Hàng chục hộ gia đình sống ẩn dật trên núi, già trẻ đều luyện võ kungfu

Huy Hoàng

(Dân trí) - Suốt hàng trăm năm nằm ẩn mình giữa núi rừng, làng Cam Khê ở Trung Quốc còn được gọi là "làng kungfu" bởi già trẻ lớn bé đều biết võ và luyện tập võ thuật mỗi ngày để rèn luyện sức khỏe.

Có một ngôi làng kungfu ở Trung Quốc nằm ẩn mình giữa rừng núi suốt hàng trăm năm. Tại đây, hàng chục hộ gia đình sống khép kín nhưng từ già trẻ lớn bé mỗi ngày đều chăm chỉ luyện tập môn võ truyền thống.

Đó là làng Cam Khê ở huyện Thiên Trụ, tỉnh Quý Châu. Làng có số nhân khẩu hơn 500 người, sống trong hơn 110 hộ gia đình, đều có truyền thống luyện võ và nền văn hóa võ thuật phong phú. Truyền thông Trung Quốc vẫn gọi làng Cam Khê là "làng kungfu".

Hàng chục hộ gia đình sống ẩn dật trên núi, già trẻ đều luyện võ kungfu (Nguồn: Pear video).

Được biết, làng có nguồn gốc từ thời Hồng Vũ của nhà Minh. Khi đó, một nhóm người tị nạn từ Giang Tây đến đây phát hiện thấy vùng núi cao, thác nước hùng vĩ, thích hợp cho việc lánh nạn và sinh tồn nên quyết định dừng chân.

Đến nay, người làng vẫn giữ thói quen sống theo kiểu tự cung tự cấp, gần như tách biệt với thế giới bên ngoài.

"Cả làng đều luyện võ có tên là Lục Gia Quyền. Người làng đã lưu truyền, gìn giữ bộ môn võ này suốt hơn 600 năm. Chúng tôi được tổ tiên truyền lại và các thế hệ kế tiếp luôn bảo tồn.

Môn võ còn giúp người học biết cách sử dụng những loại vũ khí để đánh đuổi kẻ cướp, động vật hung dữ", ông Đào Thông Ngôn, một võ sư trong làng, cho biết.

Theo tìm hiểu, trẻ em ở làng Cam Khê bắt đầu được học võ từ khi mới 6-7 tuổi. Ban đầu, trẻ nhỏ được học lớp cơ bản, tiếp đó mới làm quen với thủ pháp, quyền pháp và côn pháp. Trước kia, đa phần chỉ có nam giới mới theo học, thì ngày nay, nữ giới theo các lớp học võ ngày càng đông hơn.

Hàng chục hộ gia đình sống ẩn dật trên núi, già trẻ đều luyện võ kungfu - 1
Trẻ nhỏ trong làng được học võ từ năm 6-7 tuổi (Ảnh cắt từ clip).

"Trong làng có vài cháu gái luyện côn hàng ngày sau mỗi giờ học văn hóa ở trường lớp. Các cháu học với mục đích rèn luyện, nâng cao thể lực. Bởi vậy, sức khỏe của dân làng gần như rất tốt, không mắc các bệnh ốm vặt. Hầu như người già tại đây đều sống thọ trên 80 tuổi", ông Đào cho biết.

Bản thân võ sư Đào tiết lộ, ông ham mê võ thuật từ nhỏ. Từ khi 6-7 tuổi, mỗi lần thấy người lớn luyện võ, ông đều tới xem và bày tỏ muốn theo học. Ông bắt đầu tập võ năm 15 tuổi, tới lúc 28 tuổi đạt tới trình độ thành thạo và đi tới nhiều nơi để dạy dỗ học trò.

Là người học võ và dạy võ, ông Đào cho rằng, muốn dạy người khác, trước tiên phải tìm hiểu xem đối phương có đạo đức hay không, tính cách thế nào. Nếu là người đạo đức kém, tính cách không tốt, ông tuyệt đối không tiếp nhận học trò.

Hàng chục hộ gia đình sống ẩn dật trên núi, già trẻ đều luyện võ kungfu - 2
Người dân luyện võ hàng ngày (Ảnh: Sina).

"Với những người như vậy, dạy họ không khác nào gây họa cho đời, mang tội với xã hội", ông thẳng thắn nói.

Đến nay ở tuổi gần 70, người làng Cam Khê coi ông Đào là thầy dạy võ của làng. Ông vẫn kiên trì với công việc này bởi nó giúp ông rèn luyện sức khỏe mỗi ngày, có cơ hội đào tạo những thế hệ kế tiếp gìn giữ truyền thống của tổ tiên.

"Tôi muốn truyền lại hết những tinh hoa của môn võ này cho thế hệ mai sau. Con trai và cháu trai tôi đều biết võ", võ sư Đào cho biết.

Hàng chục hộ gia đình sống ẩn dật trên núi, già trẻ đều luyện võ kungfu - 3
Làng Cam Khê từng sống tách biệt với thế giới bên ngoài (Ảnh: News).

Làng Cam Khê có lợi thế về tài nguyên thiên nhiên cùng truyền thống văn hóa đặc sắc, nhưng không thể tận dụng lợi thế để phát triển do vị trí địa lý xa xôi.

Nhờ sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương, năm 2015, tỉnh Quý Châu cho làm con đường nhựa dẫn thẳng vào làng để khai thác tiềm năng du lịch. Nhờ đó, ngôi làng được biết tới nhiều hơn.

Kungfu Trung Quốc là một môn võ thuật chiến đấu đã phát triển suốt thời kỳ lịch sử lâu dài ở "quốc gia tỷ dân".

Ngày nay, nó được coi là một môn thể thao truyền thống, ngày càng trở nên phổ biến. Thậm chí, môn võ này còn là một trong những đại diện cho nền văn hóa Trung Hoa.

Kungfu có nguồn gốc từ triều đại nhà Thương và nhà Chu. Trong các triều đại tiếp theo của nhà Tần và nhà Hán, kỹ năng đấu vật, kiếm thuật và giáo trở nên phát triển, phổ biến hơn.

Sau này tới thời nhà Tống (960-1279), nhiều trường phái và phong cách kungfu được cải tiến với vũ khí phát triển mạnh mẽ hơn.