Hàng nghìn chim cánh cụt con cùng bố suốt 4 tháng chờ mẹ mang thức ăn về
(Dân trí) - Vào mùa sinh sản, hàng nghìn quả trứng nở thành những con cánh cụt nhỏ. Chúng được bố chăm sóc cho tới khi cánh cụt mẹ mang con mồi về sau nhiều tháng xa cách.
Chim cánh cụt hoàng đế là loại chim lớn và nặng nhất trong số loài này. Đây cũng là loài đặc hữu ở Châu Nam Cực. Con trống và con mái có bộ lông, kích thước tương đương nhau, với chiều cao đạt tới 122 cm, cân nặng từ 22 đến 45 kg. Đầu và lưng chúng màu đen, bụng cũng như chân màu trắng, trong khi ngực màu vàng nhạt.
Thức ăn thường ngày của chúng là cá, nhưng đôi khi chúng cũng ăn động vật giáp xác, các loài nhuyễn thể, động vật thân mềm và mực.
Chim cánh cụt hoàng đế nổi tiếng với những chuỗi hành trình của con trưởng thành. Chúng sinh sản duy nhất vào mùa đông ở Châu Nam Cực, sẽ đi quãng đường từ 50 - 120 km trên băng để tới khu vực sinh sản. Sau đó, những con mái sẽ đẻ một quả trứng duy nhất và con trống lo việc ấp trứng.
Sự trở lại của mặt trời ở Châu Nam Cực cũng báo hiệu về sự xuất hiện của những thành viên mới nhất trong đàn. Chỉ sau vài ngày, ở khu vực sinh sản đã có tới "hàng nghìn chiếc miệng đói" hé ra. Đó là những con cánh cụt hoàng đế non vừa chui ra khỏi trứng. Tất cả chúng đều đòi thức ăn.
Chim cánh cụt hoàng đế bố chưa được ăn gì trong suốt 4 tháng. Tuy vậy, chúng vẫn giữ được nguồn dự trữ cực kỳ quan trọng. Đó là loại sữa đặc dành cho thời điểm này. Nhưng thứ sữa trên chỉ đủ để nuôi sống chim non trong vài ngày. Chúng phải chờ những con cái sớm mang thức ăn về. Với một số con trong đàn, sự chờ đợi này đã quá muộn.
Suốt gần 4 tháng xa khu sinh sản, đến nay, những con cái đã trở về trong tình trạng béo tốt vì được ăn uống đầy đủ. Tất cả chúng đều mang theo thức ăn cho đàn con mới nở, cũng vừa kịp lúc "những chiếc bụng" của chim cánh cụt bố đã "đói meo". Sự trở về của những con cái với nhiều đồ ăn khiến "gia đình" được dịp "ăn mừng".
Sau đó, con cái và con đực sẽ thay nhau cùng chăm sóc những con non. Tuổi thọ của loài này khoảng 20 năm, dù một số cá thể có thể sống tới 50 năm. Được biết, số lượng loài chim này đang giảm dần mỗi năm do bệnh tật, thiếu thức ăn và sự ấm lên toàn cầu.