đó, chúng ta thấy rằng vẫn còn nhiều việc phải làm để bắt kịp Thái Lan, như nghiên cứu kỹ thị trường và khách hàng để xây dựng sản phẩm phù hợp cũng như chính sách xúc tiến quảng bá hiệu quả", ông Chính phát biểu.
Hơn nữa, du khách quốc tế thường quay trở lại bởi ấn tượng về những trải nghiệm tốt nhất ở điểm đến. Do đó, ông đề nghị chú trọng công tác quản lý điểm đến, tăng cường đối thoại công tư để các doanh nghiệp kịp thời phản ánh những rào cản, khó khăn, đề xuất Nhà nước tháo gỡ.
Chia sẻ kinh nghiệm quảng bá du lịch Thái Lan tới khách quốc tế, Bí thư thứ Nhất, Đại sứ quán Thái Lan Nareekarn Srichainak thông tin, sau khi Thái Lan bắt đầu mở cửa đón khách quốc tế, cơ quan quản lý du lịch Thái Lan đã phối hợp với hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Phuket sử dụng hình ảnh của Đội tuyển bóng đá Quốc gia để quảng bá điểm đến.
"Mở cửa sau đại dịch, chúng tôi buộc phải xây dựng cẩn thận hệ thống bảo vệ nghiêm ngặt, an toàn cho du khách trước đe dọa dịch bệnh", bà Nareekarn Srichainak cho hay.
Dự án thúc đẩy du lịch của Thái Lan chia làm nhiều giai đoạn. Thời điểm đầu, họ thu hút khách quốc tế đến các địa điểm rủi ro thấp, yêu cầu đăng ký "visa du lịch đặc biệt" đảm bảo phòng chống dịch Covid-19.
Du khách không phải cách ly tập trung mà được cách ly tại điểm du lịch trong 7 ngày. Sau đó, họ có thể thoải mái đến các địa điểm khác ở Thái Lan.
Từ tháng 10/2021, Thái Lan chia các địa phương thành các vùng xanh, vàng, đỏ, sau thành công thí điểm tại Phuket, thúc đẩy vai trò của Thái Lan như "trung tâm du lịch thế giới".
"Thành công của chúng tôi đến từ việc thiết lập trung tâm phản ứng Covid-19 cấp quốc gia, phân quyền cho các địa phương giải quyết các vấn đề liên quan dịch bệnh. Mục tiêu đặt ra là mở cửa đất nước, chuẩn bị sẵn sàng phát triển du lịch", bà Nareekarn Srichainak nói.
Theo bà, chính quyền Thái Lan đã hợp tác mật thiết với Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao, Bộ Giao thông Vận tải trong nước nhằm tìm kiếm mô hình phù hợp có mức độ ảnh hưởng tiêu cực thấp nhất với các địa phương.
Song song quá trình đó, họ cũng có những chương trình hợp tác quốc tế như chương trình "bong bóng" du lịch đường không với Ấn Độ.
Bên cạnh đó, trong thời gian đợi chờ khách quốc tế, Thái Lan đã thúc đẩy du lịch nội địa, như giảm giá dịch vụ (di chuyển, lưu trú,…) tạo nguồn thu cho ngành du lịch trong nước.
Đồng thời, các cơ quan áp dụng công nghệ thông tin đưa ra những con số thống kê cụ thể, tìm những chính sách thích hợp, thu hút khách du lịch đặc thù như chơi golf, chăm sóc sắc đẹp, khách thuộc cộng đồng LGBT,…
"Sau covid-19, chúng tôi nỗ lực đưa ra hình ảnh Thái Lan là điểm đến đa dạng, phong phú, với phương châm: Thái Lan tuyệt vời. Chúng tôi đã có bước tăng trưởng, nhưng chưa phục hồi hoàn toàn như thời điểm trước dịch", bà nói, nhấn mạnh Thái Lan sẵn sàng cùng Việt Nam thúc đẩy phát triển du lịch.