Hà Nội lắng nghe ý kiến đóng góp, tháo gỡ khó khăn để phát triển du lịch

(Dân trí) - Trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế VITM Hà Nội 2017, UBND TP Hà Nội vừa tổ chức “Hội nghị gặp gỡ cơ quan quản lý, tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch”.

Hội chợ Du lịch Quốc tế VITM Hà Nội 2017 đang diễn ra từ ngày 6/4 – 9/4/2017 tại trung tâm triển lãm quốc tế I.C.E (số 91, Trần Hưng Đạo, Hà Nội), với chủ đề “Hà Nội – Điểm đến du lịch Việt Nam”. Cũng trong khuôn khổ ngày hội, UBND TP Hà Nội vừa tổ chức “Hội nghị gặp gỡ cơ quan quản lý, tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch” vào chiều 6/4.

Hội chợ Du lịch Quốc tế VITM Hà Nội 2017 là bước đà tiếp tục phát triển ngành du lịch thủ đô
Hội chợ Du lịch Quốc tế VITM Hà Nội 2017 là bước đà tiếp tục phát triển ngành du lịch thủ đô

Đây là hoạt động thiết thực nhằm tăng cường phối hợp, liên kết phát triển du lịch giữa các quốc gia, các ngành, các tỉnh thành phố có tiềm năng du lịch nhằm khai thác các lợi thế, mối quan hệ, sự giúp đỡ của cộng đồng trong nước và quốc tế. Đồng thời, hội nghị cũng là dịp để các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực du lịch lắng nghe ý kiến đóng góp, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân trên địa bàn, các tỉnh, thành phố tham gia phát triển du lịch.

Theo số liệu thống kê, trong thời gian qua, ngành du lịch Việt Nam nói chung, du lịch Hà Nội nói riêng có bước phát triển rõ rệt, đạt những kết quả quan trọng. Năm 2016, tổng khách du lịch đến Hà Nội đạt 21.8 triệu lượt, tăng 11% so với cùng kỳ 2015; khách quốc tế đến Hà Nội đạt hơn 4 triệu lượt, tăng 23% so với cùng kỳ 2015. Sự phát triển của ngành góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng cường xuất khẩu tại chỗ, tạo việc làm, nâng cao đời sống nhân dân, đẩy mạnh quá trình hội nhập quốc tế, quảng bá hình ảnh đất nước.

Hình ảnh bên trong hội nghị
Hình ảnh bên trong hội nghị

Tuy nhiên, đi cùng sự phát triển, ngành du lịch vẫn còn những hạn chế chưa xứng với tiềm năng, thế mạnh và kỳ vọng của xã hội. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý nhận định: “Nguyên nhân chủ yếu do các cấp, các ngành chưa thực sự coi du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, xã hội hóa và hội nhập quốc tế cao, thiếu cơ chế chính sách phù hợp để du lịch phát triển theo đúng tính chất của một ngành kinh tế vận hành theo quy luật thị trường”.

Cũng trong khuôn khổ hội nghị, các khách mời lần lượt đưa bài tham luận đóng góp ý kiến xây dựng với sự phát triển của du lịch thủ đô. Cụ thể, bản tham luận của TS. NguyễnQuang Lân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội, xoay quanh vấn đề “Những cơ hội và thách thức phát triển của du lịch Hà Nội”; TS. Nguyễn Văn Lưu Hàm Vụ trưởng, Nguyên Phó Vụ trưởng vụ Đào tạo, Bộ VHTTDL với “Nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, yếu tố cốt lõi quyết định sự phát triển của du lịch Hà Nội”; đại diện lãnh đạo tổng công ty Du lịch Hà Nội, ông Lưu Đức Kế cũng đưa ra “Những khó khăn vướng mắc trong hoạt động kinh hoanh lữ hành và các đề xuất, kiến nghị.

Tổng cục trưởng Tổng cụ du lịch Nguyễn Văn Tuấn cho biết: “Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, việc đưa Nghị quyết vào các chính sách phát triển du lịch Thủ đô là vấn đề cần quan tâm, để ngành du lịch thành phố phát triển, cùng với các địa bàn du lịch trọng điểm khác trong cả nước thúc đẩy, dẫn dắt ngành du lịch Việt Nam”.

Ngoài những ý kiến đóng góp từ phía các cơ quan quản lý, doanh nghiệp hoạt động trong ngành du lịch, hội nghị cũng diễn ra lễ ký kết hợp tác du lịch giữa Hà Nội với một số địa phương: ký cùng 3 tỉnh miền Trung gồm T.T.Huế - Đà Nẵng – Quảng Nam, với các tỉnh thành khác như Điện Biên, Lào Cai, Sơn La, Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình và Hòa Bình.

Việt Hà

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm