Hồ nước chứa cả trăm nghìn tấn cá nhưng không ai dám bắt, dám ăn

Huy Hoàng

(Dân trí) - Trong lòng hồ chứa cá chép, cá chạch cùng một số loài quý hiếm khác với trữ lượng ước tính lên tới hàng nghìn tấn, nhưng người dân địa phương không ai dám động tới.

Tây Tạng còn được mệnh danh là "Tháp nước châu Á", là nơi khởi nguồn của 10 hệ thống sông lớn chảy vào các quốc gia của châu lục này. Tổng diện tích hiện có của các hồ tại Tây Tạng có thể lên tới 23.800 km2, tức là bằng khoảng 1/5 diện tích tỉnh Chiết Giang, tương đương với 30% diện tích tất cả các hồ tại Trung Quốc.

Với người dân Tây Tạng, Yamdrok là một trong 3 hồ nước linh thiêng nhất, chứa đựng nhiều điều huyền bí. "Báu vật" này được thiên nhiên ban tặng, nằm trên cao nguyên Shannan ở độ cao 4.441m so với mực nước biển, cách thủ phủ Lhasa chừng 100km về phía đông bắc.

Hồ nước chứa cả trăm nghìn tấn cá nhưng không ai dám bắt, dám ăn - 1
Hồ Yamdrok, một trong các hồ nước thiêng ở Tây Tạng (Ảnh: China Highlights).

Khó lòng diễn đạt hết vẻ đẹp của hồ Yamdrok bằng câu chữ. Nhìn từ trên cao, nước hồ xanh ngắt, lấp lánh dưới ánh nắng, phản chiếu bầu trời trong xanh. Xung quanh hồ là con đường uốn khúc mềm mại, bên cạnh là đống đá nhỏ do các tín đồ xếp lại khi tới đây hành hương.

Tại sao hồ nước chứa cả trăm nghìn tấn cá nhưng không ai dám bắt, dám ăn?

Điều đặc biệt ở chỗ, trữ lượng cá dưới hồ Yamdrok lớn tới mức "khó lòng tưởng tượng". Các chuyên gia ước tính, lượng cá có thể lên tới hàng trăm nghìn tấn, gồm cá chép, cá chạch và một số loài hiếm gặp.

Lượng cá nhiều thậm chí có thể vợt bằng tay, nhưng không ai dám đánh bắt. Điều này liên quan tới yếu tố tôn giáo và nguồn nước tại đây.

Hồ nước chứa cả trăm nghìn tấn cá nhưng không ai dám bắt, dám ăn - 2
Trữ lượng cá trong hồ ước tính lên tới cả trăm nghìn tấn (Ảnh: Tibet).

Người dân địa phương cho rằng, cá chép trong lòng hồ là linh vật của thần linh không ai được chạm tới. Phật giáo Tây Tạng cho rằng, những sinh vật nhỏ như cá không được bắt giết, nhưng loài bò hay cừu thì được phép.  

Đứng dưới góc độ khoa học, nước hồ Yamdrok có tính kiềm điển hình. Nhiệt độ hồ thấp quanh năm, các sinh vật bao gồm cả cá sinh trưởng chậm. Trong khi đó, thực vật phù du dưới nước khó quang hợp, thiếu chất dinh dưỡng. Do vậy, những loài cá này hấp thu mọi thứ trong hồ, tích tụ nhiều độc tố nên người dân được khuyến khích không nên tiêu thụ.

Hồ nước chứa cả trăm nghìn tấn cá nhưng không ai dám bắt, dám ăn - 3
Liên quan tới yếu tố tôn giáo và nguồn nước khiến người dân ở đây không dám đánh bắt cá dưới hồ (Ảnh: Tibet).

Hiện nay, giá trị của hồ Yamdrok được khai thác mạnh về năng lượng thủy điện và du lịch. Những năm gần đây, du lịch tới vùng đất này đang được đẩy mạnh, thu hút người dân tới thăm.

Là một trong những hồ thiêng nhất tại Tây Tạng, hồ Yamdrok nằm cách thủ phủ Lhasa chừng 100km. Trước khi tới đây, du khách phải vượt qua đoạn đường đèo ngoạn mục, được xếp vào Top những cung đường đèo ấn tượng nhất của Tây Tạng.Theo kinh nghiệm của các du khách, hồ nằm ở độ cao hơn 4.400m so với mực nước biển, nhưng nếu muốn ngắm toàn cảnh đẹp nhất, bạn nên đứng ở vị trí hơn 5.000m trên đỉnh của đèo. 
Đi Tây Tạng vào dịp hè, hồ Yamdrok thường phủ lên một lớp sương mờ ảo. Nhưng nếu tới vào mùa thu, hai bên sườn hồ bao quanh bởi thảm thực vật xanh mướt màu.