Hai pho tượng cao 3,2m ẩn trong "cung cấm" ở đình Chèm Hà Nội

Toàn Vũ

(Dân trí) - Hiện trong "cung cấm" ở đình Chèm (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) có hai pho tượng cao 3,2m làm bằng gỗ quý hiếm. Người dân chỉ được phép chiêm bái vào ngày rằm, mùng 1 âm lịch hàng tháng.

Hai pho tượng cao 3,2 mét ẩn trong "cung cấm" ở đình Chèm

Hai pho tượng cao 3,2m ẩn trong cung cấm ở đình Chèm Hà Nội - 1

Đình Chèm là một trong những ngôi đình cổ nhất Việt Nam. Từ lâu, đây là nơi thờ cúng tín ngưỡng của người dân ba làng: Thụy Phương (Chèm), Hoàng Xá, Hoàng Liên (Liên Mạc) của xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Đình thờ đức Thánh làng Chèm, tức Lý Thân (còn gọi là Lý Ông Trọng hay Đức Thánh Chèm). Đình Chèm tọa lạc trên khu đất cao, diện tích rộng 0,5 ha, quay về phía Bắc, hướng ra sông Hồng, phong cảnh khoáng đạt, thể hiện ước nguyện của dân làng mong muốn vị thần trị thủy bảo vệ yên bình cho người dân.

Hai pho tượng cao 3,2m ẩn trong cung cấm ở đình Chèm Hà Nội - 2

Đình Chèm được bố cục theo lối kiến trúc "nội Công ngoại Quốc", gồm các hạng mục: Nghi môn ngoại, nghi môn nội, phương đình và hai tiểu phương đình, tả - hữu mạc, đại bái và hậu cung hình chữ công. Hậu cung gồm ba thành phần kiến trúc tạo thành hình chữ "Công" gồm Cung đệ nhất, Cung đệ nhị (ống muống) và Cung cấm. Đáng chú ý, tại cung cấm có 10 pho tượng bằng gỗ quý là tượng ông Lý Ông Trọng, bà Bạch Tĩnh Cung, hai bên là 6 người con, còn gọi là Lục vị vương và 2 nàng hầu.

Hai pho tượng cao 3,2m ẩn trong cung cấm ở đình Chèm Hà Nội - 3

Theo ông Nguyễn Mạnh Thìn, Trưởng Ban Khánh tiết đình Chèm, tượng ông Lý Ông Trọng, bà Bạch Tĩnh Cung cao 3,2 mét, được làm bằng gỗ quý hiếm, đặt trong cung cấm.

Hai pho tượng cao 3,2m ẩn trong cung cấm ở đình Chèm Hà Nội - 4

"Cung cấm" này chỉ mở cửa để người dân chiêm bái vào ngày rằm, mùng 1 âm lịch hàng tháng.

Hai pho tượng cao 3,2m ẩn trong cung cấm ở đình Chèm Hà Nội - 5

Hai bên là 6 người con của Đức Thánh, còn gọi là Lục vị vương và 2 nàng hầu. "Phần gỗ dùng để tạc tượng Đức Ông, Đức Bà là gỗ trôi trên sông Hồng, mắc lại ở ngay trước cửa đình. Người dân 3 làng sau đó hò nhau vớt lên tạc tượng. Nơi đây rất linh thiêng nên ngày xưa, đình còn nghiêm cấm phụ nữ không được vào cung cấm, chỉ các cụ trong ban khánh tiết mới được vào làm lễ", ông Thìn cho biết.

Hai pho tượng cao 3,2m ẩn trong cung cấm ở đình Chèm Hà Nội - 6

Bên trong đình, các cột, mái được chạm trổ tinh vi với hình rồng cuốn thủy, rồng mây, tứ linh, cá hóa rồng, hoa lá, vân mây sóng nước mang đậm nét nghệ thuật kiến trúc thời Lê Trung hưng (thế kỷ 18).

Hai pho tượng cao 3,2m ẩn trong cung cấm ở đình Chèm Hà Nội - 7

Đình Chèm vẫn còn rất nhiều cổ vật khác như lư hương bằng đồng ngàn năm tuổi rất quý hiếm, những bức hoành phi, câu đối mang đậm tính nghệ thuật đặc sắc vẫn được lưu giữ từ nhiều thế kỷ qua...

Hai pho tượng cao 3,2m ẩn trong cung cấm ở đình Chèm Hà Nội - 8

Đặc biệt, hệ thống máng nước bằng đồng thau chưa có ở đâu, trên máng có dòng chữ Hán ghi niên đại Cảnh Hưng và Cảnh Thịnh.

Hai pho tượng cao 3,2m ẩn trong cung cấm ở đình Chèm Hà Nội - 9

Đình Chèm đã được xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt theo Quyết định số 2082/QĐ - TTg ngày 25/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ.

Hai pho tượng cao 3,2m ẩn trong cung cấm ở đình Chèm Hà Nội - 10

Hiện nay, đình Chèm đang được trùng tu, tôn tạo.

Theo đó, trên cơ sở thông tin phản ánh của các cơ quan báo chí về việc tu sửa cấp thiết di tích đình Chèm có khả năng ảnh hưởng đến di tích, ngày 25/3, Cục Di sản Văn hóa (Bộ VH, TT&DL) đã có văn bản đề nghị Sở VH&TT thành phố Hà Nội phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra thực tế di tích, đề xuất biện pháp xử lý, báo cáo UBND thành phố Hà Nội và Bộ VH,TT&DL (Công văn số 237/DSVH-DT). 

Lãnh đạo Bộ VH, TT&DL đề nghị UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo Sở VH&TT thành phố Hà Nội khẩn trương báo cáo về nội dung liên quan đến việc thực hiện tu sửa cấp thiết di tích đình Chèm; đề xuất phương án xử lý đáp ứng yêu cầu bảo vệ, phát huy giá trị di tích theo đúng quy định pháp luật về di sản văn hóa; đồng thời có cơ sở trả lời báo chí và không gây ảnh hưởng tiêu cực trong cộng đồng và xã hội.