Hàng loạt cửa hàng, doanh nghiệp lữ hành “cửa đóng then cài” vì Covid-19
(Dân trí) - Do ảnh hưởng lớn của dịch Covid-19, nhiều công ty lữ hành phải tạm thời đóng cửa “ngủ đông”, sang nhượng, trả hoặc cho thuê mặt bằng.
Dịch Covid-19 bùng phát trở lại đã tiếp tục bồi thêm cú giáng khiến ngành du lịch Việt Nam lao đao. Trong những ngày tháng 7, tháng 8, du khách đồng loạt hủy tour. Việc hoàn hủy tour lâu nay vẫn được thực hiện theo quy định: các đối tác hàng không, khách sạn hầu hết đều chỉ chấp nhận cho đổi ngày, bảo lưu tiền cọc chứ không hoàn tiền.
Trong trường hợp khách hủy dịch vụ, doanh nghiệp lữ hành thậm chí phải bỏ tiền túi ra đóng phạt cho các đối tác do những cam kết đã ký trong hợp đồng. Tình trạng này khiến các doanh nghiệp lữ hành rơi vào hoàn cảnh khó khăn chồng chất khó khăn.
Ghé qua những con phố nổi tiếng thường thu hút lượng lớn khách du lịch quốc tế như Mã Mây, Tạ Hiện, Hàng Bông, Hàng Bạc… vào thời điểm này, không khó để bắt gặp cảnh tượng hàng loạt cửa hàng, đơn vị dịch vụ lữ hành trong tình trạng “cửa đóng then cài”, tạm dừng hoạt động hoặc thậm chí treo biển cho thuê, sang nhượng mặt bằng.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành du lịch bị “ngưng trệ”, chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Chính vì thế, hàng loạt doanh nghiệp, đơn vị lữ hành rơi vào tình trạng vắng khách, thất thu hay “thu không đủ chi”. Nhiều nơi đóng cửa tạm thời để giảm chi phí thuê nhân viên, chi phí duy trì hoạt động. Một số nơi thậm chí phải trả mặt bằng hay sang nhượng văn phòng.
Đại diện một đơn vị kinh doanh lữ hành cho biết: tình hình kinh doanh của doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn do lượng khách giảm, trong khi chi phí mặt bằng ở các tuyến phố trung tâm vẫn rất cao. Các doanh nghiệp khó khăn, không thể gồng gánh được tiền thuê mặt bằng nên đành phải sang nhượng hoặc tìm mặt bằng kinh doanh khác có giá “mềm” hơn.
Từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lượng khách quốc tế đến Hà Nội giảm rõ rệt. Rất ít những đoàn khách quốc tế số lượng lớn đến tham quan và lưu trú tại Thủ đô. Do đó mà gần như chẳng có khách quốc tế đến các doanh nghiệp lữu hành tham khảo, mua tour.
“Tầm này mọi năm, Hà Nội vào mùa thu rất đẹp, lượng khách quốc tế đông, nhân viên tại các điểm bán tour phố cổ “vắt chân mà chạy”, tư vấn khách từ sáng đến tối muộn. Nhưng năm nay, công ty cắt giảm nhân viên, chỉ còn tôi trực ở điểm bán hàng này mà nhiều ngày nay cũng chẳng có khách quốc tế nào”, một nhân viên tại văn phòng bán tour phố cổ cho biết.
Sau khi Bộ GTVT, Cục Hàng không cho biết các hãng Vietnam Airlines, Vietjet đã thông báo kế hoạch khai thác các đường bay quốc tế thường lệ có chở khách vào Việt Nam bắt đầu từ ngày 21-9, một số văn phòng bán tour đã mở cửa trở lại nhưng hầu như vẫn chưa có khách.
Thông tin từ Bộ VHTT&DL cho thấy, hiện nay, tình hình doanh nghiệp du lịch đang rất khó khăn.
Tính chung 8 tháng năm đầu năm 2020, khách quốc tế đến nước ta chỉ đạt gần 3,8 triệu lượt người, giảm 66,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách đến bằng đường hàng không đạt 3.049,8 nghìn lượt người, chiếm 80,8% lượng khách quốc tế đến Việt Nam, giảm 65,7% so với cùng kỳ năm trước; bằng đường bộ đạt 580,5 nghìn lượt người, chiếm 15,4% và giảm 74,2%; bằng đường biển đạt 144,4 nghìn lượt người, chiếm 3,8% và giảm 15,9%.
Để chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp, Hiệp hội Du lịch Hà Nội cũng đề nghị Sở Du lịch, Hiệp hội Du lịch các tỉnh, thành phố tạo điều kiện, vận động các doanh nghiệp, đơn vị cung cấp dịch vụ trên địa bàn cùng chia sẻ thiệt hại thông qua các hình thức: Bảo lưu tour, bảo lưu dịch vụ đến thời điểm thích hợp, không phạt hủy hoặc có thể hoàn lại chi phí cho các doanh nghiệp lữ hành.
Một số hình ảnh các đơn vị dịch vụ lữ hành đang trong tình trạng "cửa đóng then cài".