Độc đáo sắc màu thổ cẩm của người Dao Đỏ ở Sapa

Mai Vân

(Dân trí) - Nếu có dịp về Sa Pa (tỉnh Lào Cai), hình ảnh người phụ nữ Dao đỏ với trang phục thổ cẩm sặc sỡ luôn tạo ấn tượng đặc biệt đối với du khách.

Trang phục truyền thống của người Dao Đỏ ở Tả Phìn có màu sắc rất rực rỡ. Đàn ông Dao Đỏ y phục mặc thường ngày có màu chàm. Trang phục của phụ nữ người Dao Đỏ thì đa dạng hơn bởi quan niệm một bộ trang phục đẹp phải bao gồm 5 màu sắc khác nhau.

Độc đáo sắc màu thổ cẩm của người Dao Đỏ ở Sapa - 1

Trang phục phụ nữ Dao đỏ có sự phối màu rất đẹp (Ảnh: Mai Vân).

Người Dao đỏ quan niệm rằng con gái là phải biết thêu thùa. Từ nhỏ, các cô gái đã được dạy xe lanh, dệt vải, thêu hoa…

Chính vì vậy, trang phục của họ, từ quần áo, khăn quấn cho đến thắt lưng, mũ đều do chính bàn tay phụ nữ Dao Đỏ dệt vải, nhuộm màu cho đến khâu thành hình và thêu trang trí.

Để may một bộ trang phục truyền thống, phụ nữ Dao đỏ cần rất nhiều thời gian và công sức, đòi hỏi họ phải có sự kiên nhẫn và khéo léo. Thông thường để hoàn thành một bộ trang phục phải mất một năm nếu làm nhanh, có khi lên đến 2 năm với người nào làm chậm.

Chính sự cầu kỳ, tỉ mỉ trong từng công đoạn thực hiện đã tạo nên bản sắc riêng biệt của trang phục dân tộc Dao đỏ mà không thể pha lẫn với bất kỳ dân tộc nào.

Độc đáo sắc màu thổ cẩm của người Dao Đỏ ở Sapa - 2

Để hoàn thiện một bộ trang phục, người phụ nữ Dao đỏ có khi cần tới 2 năm (Ảnh: Mai Vân).

Vải thổ cẩm truyền thống thường được người Dao đỏ sử dụng nguyên liệu chỉ dệt bằng sợi bông, sợi lanh trên rừng, gai nhuộm sậm.

Trên chất liệu vải chàm thô, họ thể hiện kỹ thuật tạo hoa văn tinh tế, khéo léo từ thêu hoặc chắp ghép những trang sức.

Mỗi hoa văn ấy được sắp xếp bố cục chặt chẽ, hòa sắc rực rỡ và mang tính bản sắc văn hóa riêng của người con dân tộc Dao đỏ.

Độc đáo sắc màu thổ cẩm của người Dao Đỏ ở Sapa - 3

Những hoa văn trên các sản phẩm thổ cẩm có màu sắc bắt mắt và bố cục chặt chẽ, thể hiện tính mỹ thuật cao (Ảnh: Mai Vân).

Ðối với người dân Dao đỏ ở Tả Phìn, thổ cẩm không chỉ dùng để phục vụ cho cuộc sống sinh hoạt hàng ngày mà còn mang một ý nghĩa thiêng liêng, là kỷ vật tình yêu hay của hồi môn trong ngày cưới, và hiện nay nó còn là nghề mang lại thu nhập ổn định cho người dân.

Với mục đích duy trì và phát triển nghề thủ công truyền thống, giữ gìn bản sắc văn hóa, đồng thời tăng thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo.

Cách đây gần 30 năm, năm 1993, tổ, nhóm thêu thổ cẩm Dao đỏ được thành lập tại xã Tả Phìn với 16 thành viên. Từ đó đến nay tổ nhóm thêu này liên tục được mở rộng, thu hút nhiều chị em phụ nữ tham gia, không chỉ phát triển nghề truyền thống mà còn gia tăng thu nhập, cải thiện kinh tế gia đình.

Độc đáo sắc màu thổ cẩm của người Dao Đỏ ở Sapa - 4

Nghề truyền thống làm thổ cẩm đã mang lại thu nhập ổn định cho phụ nữ Dao Đỏ tại Tà Phìn - Sapa (Ảnh: Mai Vân).

Hiện, Tả Phìn có 2 câu lạc bộ thổ cẩm, nhóm Dao với gần 200 thành viên tham gia tích cực và thường xuyên.

Với hơn 5.000 loại sản phẩm, trong đó hơn 70% xuất khẩu sang Ý, Pháp, Mỹ… Do tình hình dịch Covid-19 phức tạp, các sản phẩm thổ cẩm hầu như không xuất khẩu và bán được nhiều, nhưng chị em trong câu lạc bộ vẫn duy trì hoạt động để gìn giữ nghề của dân tộc mình. 

Tới bản người Dao đỏ, nhất là vào những dịp lễ hội, Tết, du khách sẽ ấn tượng trước thiếu nữ Dao đỏ xinh đẹp trong những bộ váy áo sặc sỡ.

Những chi tiết, phụ kiện trên bộ trang phục của người Dao đỏ đều thể hiện tính thẩm mỹ, sự tinh tế và quan niệm riêng về cái đẹp của dân tộc mình. Điều đó cũng thể hiện những giá trị vật thể và đời sống tinh thần phong phú của cộng đồng dân tộc Dao đỏ.