1. Dòng sự kiện:
  2. Du lịch nghỉ lễ 2/9
  3. Đoàn 4.500 khách của tỷ phú Ấn Độ đến Việt Nam

Khách đến Phú Quốc "bùng lên rồi lại xẹp xuống": Quản lý điểm đến chưa tốt?

Quỳnh Lâm

(Dân trí) - Phú Quốc là ví dụ quản lý điểm đến tại các địa phương trọng điểm về du lịch chưa tốt. Đó là nguyên nhân gián tiếp dẫn đến tình trạng du lịch nội địa "bùng lên rồi lại xẹp xuống" trong thời gian qua.

Du lịch nội địa "bùng lên rồi lại xẹp xuống", vì đâu?

Tại Hội nghị phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững, ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhận xét, trong 10 tháng vừa qua, ngành du lịch đã cố gắng hết sức nhưng còn nhiều điều chưa đạt được.

Khách quốc tế đến Việt Nam tăng vượt kế hoạch, nhưng số lượng tuyệt đối lại quá thấp so với các nước trong khu vực. Số lượng khách nội địa tăng nhẹ nhưng lại sụt giảm nghiêm trọng ở một số trung tâm du lịch lớn, nhiều cơ sở lưu trú cao cấp ở nhiều trung tâm chưa mở cửa được vì ít khách và thiếu nhân lực.

Đồng tình với nhận định này, PGS. TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, thời gian qua, du lịch nội địa đã khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng, đặc biệt là vào giai đoạn khó khăn.

Khách đến Phú Quốc bùng lên rồi lại xẹp xuống: Quản lý điểm đến chưa tốt? - 1

Phú Quốc được kỳ vọng là "con gà đẻ trứng vàng" của du lịch Việt Nam tuy nhiên việc quản lý điểm đến chưa tốt khiến lượng khách đến đây sụt giảm (Ảnh minh họa: T.T).

Tuy nhiên, du lịch nội địa lại có sự phát triển thiếu ổn định, "bùng lên rồi lại xẹp xuống".

"Nhìn vào một số điểm du lịch lớn tình trạng khá là gay go, Phú Quốc chẳng hạn. Tôi thấy phải kiểm điểm lại cho rõ ràng là tại sao du lịch đã bùng lên khí thế rất tốt, thì lại là có sự suy giảm như vậy. Chính suy giảm này làm cho niềm tin, chính sách của người tiêu dùng hướng ra bên ngoài chứ không phải trong nước.

Đây không phải vấn đề của mỗi du lịch, mà cả hệ thống của chúng ta phải có trách nhiệm", PGS. TS Trần Đình Thiên bày tỏ.

PGS. TS Trần Đình Thiên cho rằng: "Về phía các địa phương và doanh nghiệp, nhất là các địa phương trọng điểm của du lịch, vấn đề quảng bá rất quan trọng, nếu không phát huy được sáng kiến địa phương, không tạo ra được động lực mới cho các doanh nghiệp thì sẽ mất thời cơ. Như hình ảnh Phú Quốc, Hạ Long mà giảm đi thì ảnh hưởng đến toàn bộ du lịch quốc gia".

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Du lịch và Tiếp thị GTVT Việt Nam (Vietravel) thẳng thắn cho rằng, vấn đề quản lý điểm đến tại các địa phương hiện nay khá kém.

"Chúng ta nói nhiều về Phú Quốc, kêu là các hãng du lịch, các hãng hàng không giá cao, nhưng bản chất chúng ta quản lý các điểm đến và môi trường của điểm đến chưa tốt. Chúng ta phải nhìn vào khuyết điểm của các địa phương để thấy việc quản lý điểm đến như thế này thì rất khó thu hút khách du lịch", ông Nguyễn Quốc Kỳ khẳng định.

Tại hội nghị, ông Lâm Minh Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cũng nhìn nhận, du lịch Kiên Giang có sự phát triển nhanh, tuy nhiên quá trình hồi phục du lịch, cũng như các địa phương khác, cũng gặp không ít khó khăn thách thức và hạn chế nhất định như: Cạnh tranh giữa các điểm đến; Công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch chưa thực sự hiệu quả; Công tác tuyên truyền, phổ biến cách ứng xử văn minh du lịch chưa được thường xuyên…

Nhằm khắc phục tình trạng du lịch "ế ẩm" thời gian qua, mới đây, UBND TP. Phú Quốc đã ban hành văn bản về Kế hoạch Triển khai chuỗi hoạt động kích cầu du lịch Phú Quốc với hàng loạt hành động và sự kiện như: Chuỗi hoạt động truyền thông và xúc tiến quảng bá du lịch; chiến dịch truyền thông với thông điệp "Tôi yêu Phú Quốc"...

Xúc tiến du lịch triển khai còn chậm và rất ít hiệu quả

Ngoài câu chuyện về quản lý điểm đến, Hội nghị còn chỉ ra nhiều "điểm nghẽn" khiến ngành du lịch Việt Nam lâm vào cảnh "đi trước về sau" so với các quốc gia khác trong khu vực ở giai đoạn hậu Covid-19.

Một trong những câu chuyện được bàn đến nhiều nhất là công tác quảng bá xúc tiến du lịch vừa thiếu vừa yếu.

Khách đến Phú Quốc bùng lên rồi lại xẹp xuống: Quản lý điểm đến chưa tốt? - 2

Theo các chuyên gia, Việt Nam cần đầu tư hơn nữa cho công tác quảng bá, xúc tiến (Ảnh minh họa: T.H).

Ngay trong báo cáo đánh giá về thực trạng hoạt động du lịch, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng cũng nhìn nhận, một trong những nguyên nhân khiến du lịch Việt Nam phục hồi chậm trong thời gian qua là do công tác truyền thông chính sách, cập nhật, quảng bá thông tin về những quy định mới còn hạn chế, thiếu kịp thời tại các thị trường nguồn quốc tế do thiếu hệ thống văn phòng xúc tiến du lịch quốc gia; sự phối hợp chưa thực sự chặt chẽ giữa các cơ quan trong nước với các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài.

Thẳng thắn chỉ ra các nguyên nhân Việt Nam chưa thu hút được nhiều khách quốc tế, ông Vũ Thế Bình cho rằng, công tác xúc tiến du lịch triển khai còn chậm và rất ít hiệu quả.

Việc triển khai xúc tiến ở nước ngoài để thu hút khách quốc tế vào Việt Nam triển khai quá ít, nhiều hội chợ quốc tế quan trọng hàng đầu thế giới bị bỏ qua (WTM London, JATA Tokyo Nhật Bản) hoặc tham gia cầm chừng (chỉ địa phương tham gia) khiến hình ảnh du lịch Việt Nam mờ nhạt so với doanh nghiệp quốc tế.

"Chúng ta cần cơ cấu lại thị trường quốc tế, đẩy mạnh xúc tiến du lịch. Đề nghị đổi mới hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch để đẩy mạnh những hoạt động mà chúng tôi vừa đề xuất", ông Bình nêu quan điểm.

Đồng tình với quan điểm này, bà Nguyễn Thái Hoài Anh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sun Group cũng cho rằng, ngân sách quảng bá du lịch Việt Nam hiện vẫn chưa tương xứng với tiềm năng phát triển.

Phía Sun Group đề xuất, các cơ quan ngoại giao, truyền thông Việt Nam tại nước ngoài đẩy mạnh công tác quảng bá du lịch Việt Nam tại nước ngoài thông qua công tác truyền thông, hội nghị xúc tiến điểm đến, đặc biệt với thị trường quốc tế trọng điểm. "Chúng tôi rất mong Bộ VHTT&DL ưu tiên ngân sách, đồng thời huy động nguồn lực từ các Hiệp hội, doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực du lịch, hàng không trong việc xúc tiến quảng bá tại các thị trường trọng điểm như Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Châu Âu, Úc, Châu Mỹ…", bà Hoài Anh đề xuất.

Bên cạnh đó, vấn đề cấp thiết cần tiếp tục cải thiện chính sách visa của Việt Nam cũng là câu chuyện được nhiều đại biểu đề cập đến nhằm thúc đẩy du lịch Việt Nam.

Trong 5 đề xuất tại Hội nghị, lãnh đạo Bộ VHTT&DL nêu giải pháp đầu tiên là "đề xuất cơ chế, chính sách tạo thuận lợi hơn nữa cho việc phục hồi, phát triển du lịch" như: Nghiên cứu đề xuất miễn thị thực ngắn hạn cho khách du lịch từ một số thị trường tiềm năng, quy mô lớn như Trung Quốc, Ấn Độ... nhằm kích cầu du lịch, đặc biệt là vào mùa thấp điểm.

Mở rộng miễn thị thực đơn phương cho công dân các nước có trình độ phát triển cao hơn Việt Nam, chi tiêu du lịch lớn như Australia, Canada, Mỹ, các nước còn lại trong Liên minh châu Âu...

Nhắc đến hai vấn đề cần đẩy mạnh trong thời gian tới, PGS. TS Trần Đình Thiên cho rằng, cần xem xét lại quyền năng của Cục Du lịch để tương xứng với vai trò của ngành kinh tế trọng điểm quốc gia, đồng thời cải thiện câu chuyện mở thị thực và visa.

"Sau 2 năm Bộ Công an mở ra đã có sự tích cực, nhưng chúng ta nên bàn ở đây với tinh thần cạnh tranh, mà còn là cạnh tranh vượt trước.

Tư duy mở cửa hội nhập, những chuyến đi kéo đầu tư nước ngoài vào để mở ra tương lai hội nhập cho Việt Nam cũng lớn, nhưng mà, khía cạnh visa du lịch có lẽ là chậm quá, thế giới nhìn vào đây cũng buồn. Việt Nam là bạn của tất cả các nước, mở ra là người ta đầu tư vào ầm ầm, nhưng du lịch lại như thế này thì quả thật là rất hạn chế", PGS. TS Trần Đình Thiên khẳng định.