Hé lộ thêm về bí ẩn phế tích trong lòng đất hơn 700 năm ở Bình Định

Doãn Công

(Dân trí) - Qua khai quật phế tích Đại Hữu ở Bình Định, các nhà khảo cổ học Việt Nam bước đầu phát hiện 678 hiện vật nằm trong lòng đất suốt hơn 700 năm.

Ngày 31/7, tại Bảo tàng tỉnh Bình Định, Sở Văn hóa và Thể thao (VH&TT) tỉnh Bình Định phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam báo cáo sơ bộ kết quả khai quật đợt 2 phế tích tháp Đại Hữu, thôn Chánh Mẫn, xã Cát Nhơn, huyện Phù Cát.

Thông tin về kết quả khai quật phế tích tháp Đại Hữu, Tiến sĩ Phạm Văn Triệu, Viện khảo cổ học Việt Nam cho biết đã xuất lộ toàn bộ thân tháp, nền móng tiền sảnh phía đông, nền móng chân đế phía bắc và một phần nền móng chân đế phía nam và tây.

Hé lộ thêm về bí ẩn phế tích trong lòng đất hơn 700 năm ở Bình Định - 1

Nhiều hiện vật quý giá được phát hiện ở phế tích Đại Hữu (Ảnh: Doãn Công).

Quá trình khai quật phát hiện được số lượng 678 hiện vật. Trong đó, 156 hiện vật đá với nhiều loại hình, kích thước khác nhau, như: Bệ thờ, lá nhĩ đá, đá trang trí điểm góc, phù điêu trang trí hình người, phù điêu trang trí hình cánh sen… và 522 hiện vật chất liệu đất nung (chưa tính hiện vật gạch).

Theo TS Phạm Văn Triệu, phế tích tháp Đại Hữu được xây dựng trên đỉnh núi với bề mặt là đá. Trước khi xây dựng tháp, người Champa đã đục những tảng đá để tạo mặt bằng nhất định.

Tiếp theo người thợ cho một lớp đất mỏng đầm nện chặt, lớp này có tác dụng ổn định phần móng và mặt bằng, rồi tiến hành cho xây gạch và đá lên.

Hệ thống móng tháp được sử dụng nhiều loại vật liệu khác nhau, như: gạch, đá ong, đá hoa cương, đá cát kết. Trong đó, gạch có vai trò quan trọng, phần đế tháp được xây nhiều lớp gạch theo phương pháp mài chập, kết dính bằng lớp vữa làm từ nhựa thực vật.

Hé lộ thêm về bí ẩn phế tích trong lòng đất hơn 700 năm ở Bình Định - 2

Hiện vật phù điêu chưa từng được thấy ở các tháp Champa khác (Ảnh: Doãn Công).

"Từ những di tích và di vật, so sánh với kiến trúc tháp Champa đã được khai quật nghiên cứu, kết hợp các minh văn đã được phát hiện từ trước cho đến nay, có khả năng phế tích tháp Đại Hữu có niên đại khoảng giữa thế kỷ XIII.

Trong quá trình khai quật phát hiện các mảnh gốm gia dụng có niên đại khoảng thế kỷ XVII-XVIII. Những hiện vật này gắn liền với thành Chánh Mẫn được nhà Tây Sơn cho xây dựng tại phía đông bắc dưới chân đỉnh núi Đất. Qua đó, phản ánh vào giai đoạn cuối thế kỷ XVIII, khu vực phế tích tháp Đại Hữu là căn cứ quân sự quan trọng của nhà Tây Sơn", TS Phạm Văn Triệu nhận định.

Tiến sĩ Lê Đình Phụng, nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu Khảo cổ học lịch sử Viện Khảo cổ học Việt Nam, chia sẻ: "Căn cứ vào nhiều phát hiện khảo cổ ở phế tích Đại Hữu, cho chúng ta biết thêm rất nhiều bí ẩn, tài liệu nghiên cứu mới về các nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc Champa. Lâu nay, các tài liệu đều dựa vào người Pháp nghiên cứu, lần này chúng ta có được nguồn tư liệu mới, quý giá".

Theo ông Huỳnh Văn Lợi, Phó Giám đốc Sở VH&TT tỉnh Bình Định, qua quá trình khai quật, điểm phế tích Đại Hữu xuất hiện nền móng, các hiện vật rất giá trị, hơn hẳn các di tích và tháp Champa khác trên địa bàn.

Hé lộ thêm về bí ẩn phế tích trong lòng đất hơn 700 năm ở Bình Định - 3

Phù điêu được điêu khắc 2 mặt vuông góc nhau (Ảnh: Doãn Công).

"Đối với các hiện vật đã xuất lộ, khai quật được phải có kế hoạch bảo quản, nghiên cứu để đưa vào trong hệ thống các hiện vật Champa trên địa bàn tỉnh. Bảo tàng Bình Định nghiên cứu kết quả khai quật và tham mưu cho lãnh đạo sở trong công tác quản lý và phát huy điểm phế tích Đại Hữu", ông Lợi nói.

Ông Lợi cũng nhấn mạnh, trong thời gian tới, Sở VH&TT tỉnh Bình Định đề nghị đơn vị chủ trì khai quật tiếp tục nghiên cứu và hoàn chỉnh công bố kết quả khảo cổ, tư vấn Sở VH&TT trong việc hoàn thổ, bảo vệ và phát huy di tích.

UBND huyện Phù Cát và chính quyền xã Cát Nhơn phối hợp với Bảo tàng tỉnh Bình Định bảo vệ điểm phế tích tháp Đại Hữu, tuyên truyền cho người dân hạn chế đến địa điểm phế tích này, cần bảo vệ phế tích để phát huy.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm