Thực hư việc "phá nát" đình cổ 2000 tuổi, chặt cây đa "trăm năm" ở Hà Nội

Toàn Vũ

(Dân trí) - Hình ảnh tháo dỡ nền đá, bậc thềm, chặt hạ cây đa phía trước đình Chèm (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) khiến nhiều người bức xúc.

Chi 10 tỷ trùng tu "báu vật 2000 năm tuổi" ở Hà Nội

Vài ngày qua, trên mạng xã hội lan truyền những bức ảnh liên quan tới đình Chèm - ngôi đình nằm trên địa phận quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Theo người chia sẻ, phía ngoài đình đang diễn ra quá trình sửa chữa, xây dựng: Toàn bộ bậc thềm, nền đá được tháo dỡ, một cây đa nhiều năm tuổi bị chặt bỏ, cảnh tượng ngổn ngang.

Nhiều người dân bình luận, tỏ ý bức xúc khi phần bậc thềm, nền đá lâu năm, cổ kính bị "đập đi xây lại". Bên cạnh đó, nhiều người cũng cảm thấy khó hiểu khi cây đa cao lớn, nhiều năm tuổi cạnh đình bị chặt hạ.

"Nhìn gốc cây cổ thụ bị đốn hạ mà xót xa quá! Những cây đa ở đình đều rất linh thiêng, cổ kính", một tài khoản T.K bình luận.

"Việc trùng tu, sửa chữa công trình cổ cần làm bài bản, chuyên nghiệp chứ không thể đưa máy móc đào xới ngổn ngang thế kia được. Thật đáng tiếc", một tài khoản khác nêu ý kiến.

PV Dân trí đã tới đình Chèm tại phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội để tìm hiểu sự việc. Phía ngoài đình, mặt hướng ra sông Hồng đang được tiến hành sửa chữa nên ngổn ngang gạch đá, đất, cát. Ngay bên cạnh cổng đình là một gốc đa đã bị chặt hạ.

Thực hư việc phá nát đình cổ 2000 tuổi, chặt cây đa trăm năm ở Hà Nội - 1

Phía ngoài đình Chèm đang tiến hành sửa chữa nên ngổn ngang gạch, đá, đất, cát.

Thực hư việc phá nát đình cổ 2000 tuổi, chặt cây đa trăm năm ở Hà Nội - 2

Những bậc thềm bị tháo dỡ.

Thực hư việc phá nát đình cổ 2000 tuổi, chặt cây đa trăm năm ở Hà Nội - 3

Gốc đa bị chặt hạ nằm ngay bên cạnh đình. Gốc đa có đường kính lớn.

Ông Nguyễn Văn Thắng, một người dân sống gần đình Chèm chia sẻ: "Cây đa được chặt hạ cách đây khoảng 5 ngày, từ đó đến giờ mỗi khi ra đây tôi đều thấy tiếc vì cây khá to, có bóng mát. Tôi lớn lên tại đây, hàng ngày ra đây hóng mát, nên khi cây bị chặt, tôi hụt hẫng".

Đình Chèm nằm cạnh ven bờ sông Hồng. Theo người dân, nơi đây có niên đại khoảng 2000 năm. Với những giá trị kiến trúc nghệ thuật đặc sắc, đình Chèm đã được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt.

Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, những câu chuyện nhuốm màu sắc liêu trai về đình Chèm càng khiến ngôi đình trở nên linh thiêng, huyền bí. Đó cũng là lí do hình ảnh tu sửa tại nơi đây được nhiều người dân quan tâm đến vậy.

Thực hư việc phá nát đình cổ 2000 tuổi, chặt cây đa trăm năm ở Hà Nội - 4

Ngôi đình có vị trí rất đẹp.

Ông Nguyễn Mạnh Thìn, trưởng ban khánh tiết đình Chèm (phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) xác nhận, ngôi đình trong quá trình chỉnh trang, tu sửa. Theo ông Thìn, các hạng mục chỉnh trang, tu sửa, bao gồm: Chỉnh trang lại toàn bộ hệ thống tường rào, cây xanh xung quanh đình, hạ cốt sân trước và sân sau đình để đảm bảo trả lại nguyên vẹn đình Chèm trước kia, vốn có 5 bậc, chỉnh sửa phần ngói.

Theo ông Thìn kinh phí trùng tu dự kiến khoảng hơn 10 tỷ đồng, trong đó có nguồn kinh phí xã hội hóa khoảng hơn 1 tỷ đồng, còn lại của quận và thành phố.

