Du lịch Việt Nam càng tăng trưởng, nghề đầu bếp càng "lên ngôi"

Huy Hoàng

(Dân trí) - Theo số liệu trong năm 2023, ngành F&B (thực phẩm và đồ uống) của Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng đạt tổng doanh thu hơn 590.000 tỷ đồng, riêng thị trường nhà hàng góp 538.500 tỷ đồng.

Trong buổi tọa đàm "Phát triển nghề đầu bếp - Hiện tại và tương lai" diễn ra vào chiều 24/7, ông Trịnh Cao Khải, Hiệu trưởng trường CĐ Du lịch Hà Nội nhận định, ẩm thực đã trở thành nét nghệ thuật, là một phần của văn hóa toàn cầu. Bởi vậy, đây là ngành có nhiều cơ hội phát triển. Qua đó, vị thế của người đầu bếp càng được khẳng định.

Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường du lịch, việc đào tạo nguồn nhân lực đầu bếp đảm bảo về số lượng và chất lượng trở thành nhiệm vụ cấp bách. Đó là một thế hệ đầu bếp mới có tay nghề cao, phẩm chất tốt và năng lực thích ứng với thị trường.

Du lịch Việt Nam càng tăng trưởng, nghề đầu bếp càng lên ngôi - 1
Sinh viên trường CĐ Du lịch Hà Nội thực hiện các món ăn kiểu Âu trong phòng thực hành tại trường (Ảnh: Tuệ Nhi).

Tiến sĩ Phạm Mạnh Cường, Trưởng khoa quản trị chế biến món ăn thuộc trường CĐ Du lịch Hà Nội cũng nêu ra những con số đáng chú ý.

Năm 2024, ngành du lịch đặt mục tiêu đón 17-18 triệu lượt khách quốc tế; phục vụ 110 triệu lượt khách nội địa. Tổng thu từ du lịch đạt khoảng 840.000 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2024, qua kỳ nghỉ Tết Dương lịch, ngày nghỉ lễ dịp 30/4 & 1/5, nhiều tỉnh thành đã đạt được những con số ấn tượng về lượng khách và doanh thu, tăng cao hơn so với năm 2023.

Dù 2023 là một năm đầy thách thức với ngành kinh tế nhưng ngành F&B (thực phẩm và đồ uống) của Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng đạt tổng doanh thu hơn 590.000 tỷ đồng, riêng thị trường nhà hàng góp 538.500 tỷ đồng, tăng 10,87% so với năm 2022.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, số lượng nhà hàng và khách sạn tại Việt Nam tăng trưởng bình quân mỗi năm từ 7-10%, điều này tạo ra nhu cầu rất lớn đối với lao động trong nghề bếp. Tuy nhiên, do vấn đề nguồn đào tạo còn khiêm tốn nên dẫn tới tình trạng thiếu hụt lao động nghề bếp.

Số liệu cho thấy 60-80% nhà hàng và khách sạn gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động nghề bếp, đặc biệt là lao động có trình độ cao. Điều này cho thấy nhu cầu đào tạo đối với nghề bếp còn rất lớn mà thực tế đào tạo tại các cơ sở chưa đáp ứng được.

"Với một thị trường kinh doanh ẩm thực đang có chiều hướng tăng trưởng rất nhanh trong năm tới, nguồn nhân lực làm trong lĩnh vực ẩm thực dự báo cần nhu cầu lớn. Nhân lực cho lĩnh vực ẩm thực trực tiếp phần lớn đó là các đầu bếp, nhân viên phục vụ bàn, bar, nhân viên pha chế đồ uống. Ngoài ra còn có đó là các quản lý nhà hàng, các nhà nghiên cứu ẩm thực, các nhà bình luận nhận xét món ăn", Tiến sĩ Cường nhấn mạnh.

Chia sẻ cách thức phát triển và nâng cao nguồn nhân lực lĩnh vực ẩm thực tại Việt Nam, Tiến sĩ Cường cho rằng cần thực hiện nhiều giải pháp.

Trong đó bao gồm xây dựng chương trình đào tạo theo chuẩn đầu ra; xây dựng đội ngũ giảng viên chuyên ngành giỏi lý thuyết, thạo thực hành nghề nghiệp; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho việc giảng dạy; tăng cường liên kết đào tạo với doanh nghiệp; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo và ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động đào tạo.

Ngoài ra, theo Chủ tịch Hội đầu bếp chuyên nghiệp Hà Nội Chef Hà Hải Đoàn, các đầu bếp trẻ "cần hiểu sâu sắc tầm quan trọng của ngọn lửa đam mê và lòng nhiệt huyết trong nghề bếp".

Với ông, nghề bếp hay bất cứ nghề nào khác, trước khi theo nghề, mỗi chúng ta cần xác định cho mình một mục tiêu, đích đến. Đó là trở thành người làm nghề thế nào, sống trong nghề nghiệp ra sao. Nhưng để đạt mục tiêu thành công, mỗi đầu bếp cần dùng tới ngọn lửa nhiệt huyết và đam mê.

Cũng trong buổi tọa đàm, ông Nguyễn Thường Quân, Chủ tịch Hiệp hội đào tạo và việc làm đầu bếp Việt Nam, cho rằng, có thể nghề bếp và cơ hội việc làm trong nghề bếp còn rất rộng mở tại Việt Nam. 

"Tuy nhiên, những đòi hỏi từ thực tiễn người đầu bếp không chỉ tinh thông chuyên môn mà còn đòi hỏi người đầu bếp phải được trang bị thêm những kỹ năng và năng lực mới trong điều kiện ngành ẩm thực Việt Nam càng cạnh tranh cao", ông Quân nhấn mạnh.