Hòa Bình: Dệt thổ cẩm truyền thống gắn với du lịch cộng đồng
(Dân trí) - Khoảng 10 năm trở lại đây, cuộc sống của các hộ dân bản Lác, xã Chiềng Châu (Mai Châu, Hòa Bình) có những thay đổi rõ rệt nhờ bắt tay làm du lịch.
Làng nghề dệt thổ cẩm ở Chiềng Châu (Mai Châu, Hòa Bình) đã được bà con nơi đây gìn giữ, phát triển tạo ra sản phẩm du lịch độc đáo.
Nghề dệt thổ cẩm là tinh hoa văn hóa của dân tộc Thái. Sản phẩm dệt thổ cẩm được sử dụng để làm đồ dùng trong gia đình, làm của hồi môn cho con gái khi về nhà chồng, là món quà dành tặng khách du lịch khi ghé thăm.
Với sự nỗ lực gìn giữ nét đẹp của nghề dệt truyền thống, năm 2017, xóm Chiềng Châu được Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình công nhận là làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm. Từ đây, tiềm năng du lịch làng nghề đối với địa phương thêm mở rộng, sản phẩm làng nghề có thị trường tiêu thụ tốt hơn ở cả trong và ngoài nước.
Đồng chí Hà Văn Tiệp, Chủ tịch UBND xã Chiềng Châu cho biết, Đảng ủy xã đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Trong đó phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc Thái trở thành một trong những nghề mũi nhọn, vừa nâng cao thu nhập cho người dân, vừa quảng bá văn hóa của người Thái tới du khách trong nước và quốc tế.
Cấp ủy, chính quyền xã luôn tạo điều kiện để làng nghề dệt thổ cẩm xóm Chiềng Châu tham gia các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ, triển lãm và sự kiện lớn của huyện, tỉnh.
Hiện ở Chiềng Châu có khoảng 30 hộ tham gia vào làng nghề dệt thổ cẩm. Không chỉ bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống, làng nghề còn giải quyết việc làm cho trên 40 lao động, thu nhập đạt 4 triệu đồng/người/tháng.
Nhiều hộ mạnh dạn liên kết với nhau thành lập HTX dệt thổ cẩm và dịch vụ Chiềng Châu. Từ khi thành lập đến nay, HTX dệt thổ cẩm và dịch vụ Chiềng Châu có nhiều hoạt động sáng tạo để bảo tồn, phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Thái, cải thiện sinh kế cho phụ nữ trên địa bàn.
Chị Vì Thị Oanh, Phó Giám đốc HTX dệt thổ cẩm và dịch vụ Chiềng Châu chia sẻ: 100% sản phẩm của HTX được dệt bằng tay. HTX liên kết với 45 hộ trong xóm. Sản phẩm của HTX đã vươn tới các thị trường lớn trong nước như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và xuất khẩu sang Pháp.
Năm 2021, sản phẩm quà tặng từ thổ cẩm và quần áo thổ cẩm của HTX được UBND tỉnh công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP. Nhằm quảng bá giá trị độc đáo các sản phẩm thổ cẩm tới du khách trong và ngoài nước, HTX trưng bày sản phẩm tại nhà nghỉ số 6 bản Lác. HTX giải quyết việc làm cho 21 lao động thường xuyên, thu nhập trên 4 triệu đồng/tháng/lao động.
Việc phát triển làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống đã góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với xây dựng nông thôn mới.
Song, phải đối mặt với nhiều thách thức như: Thiếu vốn để mở rộng sản xuất, đầu tư máy móc, thiết bị; Chưa có đất để xây dựng xưởng sản xuất...
Các hộ dân tham gia làng nghề, HTX mong muốn có nhiều chính sách hỗ trợ chuyển giao công nghệ, đầu tư về hạ tầng cơ sở, chú trọng đào tạo nghề, hỗ trợ vay vốn, xúc tiến thương mại… góp phần tạo đà cho du lịch địa phương cất cánh.