Dự kiến việc trùng tu, chỉnh sửa sẽ hoàn thành xong trong tháng 4 tới đây. Ông Thìn cũng cho hay, việc sửa chữa, trùng tu này đã được Sở Văn hóa và Thể Thao Hà Nội cũng như Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch chấp thuận.

Thực hư việc phá nát đình cổ 2000 tuổi, chặt cây đa trăm năm ở Hà Nội - 5

Ông Thìn đang giải thích vì sao phải chặt hạ cây đa trước cửa đình Chèm.

"Dù được tu bổ lại nhưng đình làng vẫn được giữ lại các thiết kế vốn có, và không làm mất đi giá trị cốt lõi của ngôi đình. Việc tu bổ, chúng tôi đã thống nhất và có văn bản phải giữ lại ít nhất 20% giá trị của ngôi đình. Các bậc đá phần lớn được giữ lại, trùng tu lại không làm biến dạng của di tích.

Khi chúng tôi có kế hoạch tu sửa cũng đã lấy ý kiến của các cụ trong phường. Cây đa ở trước cổng không phải là cây đa cổ thụ "trăm năm tuổi" như nhiều người đồn đoán mà đây là cây đa đỏ, được trồng từ năm 1996.

Cây đa này phát triển rất tốt, thế nhưng về phong thủy thì không đạt, nó án ngữ trước cửa đình, đồng thời ảnh hưởng lối thoát nước của nhà đình. Hàng năm, cây bị nghiêng từ 5 cm đến 10 cm về phía đình, do đó chúng tôi đề nghị cắt bỏ. Ngoài ra chúng tôi còn có một số hạng mục cắt tỉa cành cây để phòng chống bão", ông Thìn chia sẻ.

Thực hư việc phá nát đình cổ 2000 tuổi, chặt cây đa trăm năm ở Hà Nội - 6

Theo ông Thìn, cây đa này trồng năm 1996, tới nay khoảng 26 năm tuổi, không phải "cây đa trăm tuổi" như nhiều người đồn đoán.

Thực hư việc phá nát đình cổ 2000 tuổi, chặt cây đa trăm năm ở Hà Nội - 7

Thợ xây đang tiến hành lát lại nền, bậc thềm.

Thực hư việc phá nát đình cổ 2000 tuổi, chặt cây đa trăm năm ở Hà Nội - 8

Dự án sẽ thực hiện hạ cốt sân trước và sân sau đình để đảm bảo trả lại nguyên vẹn đình Chèm trước kia, vốn có 5 bậc.

Thực hư việc phá nát đình cổ 2000 tuổi, chặt cây đa trăm năm ở Hà Nội - 9

Các bậc đá cũ của đình sẽ được giữ lại, chỉ thay thế khi có dấu hiệu hỏng nghiêm trọng hay bổ sung một số bậc đá để trả lại cảnh quan như trước kia.

Thực hư việc phá nát đình cổ 2000 tuổi, chặt cây đa trăm năm ở Hà Nội - 10

Phần mái ngói cũng sẽ được tu bổ.

Trao đổi với PV Dân Trí, ông Nguyễn Ngọc Phong, chủ tịch UBND phường Thụy Phương, (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, dự án này thực hiện theo chủ trương của quận, do quận Bắc Từ Liêm là chủ đầu tư, phường chỉ nắm bắt phối hợp, tất cả quá trình do quận triển khai. Các hạng mục xuống cấp sẽ được tu bổ, thay thế, để đảm bảo được tuổi thọ của công trình. Công trình được giám sát của ban cộng đồng.

Đình làng Chèm nằm cạnh sông Hồng nên thường xuyên bị lũ lụt đe dọa. Vào năm 1902, đình được "kiệu" lên cao thêm 2,4 mét chỉ bằng các dụng cụ của nhà nông như: Đinh bừa, quang gánh... Công việc diễn ra trong vòng một năm. Cả một ngôi đình nặng hàng trăm tấn toàn bằng gỗ quý với những cột kèo phức tạp được "kiệu" lên cao ngang với mặt đê sông Hồng. Đình Chèm được như bây giờ là đã trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo.

Với những giá trị tổng hợp về kiến trúc và lễ hội, ngày 25/6/2018 đình Chèm nhận bằng công nhận Di tích quốc gia đặc biệt. Trước đó, ngày 17 tháng 6 năm 2016 Lễ hội Đình Chèm được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.