Hội An khẩn cấp trùng tu, tôn tạo Chùa Cầu

(Dân trí) - Chùa Cầu - biểu tượng 4 thế kỷ ở phố cổ Hội An đang rệu rã từng ngày. Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đã có chỉ đạo khẩn trương trùng tu di tích đặc biệt này.

Theo tư liệu, Chùa Cầu được người Nhật xây ở phố cổ Hội An vào đầu thế kỷ 17. Trải qua 4 thế kỷ cùng sự biến thiên của tạo hóa, Chùa Cầu vẫn là biểu tượng đặc trưng của đô thị cổ nằm vắt mình bên dòng sông Hoài thơ mộng.

Trùng tu tôn tạo Chùa Cầu Hội An

Chùa Cầu nằm vắt ngang một nhánh sông Hoài

Tuy nhiên, trước sự bào mòn của thời gian cùng tác động của con người lẫn thiên tai, di tích hàng trăm năm tuổi này đang xuống cấp từng ngày.

Hiện nay, mỗi ngày Chùa Cầu “gánh” từ 4-5.000 lượt khách tham quan. Di tích này đã già cỗi và xuống cấp nhưng mỗi ngày gánh hàng ngàn lượt du khách nên không biết có thể đổ sập bất cứ lúc nào.

Trùng tu tôn tạo Chùa Cầu Hội An

Chùa Cầu nhìn từ phía hạ lưu

Mới đây, Trung tâm Quản lý Bảo tồn di sản văn hóa Hội An thực hiện cuộc khảo sát di tích đặc biệt này.

Hiện trạng cho thấy, ở phần thân cầu, tại nhiều vị trí liên kết giữa đòn tay đỡ mái với các cột bị mục. Nhiều thanh xà gỗ đỡ mái ngói bị nứt nẻ, cong vênh không thể khớp nối nhau. Các phần mố trụ đỡ xuất hiện nhiều vết nứt, bong tróc vôi vữa.

Trùng tu tôn tạo Chùa Cầu Hội An

Phía sau lưng Chùa Cầu

Kết cấu phần trên (thượng bộ) gồm phần cầu và miếu đang có độ tách rời nhỏ khoảng 10cm, riêng phần mái nhiều chỗ đã bị dột nước mưa thấm xuống làm ảnh hưởng đến các cấu kiện bằng gỗ của công trình. 

Ở một số vị trí, nước mưa thấm vào phần mối nối khiến gỗ bị ăn mòn, mục, loang rộng, nằm vênh ra. Trên tường vôi, không ít vị trí bị ố đen, vữa nứt loang lổ.

Mặt cầu được làm bằng gỗ, do thường xuyên tiếp xúc giày dép của du khách qua lại nên bị mài mòn nghiêm trọng. Hệ thống chịu lực chính, quan trọng như móng, mố, trụ cũng đã bộc lộ sự xuống cấp thấy rõ.

Đặc biệt, những tác động từ bên ngoài như dòng chảy của nước và bão, lụt cùng tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu cũng ảnh hưởng lớn đến di tích.

Trùng tu tôn tạo Chùa Cầu Hội An
Trùng tu tôn tạo Chùa Cầu Hội An

Chùa Cầu xuống cấp nghiêm trọng

Trước sự xuống cấp ngày một nghiêm trọng của Chùa Cầu, Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam – ông Trần Văn Tân - đã có thông báo về công tác quản lý, bảo tồn, trùng tu di tích, di sản trên địa bàn TP Hội An nói chung và di tích Chùa Cầu nói riêng.

Theo đó, UBND tỉnh giao UBND TP Hội An làm chủ đầu tư, khẩn trương chọn đơn vị tư vấn có chuyên môn, kinh nghiệm lập Dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích Chùa Cầu, sớm trình cấp thẩm quyền thẩm định, phê duyệt, thông qua trước ngày 31/10/2019 để triển khai thực hiện.

Tỉnh Quảng Nam xác định chống xuống cấp Chùa Cầu là nhiệm vụ cấp bách, cần phải tiến hành tu bổ khẩn cấp, toàn diện, bao gồm cả phần mái, phần cầu và phần móng nhằm đảm bảo sự ổn định bền vững, lâu dài của di tích.

Đặc biệt lưu ý, đây là công trình có giá trị về văn hóa, lịch sử, kiến trúc, mỹ thuật, là điểm đến không thể thiếu của du khách, là tình cảm và sự gắn bó mật thiết của nhân dân Hội An đối với Chùa Cầu.

Ngoài ra, di tích này còn được xem là biểu tượng của đô thị cổ Hội An, điểm đến không thể thiếu của du khách; là mối bang giao, hữu nghị giữa Việt Nam và Nhật Bản...

Trong quá trình lập dự án, tỉnh Quảng Nam yêu cầu phải giải quyết tổng thể các vấn đề liên quan đến chất lượng, độ bền vững, tính chân xác của di tích, sự quan tâm đặc biệt của người dân và du khách kể cả báo chí.

Mời các chuyên gia về công tác bảo tồn, tu bổ di tích trong và ngoài nước để tham vấn; lấy ý kiến các chuyên gia đầu ngành, các bên liên quan, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội.

Ông Nguyễn Văn Sơn – Phó Chủ tịch TP Hội An - cho biết, chính quyền địa phương đang khẩn trương bắt tay vào việc lập phương án trùng tu Chùa Cầu. Theo kế hoạch, trước ngày 31/10 tới, Hội An sẽ trình tỉnh phương án tu bổ Chùa Cầu và sau đó tỉnh trình Bộ VH-TT&DL thẩm định. Kinh phí dự trù cho việc tu bổ khoảng 15-20 tỷ đồng.

Công Bính

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm