PhotoNews

Hà Nội: Khách bất ngờ khi thử nấu lẩu trong chiếc nồi bằng… giấy

Thực hiện: Nguyễn Hà Nam - Lê Phương Anh - An Dương

(Dân trí) - Lần đầu nhìn thấy món lẩu sôi sùng sục trong… một chiếc nồi làm bằng giấy, nhiều thực khách không khỏi ngạc nhiên. Đây là điểm đặc biệt khiến món lẩu giấy tạo nên trào lưu ẩm thực thú vị tại Việt Nam.

Không dùng nồi kim loại, không mùi khét, không cần rửa sau khi ăn, món lẩu nấu bằng giấy đang trở thành trào lưu ẩm thực, thu hút hàng trăm thực khách mỗi ngày.

Hà Nội: Khách bất ngờ khi thử nấu lẩu trong chiếc nồi bằng… giấy - 1

Lẩu giấy (kami nabe) - cái tên nghe thôi đã khiến nhiều người bối rối: Nồi giấy mà có thể... nấu sôi? 

Chính trải nghiệm "không tưởng" này đang tạo nên sức hút đặc biệt tại một nhà hàng trên đường Phạm Hùng (Hà Nội), nơi mỗi ngày đón hàng trăm lượt khách đến thưởng thức món ăn vốn được xem là tinh hoa một thời trong hoàng cung Nhật Bản.

Hà Nội: Khách bất ngờ khi thử nấu lẩu trong chiếc nồi bằng… giấy - 2

Lẩu giấy là món ăn mang nét văn hóa đặc biệt của Nhật Bản, có nguồn gốc từ xa xưa và thường được phục vụ cho Thiên Hoàng. 

Trong tiếng Nhật, "kami" nghĩa là giấy, còn "nabe" là lẩu. Điểm đặc biệt của món ăn nằm ở việc sử dụng loại giấy washi truyền thống - được làm từ vỏ cây gampi, mitsumata, dâu tằm… theo quy trình thủ công nghiêm ngặt, không sử dụng hóa chất, không tẩy trắng. 

Giấy washi được quán nhập khẩu nguyên tờ, nguyên lô từ Nhật Bản và đều là dòng cao cấp. Theo đại diện quán, việc sử dụng loại giấy này không chỉ để đảm bảo tính nguyên bản của món ăn, mà còn nhằm bảo vệ sức khỏe thực khách. 

Hà Nội: Khách bất ngờ khi thử nấu lẩu trong chiếc nồi bằng… giấy - 3

Giấy washi có thể đặt trực tiếp lên lửa hoặc bếp từ để đun sôi nước lẩu. Nhờ cấu tạo đặc biệt, giấy washi có độ bền cao, chịu nhiệt tốt và đặc biệt không bị mủn, ngấm nước hay biến dạng dù được đun sôi trong thời gian dài.

Nghe có vẻ bất khả thi, nhưng bí mật nằm ở một nguyên lý vật lý đơn giản: Giấy sẽ không cháy nếu có nước trong nồi, bởi nhiệt độ sôi của nước là 100 độ C, thấp hơn nhiều so với điểm cháy của giấy (khoảng 300 độ C). Chỉ cần giữ được lượng nước vừa đủ, chiếc nồi giấy mỏng manh hoàn toàn có thể... nấu ăn.

Hà Nội: Khách bất ngờ khi thử nấu lẩu trong chiếc nồi bằng… giấy - 4

Dưới lớp giấy mỏng manh, quy trình chuẩn bị món lẩu giấy đòi hỏi sự kỹ lưỡng. Bên trong "nồi giấy" là nước lẩu được chế biến kỳ công, sử dụng các loại nấm kết hợp với bột nấm khô và nước hầm xương gà để tạo vị ngọt hậu. 

"Chúng tôi không dùng mì chính hay hạt nêm công nghiệp. Nước lẩu được hầm từ nấm, xương và rau củ để giữ trọn vị ngọt tự nhiên, thanh nhưng vẫn đậm đà", đầu bếp Ngô Doãn Lệnh, người trực tiếp lên công thức và theo sát từng nồi lẩu chia sẻ.

Hà Nội: Khách bất ngờ khi thử nấu lẩu trong chiếc nồi bằng… giấy - 5
Hà Nội: Khách bất ngờ khi thử nấu lẩu trong chiếc nồi bằng… giấy - 6

Các loại thịt bò, gà, hải sản, rau xanh và nấm đều được sơ chế sạch, sắp xếp gọn gàng theo từng suất. Từng khay nguyên liệu bày biện đẹp mắt, kết hợp với màu trắng tinh khôi của nồi giấy tạo nên một tổng thể vừa lạ, vừa tinh tế.

