Hấp dẫn nhiều món giò lạ đãi khách dịp tết
(Dân trí) - Bên cạnh món giò truyền thống, nhiều món giò độc lạ với nguyên liệu biến tấu và kiểu chế biến "phá cách" là những gợi ý thú vị cho bữa cơm ngày tết thêm phong phú.
Từ lâu, giò trở thành món ăn không thể thiếu trong mâm cơm truyền thống ngày tết. Hiếm ai biết được giò có tự bao giờ và tại sao nó chiếm vị trí đặc biệt đến vậy. Nhà văn Nguyễn Tuân trong tùy bút "Giò lụa" viết năm 1973 đã nói: "Hình như giò lụa là tiết mục độc đáo chỉ ta mới có, chỉ người Việt Nam ta mới nghĩ ra và làm ra… Ta có thể nói rằng, chế biến lợn thành cân giò lụa, đó là đỉnh cao của một dạng văn hóa dân tộc toàn cầu".
Ngày nay, bên cạnh món giò cổ truyền như giò lụa hay giò xào (giò thủ), ngày càng nhiều biến thể của món ăn này xuất hiện, khiến nó luôn xứng đáng có vị trí đứng đặc biệt trong nét văn hóa ẩm thực người Việt. Ở mỗi vùng miền, người dân địa phương lại có sáng tạo riêng, biến thể thành món giò lạ để rồi trở thành gợi ý thú vị cho mâm cơm ngày tết.
Giò gà Hải Dương
Món giò gà không quá mới lạ, nhưng khi đi qua Hải Dương dịp giáp tết, thực khách thường dừng chân lại mua ít giò gà về làm quà hay ăn dần. Đúng như tên gọi, nguyên liệu chính làm từ phần thịt nạc gà, chủ yếu ở ức hoặc đùi. Phần thịt được thái nhỏ, ướp gia vị gồm chút nước mắm, bột nêm, đường, tiêu trắng, một ít bột năng và đặc biệt không thể thiếu nước đá lạnh. Để giò dậy mùi, người ta còn cho thêm nấm hương thái chỉ, tạo hương vị đặc trưng. Sau cùng là khâu gói giò khi nguyên liệu được trộn đều. Khúc giò hấp chừng 30 phút sẽ có thành phẩm thơm ngon, hấp dẫn.
Giò me Nghệ An
Xứ Nghệ có nhiều đặc sản nổi tiếng, trong đó có món giò me, hay còn gọi là giò bê. Món ăn giàu chất dinh dưỡng, được các gia đình dùng trong bữa cơm hàng ngày. Đặc biệt ngày lễ tết, giò me không thể thiếu trên bàn tiệc.
Gọi là giò me nhưng thực chất món ăn không liên quan tới me hay nguyên liệu tạo vị chua. Giò làm từ thịt bê, trộn cùng gia vị và trứng gà cuộn. Sau đó, chúng được gói thành giò rồi hấp cách thủy.
Giò me được thái thành lát mỏng dễ ăn. Thịt được hấp nên giữ nguyên độ ngọt, mang màu hồng bắt mắt, bọc viền ngoài là lòng trắng trứng. Nghe đơn giản là vậy, nhưng thực chất giò me được làm tỷ mỉ công phu, cần sự khéo léo giàu kinh nghiệm của những thợ lâu năm mới cho ra lò sản phẩm chất lượng nhất.
Giò hoa ngũ sắc
Giò hoa ngũ sắc ấn tượng với màu sắc bắt mắt, hương vị thơm ngon. Tuy nhiên, chúng đòi hỏi bà nội trợ cần sự cầu kỳ, chỉn chu và khéo léo trong khâu chế biến. Nếu đã quá quen với giò truyền thống, "đổi gió" sang giò hoa ngũ sắc cũng là gợi ý hay.
Nguyên liệu cho món giò rất đa dạng, từ thịt lợn, tai lợn, trứng muối, mộc nhĩ, trứng gà tươi tới cà rốt. Màu sắc hài hòa tự nhiên từ thực phẩm, tạo nên tổng thể lạ mắt. Đặc biệt, trong dịp tết đến xuân về, giò hoa ngũ sắc càng được ưa chuộng hơn vì màu sắc tươi sáng tượng trưng cho niềm vui và may mắn.
Giò đà điểu
Giò đà điểu mang hương vị lạ miệng, ăn mềm không ngấy như giò bò, mang màu sắc khá giống thịt bò. Nguyên liệu chính thịt đà điểu chiếm tới 90%, còn lại là bì, nước nắm, hạt tiêu và các gia vị. Món giò cũng được hấp cách thủy để thịt còn giữ nguyên độ ngọt. Với từng lát cắt, giò đà điểu bắt mắt bởi màu thịt đậm, phần bì ăn giòn dai. Do kỳ công và giá thành nguyên liệu cao, nên giò đà điểu sẽ có giá thành cao hơn những loại khác.
Huy Hoàng
Tổng hợp