Du lịch Việt Nam vượt chỉ tiêu đón 8 triệu lượt khách quốc tế sau 9 tháng

Thanh Thúy

(Dân trí) - 9 tháng đầu năm, tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt khoảng 8,9 triệu lượt khách. Như vậy, du lịch Việt Nam đã về đích sớm với mục tiêu 8 triệu khách quốc tế năm 2023

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 9 tháng đầu năm 2023, tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt khoảng 8,9 triệu lượt, tăng gấp 4,7 lần so với cùng kỳ năm 2022.

Trong đó, riêng tháng 9, đón trên 1 triệu lượt, đánh dấu tháng thứ 3 liên tiếp du lịch Việt Nam đón trên 1 triệu khách quốc tế.

Về quy mô thị trường, Hàn Quốc tiếp tục là thị trường gửi khách lớn nhất trong 9 tháng đầu năm với gần 2,6 triệu lượt (chiếm 29% tổng lượng khách). Thị trường Trung Quốc đã vượt mốc 1 triệu lượt, xếp ở vị trí thứ 2; Đài Loan vượt qua Mỹ lên vị trí thứ 3 với khoảng 575.000 lượt; Mỹ xếp thứ 4 với khoảng 548.000 lượt; Nhật Bản đứng vị trí thứ 5 với khoảng 414.000 lượt.

Trong 10 thị trường hàng đầu có 3 thị trường Đông Nam Á: Thái Lan (351.000 lượt); Malaysia (333.000 lượt); Campuchia (289.0000 lượt); Úc xếp ở vị trí thứ 9 (283.000 lượt); Ấn Độ xếp thứ 10 (278.000 lượt).

Du lịch Việt Nam vượt chỉ tiêu đón 8 triệu lượt khách quốc tế sau 9 tháng - 1

Du lịch Việt Nam về đích sớm, vượt mục tiêu 8 triệu khách quốc tế năm 2023 sau 9 tháng đầu năm (Ảnh: Dung Dang).

Ở châu Âu, 3 thị trường gửi khách lớn nhất đến Việt Nam gồm có: Anh (187.000 lượt), Pháp (155.000 lượt) và Đức (142.000 lượt), xếp sau là thị trường Nga với 88.000 lượt.

Về mức độ phục hồi so với cùng thời điểm trước dịch, một số thị trường lớn có mức độ phục hồi rất tốt: Mỹ (96,4%) Hàn Quốc (82,3%), Đài Loan (85,3%).

Các thị trường Đông Nam Á phục hồi khả quan: Malaysia (76,9%), Philippines (84%). Đặc biệt, một số thị trường thậm chí đã cao hơn so với cùng thời điểm trước dịch: Thái Lan (101,7%); Singapore (106,5%); Campuchia (267,1%). Ở Nam Á, thị trường Ấn Độ cũng có bước phục hồi ấn tượng (240%).

Tín hiệu lạc quan cũng đến từ các thị trường chính ở châu Âu: Đức phục hồi tốt nhất với 87,1%; Tây Ban Nha đạt 82,4%; Anh đạt 78,9%; thấp hơn một chút là Italia (76,7%); Pháp (71,9%).

Dù vậy, thị trường truyền thống Trung Quốc mới đạt tỷ lệ phục hồi 28,2%. Ở thời điểm trước dịch, thị trường Trung Quốc chiếm gần 1/3 tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Giai đoạn 2015-2019, lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam tăng 3,3 lần từ 1,78 triệu lượt lên 5,8 triệu lượt.

Với việc ngành du lịch sẽ bước vào mùa cao điểm du lịch quốc tế trong những tháng cuối năm, tận dụng cơ hội từ chính sách miễn thị thực và cấp thị thực điện tử mới có hiệu lực từ 15/8, kỳ vọng lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam sẽ tiếp tục tăng nhanh trong thời gian tới.

Các chuyên gia và nhiều doanh nghiệp cho rằng dù đã về đích sớm, du lịch Việt Nam cũng cần có những kế hoạch mới cho toàn ngành từ đây đến cuối năm. 

Thực tế, dù đón lượng khách tăng nhanh, du lịch Việt Nam vẫn còn gặp một số thách thức như chi phí du lịch cao, khả năng kết nối hàng không còn hạn chế, và thị trường Trung Quốc vẫn chưa phục hồi hoàn toàn.

Bên cạnh đó, du lịch là ngành chịu nhiều tác động của những ngành nghề khác nhau. Vì thế, khi du lịch có những mục tiêu cao hơn, các bộ ngành khác cũng sẽ có chính sách điều chỉnh phù hợp với cơ hội thị trường.