Hà Nội: Khách bất ngờ khi thử nấu lẩu trong chiếc nồi bằng… giấy - 7

Chủ nhà hàng, bà Kwak Se Hee (bên phải), người Hàn Quốc đã sống hơn 20 năm tại Việt Nam cho biết, ý tưởng mang lẩu giấy đến Hà Nội xuất phát từ mong muốn lan tỏa tinh thần ẩm thực tự nhiên, lành mạnh.

"Chúng tôi muốn giữ hồn món lẩu giấy trong từng chi tiết, từ nguyên liệu sạch đến cách trình bày. Việc sử dụng giấy và rổ tre thay vì kim loại hay nhựa cũng là để thân thiện với môi trường", bà Kwak Se Hee chia sẻ.

Hà Nội: Khách bất ngờ khi thử nấu lẩu trong chiếc nồi bằng… giấy - 8

Đặc biệt, lẩu giấy còn có một lợi thế là… không cần rửa nồi sau khi ăn. Nồi giấy được dùng một lần, hoàn toàn có thể phân hủy, giúp tiết kiệm thời gian dọn dẹp và bảo vệ môi trường.

Hà Nội: Khách bất ngờ khi thử nấu lẩu trong chiếc nồi bằng… giấy - 9

Hình ảnh những chiếc "nồi giấy" trắng muốt bốc khói nghi ngút tạo hiệu ứng thị giác ấn tượng. Nhiều người lần đầu trải nghiệm không giấu nổi vẻ ngỡ ngàng: "Nồi giấy mà không cháy?", "Sao nước không tràn?", "Nhìn lạ quá!"...

Hà Nội: Khách bất ngờ khi thử nấu lẩu trong chiếc nồi bằng… giấy - 10

Nhờ sự độc đáo và mới lạ, mô hình lẩu giấy nhanh chóng thu hút sự chú ý. Trung bình mỗi ngày, nhà hàng đón khoảng 200 lượt khách, bán ra khoảng 70-80 nồi lẩu giấy, chủ yếu vào buổi trưa, khi dân văn phòng tranh thủ tìm một bữa ăn vừa ngon miệng vừa có trải nghiệm thú vị.

Trên TikTok và Instagram, hàng loạt video "nồi lẩu bằng giấy" lan truyền với tốc độ chóng mặt. Nhiều người tìm đến nhà hàng không chỉ để ăn, mà còn để quay video, chụp ảnh check-in cùng món ăn tưởng chừng đi ngược lại logic thông thường.

Hà Nội: Khách bất ngờ khi thử nấu lẩu trong chiếc nồi bằng… giấy - 11

Lan Anh (áo đen, SN 1997), lần đầu trải nghiệm lẩu giấy nhận xét rằng, điều khiến món lẩu giấy trở nên đặc biệt không chỉ nằm ở nguyên liệu mà còn ở cách trình bày món lẩu rất mới mẻ và thú vị.

"Tôi thật sự ấn tượng với cách bày trí món ăn, từng phần nguyên liệu được sắp xếp tỉ mỉ, vừa lạ mắt, lẩu được nấu trong giấy washi dùng 1 lần tạo cảm giác sạch sẽ. Hương vị đậm đà, nước dùng thanh nhưng vẫn đủ độ ngậy khiến tôi muốn quay lại lần nữa", Lan Anh nói.

Trong khi đó, Phương Thảo (SN 1996), nhân viên văn phòng làm việc gần quán ăn chia sẻ: "Lần đầu tôi đến là do bạn giới thiệu. Ấn tượng nhất là cảm giác sạch sẽ, nhẹ nhàng, không mùi như các quán lẩu thông thường. Từ đó, cứ có dịp liên hoan là cả nhóm lại kéo nhau đến đây".

Hà Nội: Khách bất ngờ khi thử nấu lẩu trong chiếc nồi bằng… giấy - 12

Lẩu giấy không phải món ăn phổ biến, nhưng lại đủ mới mẻ để níu chân những ai thích khám phá. Với mức giá khoảng 300.000-500.000 đồng cho 2-3 người, đây là một lựa chọn thú vị cho bữa tối đổi vị, đặc biệt trong những ngày Hà Nội se lạnh. 

Tuy nhiên, quán nằm trong tòa Keangnam Landmark 72, nên nếu là lần đầu đến trải nghiệm, khách có thể mất chút thời gian để tìm đúng chỗ. 

Lẩu giấy thu hút sự chú ý nhờ đem đến trải nghiệm ẩm thực độc đáo (Video: Nguyễn Hà Nam).

Ảnh: Nguyễn Hà Nam